Tuyên bố được nhà khoa học Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm khoa học trong Chương trình Cấp cứu Y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa ra ngày 21/9.
Cuối tháng 7, Delta áp đảo các chủng khác của nCoV tại Mỹ. "Đại dịch Covid-19 trở thành đại dịch Delta", tờ Washington Post đưa tin vào thời điểm đó. Khi ấy, chủng Delta chiếm khoảng 93% ca nhiễm mới. Trong 4 tuần trở lại đây, hơn 98% số trình tự virus được gửi về Sáng kiến Chia sẻ Dữ liệu Bệnh truyền nhiễm (GISAID) là chủng Delta. Ở quy mô toàn cầu, biến thể này chiếm khoảng 90% trình tự gene virus được giải.
Theo bà Kerkhove, Delta chiếm ưu thế bởi khả năng thích nghi, lây lan cao hơn, tính cạnh tranh tốt hơn. Trong khi đó, WHO đã sửa đổi các chủng Eta (được phát hiện ở 81 quốc gia), Iota (được xác định ở ít nhất 49 quốc gia) và Kappa (lan rộng đến 57 quốc gia) từ biến thể được quan tâm (VOI) xuống mức độ thấp hơn là biến thể đang theo dõi. Thời gian qua, tỷ lệ lây nhiễm của chúng đã giảm đáng kể.
"Sự thay đổi này phản ánh tốc độ lây lan nhanh chóng và thế thống trị của biến thể Delta ở hầu hết khu vực trên thế giới", WHO cho biết.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, ngày 21/9, biến thể Delta chủ yếu lưu hành trong các cộng đồng chưa được tiêm chủng và một nhà tù liên bang ở Texas. Trong số 233 tù nhân, có 185 người, tương đương 79%, đã tiêm đủ hai liều vaccine.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet hôm 27/8, phân tích hơn 40.000 trường hợp dương tính nCoV ở Anh, cho thấy biến thể Delta gây triệu chứng nặng hơn các biến thể khác. Nó có khả năng xâm nhập cơ thể cao gần gấp đôi so với chủng nCoV gốc, nguy cơ lây truyền cao hơn biến thể Alpha 60%.
Người nhiễm biến thể Delta trung bình tuổi trẻ hơn. Tính toán các yếu tố liên quan đến bệnh trạng như tuổi tác, dân tộc và vaccine, các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ nhập viện tổng thể do chủng Delta cao gấp đôi.
Thục Linh (Theo WSP, Business Standard)