Vài chục người đi sau xe tang bày tỏ sự kính trọng đối với thành viên 70 tuổi quá cố của một trong những gia đình mafia khét tiếng nhất. Claudio Fava, chủ tịch ủy ban chống mafia khu vực, mô tả đây là một "bê bối thực sự, sự xúc phạm đối với những người mất người thân trong đại dịch".
Việc đám rước diễn ra giữa lệnh phong tỏa phản ánh quyền lực mafia nắm giữ tại nhiều vùng ở Italy, khiến các chính quyền địa phương phải "khuất mắt trông coi".
Các quan chức và nhà nghiên cứu cho biết các nhóm mafia đang trục lợi từ Covid-19, đặc biệt là ở miền nam nước này. Nhóm mafia khét tiếng nhất 'Ndrangheta, với hang ổ tại Calabria, được cho là kiểm soát 80% thị trường cocaine châu Âu. Mặc dù đại dịch làm cho việc phân phối ma túy trở nên khó khăn hơn, họ vẫn lợi dụng được lệnh phong tỏa.
Nhà báo Roberto Saviano, tác giả một cuốn sách về mafia, nói rằng "những kẻ buôn ma túy lợi dụng sự thiếu giám sát của giới chức hành pháp tại các cảng, các sân bay". "Làm gì còn ai kiểm tra nữa?", ông nói.
Mafia không chỉ bán cocaine, họ còn nhúng tay sâu vào nền kinh tế. Trong khi các hoạt động truyền thống của mafia như tống tiền có thể bị ảnh hưởng trong dịch, họ cũng có những cơ hội mới, Anna Sergi, giảng viên cao cấp về tội phạm học tại Đại học Essex, bình luận.
Franco Gabrielli, lãnh đạo lực lượng cảnh sát Italy, nói rằng các tổ chức mafia đã thâm nhập sâu vào "các lĩnh vực chưa chịu ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế thời Covid-19: chuỗi thực phẩm nông nghiệp, thuốc và thiết bị y tế, vận tải đường bộ".
"Họ đầu tư vào nhà tang lễ, dịch vụ giặt là cho bệnh viện, công ty vệ sinh, giao hàng, trạm xăng. Đó là những mảng họ đã tham gia trong 10 năm qua", Saviano nói. "Với lợi thế đó, họ có thể vươn 'xúc tu' vào cả những ngành họ vốn không kiểm soát, khi các doanh nghiệp đang thiếu tiền mặt trầm trọng".
"Khi tình trạng khẩn cấp kết thúc, các nhóm tội phạm có thể mở rộng ảnh hưởng, kiểm soát các công ty trước đây không nằm dưới trướng của họ", ông nói thêm.
Sergi nói rằng những cuộc khủng hoảng trong quá khứ cho thấy các doanh nghiệp dễ chấp nhận tín dụng đen của mafia vì họ có thể chuyển tiền nhanh chóng và yêu cầu ít khắt khe hơn ngân hàng khi cho vay. Cho các công ty đang khó khăn vay tiền và sau đó dần dần kiểm soát họ là một chiến thuật mafia đã làm nhuần nhuyễn. Nicola Gratteri, nhà điều tra chống mafia và là công tố viên trưởng ở Catanzaro, nói rằng nhà hàng và khách sạn đặc biệt dễ bị tổn thương.
Nhóm chống mafia SOS Imeaway cho biết mafia từng lợi dụng khủng hoảng tài chính năm 2008 để biến họ thành "ngân hàng lớn nhất" Italy. Họ ước tính năm 2012 rằng mafia có 65 tỷ EUR (72 tỷ USD) thanh khoản và mô tả tín dụng đen là để đối phó "tình trạng khẩn cấp quốc gia". Trong khi đó, nhiều ngân hàng Italy chật vật duy trì hoạt động và vay mượn rất nhiều từ Ngân hàng Trung ương châu Âu.
"Họ tiếp cận công ty đang gặp khủng hoảng và nói 'chúng tôi không mua tất cả, nhưng chúng tôi sẽ cho anh tiền mặt để đổi lấy cổ phần, để trở thành một phần của công ty anh", ông mô tả. "Đó là điều họ làm với tất cả mọi người".
Cuối tháng trước, video một phụ nữ đập cửa ngân hàng ở Bari, la ó chỉ trích ngân hàng và nhà nước được chia sẻ rộng rãi. Đây là loại tình huống mà mafia muốn khai thác. 'Ndrangheta và các nhóm khác xây dựng lòng trung thành bằng cách cung cấp nhu yếu phẩm cho các khu dân cư nghèo và tiền mặt cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
"Đây là phương pháp thu phục lòng người. Nếu nhà nước hoạt động không hiệu quả, mafia sẽ lợi dụng điều đó để thể hiện họ là hình mẫu ưu việt và có thể đòi được đền đáp khi cố can thiệp vào bầu cử". Gratteri nói thêm.
Zora Hauser, nhà nghiên cứu tội phạm có tổ chức tại Đại học Oxford, nói rằng "khi khủng hoảng kinh tế và xã hội đang diễn ra thì chúng ta sẽ thấy mafia quay trở lại hoạt động chính là bảo kê và cai quản ngầm công chúng".
Salvo Palazzolo, nhà báo của tờ La Repubblica, đã bị đe dọa sau khi đưa tin người có liên quan đến mafia phát thực phẩm ở quận nghèo Palermo, Sicily. "Các gia đình mafia ở Palermo như Cosa Nostra đang rất mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực buôn ma túy và cờ bạc trực tuyến", Palazzolo nói.
"Cosa Nostra tăng tầm kiểm soát thông qua hỗ trợ phúc lợi cho các gia đình có thành viên đang ngồi tù và giờ cả các hộ nghèo nữa. Họ muốn thể hiện mình như một tổ chức thay thế cho nhà nước", ông cho biết thêm.
Ở một quận khác của Palermo, một trùm mafia định tổ chức lễ Thứ sáu Tuần Thánh (thứ sáu trước Lễ Phục Sinh, kỷ niệm Chúa Jesus bị đóng đinh vào thập tự giá) bất chấp lệnh phong tỏa, trước khi cảnh sát can thiệp. Nhà tội phạm học Anna Sergi nói rằng mafia muốn công chúng có hảo cảm và cần họ.
Chính phủ Italy đã nhận thức được sự nguy hiểm. Bộ trưởng Nội vụ Luciana Lamorgese gửi thư cho các lãnh đạo khu vực cảnh báo các tổ chức tội phạm sẽ cố sử dụng "các hình thức hỗ trợ" để làm đẹp hình ảnh.
Chính phủ đã thành lập một quỹ hỗ trợ thực phẩm trị giá 400 triệu EUR (435 triệu EUR) và giải ngân thêm 4,3 tỷ EUR (4,8 tỷ USD) cho các thị trưởng địa phương. "Chúng tôi biết nhiều người đang gặp khó khăn, nhà nước luôn sẵn sàng hỗ trợ", Thủ tướng Giuseppe Conte nói ngày 28/3.
Tuy nhiên, đây là một thách thức. Trong khủng hoảng, mafia sẽ cố lôi kéo, chiêu mộ thêm người mới mất việc. Có đến ba triệu người Italy là lao động phi chính thức. Một khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế năm 2017 ước tính 1/4 người Italy 20-25 tuổi không có việc làm và không được đào tạo nghề nghiệp.
Italy đang cố gắng cứu nền kinh tế bằng cách bơm 750 tỷ EUR (815 tỷ USD), đảm bảo các khoản vay cho các doanh nghiệp. Nhưng các nhà điều tra chống mafia lo lắng rằng một số khoản vay cùng hình thức hỗ trợ khác sẽ rơi vào tay doanh nghiệp do mafia điều hành.
Italy đang thúc đẩy ý tưởng về khoản vay chung của các quốc gia thành viên EU từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Nhà bình luận người Đức Christoph Schiltz kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel từ chối ý tưởng này, viết rằng "mafia đang chờ đợi một cơn mưa tiền mới từ Brussels". Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio mô tả bình luận của Schiltz là "đáng xấu hổ và không thể chấp nhận được".
Nhưng mafia không phải là vấn đề của riêng Italy. Họ đã 'vươn xúc tu' khắp châu Âu và ra xa hơn. 'Ndrangheta có mạng lưới rộng khắp châu Âu để phân phối ma túy, thường ngụy trang dưới dạng nhà hàng pizza. Họ cũng đã đầu tư vào bất động sản.
Giống như nCoV, mafia không nề hà biên giới. "Mafia cũng rất quyền lực ở Đức", Roberto Saviano nói. "Họ ít bạo lực hơn, nhưng rất quyền lực".
Đầu tháng này, Giáo hoàng Francis cầu nguyện rằng xin Chúa hãy "chạm đến trái tim và thay đổi" những người trục lợi từ đại dịch như mafia. Nhưng những bằng chứng trong lịch sử và hiện tại cho thấy ông có thể phải thất vọng.
Phương Vũ (Theo CNN)