Kết quả nghiên cứu Nhiễm đột phá của biến thể Delta trên nhân viên y tế đã tiêm đủ liều vaccine, do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp thực hiện, vừa được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet. Đây là lần đầu tiên một công trình nghiên cứu tại Việt Nam về tình trạng mắc Covid-19 sau khi tiêm vaccine (còn gọi là nhiễm xuyên hàng rào miễn dịch hoặc nhiễm đột phá) được đăng tải trên tạp chí y học uy tín thế giới.
Đối tượng nghiên cứu là nhóm 69 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM bị lây nhiễm hồi giữa tháng 6, sau đó dịch bắt đầu bùng phát mạnh ở thành phố và các tỉnh phía Nam. Điểm đặc biệt là trước khi phát hiện mắc Covid-19 tất cả nhân viên y tế này đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Họ làm việc tại 20 trong số 34 khoa phòng của bệnh viện, chiếm 8% trong tổng số nhân viên.
Câu hỏi "tại sao đã tiêm đủ vaccine vẫn nhiễm" đến nay vẫn đang được thế giới nghiên cứu. Khi ấy, giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (nay ông là Phó giám đốc Sở Y tế) nói với VnExpress "đây là cơ hội để Việt Nam nghiên cứu về tình trạng nhiễm nCoV sau tiêm vaccine".
Trong số 69 nhân viên mắc Covid-19, có 62 người đồng ý tham gia cuộc nghiên cứu. 60 người trong số đó nhiễm sau khi tiêm mũi hai vaccine AstraZeneca khoảng 7-8 tuần (đủ thời gian sinh kháng thể). Hai người còn lại mới chỉ tiêm một liều vaccine. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát chi tiết về biểu hiện lâm sàng, diễn tiến virus học, mức độ kháng thể trung hòa trên nhóm nhân viên bị nhiễm.
Hầu hết người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tất cả đều hồi phục nhanh chóng rõ rệt so với các bệnh nhân không chủng ngừa. Hình ảnh chụp X-quang phổi ghi nhận ba người có dấu hiệu viêm phổi song chỉ một trường hợp thở oxy mũi trong ba ngày. Giải trình tự gene kết luận nhóm nhân viên này nhiễm biến thể Delta.
Theo kết quả nghiên cứu, tải lượng virus (nồng độ virus trong mũi họng) nhóm nhân viên y tế nhiễm, ở thời điểm "đỉnh" suy ra từ giá trị Ct, cao hơn 251 lần so với bệnh nhân bị nhiễm chủng gốc được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 3, tháng 4 năm ngoái. Trong đó, tải lượng virus ở người có triệu chứng cao hơn nhiều người không triệu chứng.
Tải lượng virus biến thể Delta ở người tiêm đủ vaccine dù cao hơn so với chủng cũ, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với tải lượng virus ở người chưa tiêm vaccine. Hồi tháng 9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết nồng độ virus biến thể Delta trong dịch hầu họng ở bệnh nhân Covid đợt dịch này cao gấp 1.000 lần so chủng cũ, là lý do lây nhiễm nhanh và rộng, chu kỳ lây ngắn.
Cũng theo nghiên cứu, thời gian xét nghiệm PCR dương tính ở bệnh nhân nhóm này kéo dài, trung bình từ khi chẩn đoán dương tính đến khi âm tính là 21 ngày. Trong đó, người có thời gian dương tính dài nhất là 33 ngày, ngắn nhất là 8 ngày.
Nghiên cứu các trường hợp đã tiêm đủ hai liều vaccine, cho thấy nhìn chung nhóm người nhiễm có nồng độ kháng thể trung hòa thấp hơn nhóm không nhiễm. Tuy nhiên, xét trên từng cá thể thì có những người nồng độ kháng thể trung hòa cao vẫn bị nhiễm.
Nghiên cứu cũng xác định không có mối tương quan về nồng độ kháng thể trung hòa đo được tại thời điểm nhiễm nCoV và tải lượng virus trong mũi họng. Cụ thể, có những người nồng độ kháng thể trung hòa cao song tải lượng virus vẫn rất cao, và ngược lại.
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được ngưỡng kháng thể (bao gồm kháng thể trung hòa) ở mức bao nhiêu là đủ để có thể giúp bảo vệ chúng ta không bị nhiễm bệnh.
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, đến giữa năm 2021, đa số mọi người đều tin rằng sau khi tiêm đủ liều vaccine Covid-19 thì sẽ an toàn, không bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên điều này đã không còn đúng khi xuất hiện biến chủng Delta.
Nghiên cứu cũng ghi nhận tải lượng virus cao cùng với môi trường thông gió kém mà không đeo khẩu trang tại văn phòng làm việc, tạo điều kiện cho việc lây truyền biến thể Delta giữa các cá nhân dù đã được tiêm chủng.
"Do đó, các biện pháp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) rất quan trọng để giảm lây truyền chủng virus biến thể ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao", đại diện nhóm nghiên cứu nói với VnExpress.
Biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao, lây lan nhanh nên sớm thống trị toàn cầu, xâm nhập thành trì chống dịch trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, đặc biệt là TP HCM và các tỉnh phía Nam, biến chủng này gây nên đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài 5 tháng qua với những hậu quả nặng nề.
Hồi tháng 8, nghiên cứu sơ bộ hơn 500 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, cho thấy nhiều người mắc bệnh khi chưa đủ thời gian sinh kháng thể sau tiêm vaccine. Trong số bệnh nhân, khoảng 20,5% đã tiêm một mũi vaccine cách thời điểm phát hiện bệnh dưới 4 tuần; 3,8% tiêm đủ hai mũi nhưng mũi thứ hai cũng chưa đáp ứng miễn dịch đầy đủ, tức chưa đủ ít nhất 15 ngày sau tiêm mũi hai.
Nghiên cứu cũng cho thấy tại Bệnh viện 175, các F0 đã tiêm vaccine có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với người không tiêm.