-
9h50
Các nền tảng, ứng dụng công nghệ đang xuất hiện ngày một nhiều, kịp thời hỗ trợ trong việc kết nối người bệnh với hệ thống y tế, người yếu thế với nhà hảo tâm, người dân với chính quyền và ngược lại. Tuy nhiên, việc dùng công nghệ trong kết nối cũng có một số bất cập, chồng chéo. Tọa đàm trực tuyến "Kết nối trong đại dịch", diễn ra từ 10h ngày 24/8, bàn về việc công nghệ làm được và chưa làm được gì trong việc kết nối thông tin. Chương trình có sự tham gia của các diễn giả là ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Thông tin và truyền thông; ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế; ông Vòng Thanh Cường - CEO Kompa Group; và ông Nguyễn Đình Quân - Kỹ sư quản lý dự án, Tập đoàn Thyssenkrupp Industrial Solution AG.
-
10h10
Các nền tảng và ứng dụng kết nối người bệnh, người có nhu cầu tư vấn với bác sĩ và cơ sở y tế đang được một số bên phát triển. Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của những ứng dụng này? Bộ TT&TT đã có những động thái gì thúc đẩy sự phát triển ứng dụng công nghệ trong phòng chống Covid-19?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Thời gian qua, ngay từ khi Covid-19 khởi phát ở VN năm 2020, công nghệ đã tham gia tích cực vào câu chuyện kết nối. Đầu tiên là chúng ta kết nối bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới để hội chẩn tư vấn từ xa. Đến nay đã có 2.000 điểm được kết nối, đặc biệt chúng ta đã kết nối 100% bệnh viện tuyến trung ương với tuyến huyện. Trong vài ngày vừa qua, chúng ta đã tiến hành kết nối với các bệnh viện dã chiến ở TP HCM, Bình Dương, Long An.
Thứ hai là về câu chuyện kết nối bác sĩ với bệnh nhân, chúng ta có nhiều ứng dụng tư vấn chăm sóc sức khỏe, để kết nối bác sĩ với bệnh nhân như VOV Bác sĩ 24, và đặc biệt khi mà dịch bệnh bùng phát mạnh ở đợt thứ tư này, chúng ta đã có thêm các công cụ để kết nối, chẳng hạn nền tảng kết nối tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bênh, nền tảng kết nối để chuyển các ca cấp cứu. Thời gian qua các nền tảng này triển khai hiệu quả ở TP HCM. Có thể thấy, công nghệ đã và đang giúp, không chỉ là giúp bệnh viện kết nối với nhau, mà còn giữa người khó khăn và người có khả năng giúp đỡ, để chúng ta cùng đẩy lùi dịch bệnh.
-
10h12
Là người tham gia tư vấn và hỗ trợ công tác y tế trong phòng chống Covid-19, ông đánh giá các ứng dụng, nền tảng kết nối người bệnh với bác sĩ đã hỗ trợ được gì trong công tác phòng chống Covid-19?
Ông Nguyễn Trường Nam: Các ứng dụng đang giúp kết nối cơ sở y tế tuyến trên, tuyến dưới và với người dân. Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát tại TP HCM, nhiều cơ sở y tế quá tải, nhiều F0, F1 phải cách ly điều trị tại nhà. Việc kết nối với bệnh nhân gặp khó khăn do quá tải, bác sĩ bận rộn trong điều trị, chống dịch. Bộ Y tế có một số định hướng nền tảng để kết nối cơ sở y tế với người dân. Khi người dân không liên lạc được với bác sĩ địa phương thì có thể gọi trực tiếp đến đường dây nóng của Bộ Y tế. Nhiều trường hợp bác sĩ thăm khám từ xa cho người dân, giúp người bệnh được yên tâm trong việc điều trị Covid-19 tại nhà.
-
10h16
Ở nước ngoài, các ứng dụng tư vấn sức khỏe từ xa phát triển thế nào?
Ông Nguyễn Đình Quân: Tại Đức nơi tôi đang sống là thị trường chăm sóc sức khỏe lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Các ứng dụng tư vấn sức khỏe ở Đức phát triển mạnh. Nhưng cũng rất ngạc nhiên là họ chỉ mới phát triển chúng gần đây, khoảng từ năm 2019.
Các ứng dụng như hỗ trợ chẩn đoán điều trị bệnh, kết nối bệnh nhân với bác sĩ, hay đơn giản là tư vấn dinh dưỡng, lối sống lành mạnh đang phát triển mạnh ở Đức. Cuối năm 2019, Đức cũng thông qua đạo luật về chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe để tạo ra khung pháp lý cho các nhà cung cấp ứng dụng. Với đạo luật này, Đức là nước đầu tiên cho phép bác sĩ kê đơn ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Chi phí sử dụng do bảo hiểm y tế chi trả. Đây là nước đầu tiên để bảo hiểm y tế chi trả chi phí dùng ứng dụng.
Các ứng dụng muốn được sử dụng tại Đức phải được đánh giá rủi ro trước khi cấp phép. Ngoài ra các bác sĩ cũng sẽ được bảo hiểm chi trả chi phí tư vấn qua video call cho bệnh nhân. Đạo luật này giúp giải quyết một thách thức lớn trong chuyển đổi số y tế, là "ai sẽ chi trả cho các ứng dụng y tế", đồng thời quy định rõ ràng về bảo mật và quyền riêng tư người dùng, dù điều này đến nay vẫn có nhiều người Đức chưa hài lòng.
Trong Covid-19, việc sử dụng các công cụ tư vấn sức khỏe từ xa tại Đức được đẩy mạnh. Trước đây theo luật chỉ dùng cho 20% bệnh nhân và cho 20% tổng số dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng ứng dụng tư vấn sức khỏe qua video hoặc từ xa. Khi dịch bệnh xảy ra, Đức đỡ gỡ bỏ các giới hạn này cho bác sĩ và không giới hạn các dịch vụ bác sĩ có thể tư vấn qua video.
Còn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như tại Singapore, các ứng dụng tư vấn sức khỏe từ xa được xếp vào danh mục thiết bị y tế.
Lợi ích của các ứng dụng này là tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe. Thứ hai, việc chẩn đoán từ xa qua video và các thiết bị theo dõi giúp phát hiện bệnh sớm, nâng cao cơ hội cứu chữa. Ngoài ra còn giúp giảm tải cho các bệnh viện lớn, nâng cao hiệu quả điều trị và phân bổ nguồn lực y tế hợp lý. Trong dịch thì chúng giúp giảm tiếp xúc tại các cơ sở y tế, giảm sự xuất hiện của bệnh nhân tại cơ sở y tế, người dân tuân thủ giãn cách hơn, bảo vệ bác sĩ hơn, từ đó góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
-
10h20
Các ứng dụng hỗ trợ nhu yếu phẩm như SOSmap, Zalo Connect... được nhiều người hưởng ứng. Làm thế nào để các nền tảng này phát huy được thế mạnh của mình?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Những nền tảng có nhiều người sử dụng sẽ phát huy được ý nghĩa lớn trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh. Như Zalo, hàng tháng có 65 triệu người dùng. Khi phát triển Zalo Connect, chúng tôi thấy nó đã thể hiện được hiệu quả. Trong 15 ngày triển khai đã ghi nhận khoảng 320 nghìn lượt đề nghị trợ giúp. Tiện lợi ở chỗ, nếu tôi cần trợ giúp, tôi có thể đưa lên nền tảng và những người ở gần mình nhất, nếu có tấm lòng, năng lực giúp đỡ, thông qua nền tảng này có thể phát hiện được ra những người cần giúp đỡ. Mới cách đây 2 hôm, qua nền tảng này, tôi cũng đã giúp một người như vậy ngay trong khu phố. Ngoài ra, nền tảng còn hiển thị lời đề nghị nào đã được trợ giúp, được trợ giúp bao nhiêu lần.
Hay như tổng đài 1022 mà TP HCM thời gian qua triển khai, có một nhánh hỗ trợ người dân. Sau khi triển khai, mỗi ngày nhận khoảng 15-20 nghìn lượt gọi đề nghị trợ giúp từ các khu phong tỏa. Có thể thấy các nền tảng như vậy đã phát huy được hiệu quả trong thời gian vừa rồi, và chúng ta sẽ cần đẩy mạnh các giải pháp này hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trường Nam: Với việc phòng chống dịch, giãn cách xã hội là tất yếu. Những người lao động, người yếu thế không có thu nhập, việc làm sẽ gặp khó khăn nếu không có cơ chế hỗ trợ kịp thời, trong khi nguồn lực của chính quyền không thể kịp thời bao quát hết. Vì vậy rất cần sự chung tay của cộng đồng để hỗ trợ người khó khăn. Điều này giúp người dân an tâm ở nhà giãn cách xã hội, không phải ra đường bươn trải. Khi giải quyết được bài toán an sinh xã hội, người dân sẽ an tâm, tuân thủ các biện pháp chống dịch. Đây là điều cấp thiết, kịp thời giúp đẩy lùi dịch bệnh.
-
10h25
Việc phát triển ứng dụng kết nối hỗ trợ y tế cho người dân trong đại dịch ở Việt Nam có gì khác với thế giới? Nền tảng Giúp tôi! đã ra đời thế nào và hiệu quả đến nay ra sao?
Ông Vòng Thanh Cường: TP HCM vào trung tuần tháng 7 bắt đầu bùng dịch, hệ thống y tế từ cơ sở đến địa phương đều quá tải. Người dân là F0, F1 khó kết nối các tuyến bệnh viện, họ rất hoang mang. Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ bắt đầu tạo nhóm, kết nối bác sĩ liên ngành. Ý tưởng ra mắt ứng dụng kết nối người có nhu cầu cần tư vấn với bác sĩ có chuyên môn bắt đầu hình thành. Sau đó, tôi kêu gọi các chuyên gia công nghệ, một tuần sau đó hơn 200 chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới chung tay xây dựng. Hai tuần qua có hơn 5.000 người được kết nối với chuyên gia. Còn hiện đã có hơn 10.000 y bác sĩ có chuyên môn, có thể mở rộng ra phục vụ nhu cầu tư vấn của người dân, cả về bệnh liên quan đến Covid-19 lẫn sức khoẻ tâm lý.
-
10h30
Bộ TTTT đã có những biện pháp gì để ngăn chặn tin giả trên các hội nhóm tự phát và giúp các nhà hảo tâm xác minh thông tin?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Có thể thấy nền tảng, ứng dụng hay bất cứ thứ gì khác trong xã hội của chúng ta, bên cạnh các mặt tốt thì cũng có thể bị lợi dụng. Thời gian qua, chúng tôi cũng ghi nhận một số trường hợp như vậy, nhưng không nhiều, ước tính chỉ dưới 3%. Tuy nhiên, tất cả những việc như thế, khi phát hiện ra, chúng tôi từ góc độ cơ quan chức năng khi phát hiện ra đều có phân loại để có xử lý phù hợp, để nâng cao niềm tin của mọi người khi tham gia vào. Ví dụ cũng có những lời kêu cứu ảo. Khi xử lý, chúng ta sẽ có những phân loại, những lọc sơ bộ ra để sao cho tỷ lệ đó ngày càng ít đi. Gần đây, tôi thấy trên các nền tảng mà chúng tôi theo dõi, các hiện tượng này không có dấu hiệu gia tăng hay có thể trở thành một xu hướng phổ biến.
Ông Nguyễn Đình Quân: Theo quan sát của tôi, chuyện này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả ở các nước khác cũng có. Tôi thấy cần có quy định rõ ràng của pháp luật, đồng thời ràng buộc các nhà phát triển nền tảng cần có sự chịu trách nhiệm nếu nền tảng của mình phát tán những thông tin không đúng. Cần có những công cụ để người dùng báo cáo, để các nhà phát triển ứng dụng có phản ứng ngay để xóa bỏ các thông tin như vậy, hoặc chuyển cho cơ quan chức năng.
-
10h35
- Khi phát triển các giải pháp, các nhà phát triển hẳn đã tính đến việc không phải người dân nào cũng có smartphone. Các ông đã giải quyết vấn đề này như thế nào để những người yếu thế không bị bỏ lại vì bản thân họ mới là những người cần được hỗ trợ nhất?
Ông Vòng Thanh Cường: Trong quá trình phát triển, Giúp tôi! đã nghĩ đến những người không rành công nghệ. Bước tiếp theo, dự án sẽ phát triển các tính năng giúp kết nối các đường dây nóng của Bộ TTTT, Bộ Y tế với nền tảng Giúp tôi! để ai cũng có thể được hỗ trợ từ y bác sĩ.
Thời gian qua, đa số người dùng ứng dụng đến từ TP HCM, chỉ trong 30 giây, người dân có thể kết nối với y bác sĩ có chuyên môn, được giải đáp thắc mắc. Đây là điều người dân rất mong đợi. Khi cần giúp đỡ họ mong có thông tin ngay. Người dân rất vui vì được giải đáp, trấn an ngay lập tức.
-
10h38
Chúng ta có nhiều ứng dụng và tưởng chừng đang sống trong một thế giới kết nối. Nhưng thực tế, vẫn có những khúc đứt gãy khiến con người trong thế giới kết nối lại không được kết nối. Như người nhà không thể đi theo chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong khi các bệnh viện quá tải, y bác sĩ quá bận rộn. Nếu bệnh nhân trở nặng và không thể dùng điện thoại, người thân sẽ hoàn toàn không biết được tình trạng của họ. Các diễn giả có nhận định gì về tình trạng này và cần có biện pháp gì?
Ông Nguyễn Đình Quân: Khi viết bài "Kết nối với F0" trong chuyên mục Góc nhìn của VnExpress, tôi cũng nhận được một số thông tin và một số câu hỏi. Sẽ rất thương tâm khi trong đại dịch chúng ta phải tuân thủ giãn cách xã hội dẫn đến không thể kết nối với người nhà. Người Việt chưa bao giờ quen với tình trạng như vậy. Chúng ta quen với việc đi theo chăm sóc, theo sát người nhà và gần như không bao giờ đứt kết nối với người nhà, bởi tâm lý khi người nhà bị bệnh là khi họ cần mình nhất.
Tôi nghĩ về mặt công nghệ, bài toán này có thể được giải quyết. Nhưng vấn đề là cần ai đó đặt ra. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến anh Huy Dũng. Sau bài viết của tôi, anh Huy Dũng cũng liên lạc với tôi và khẳng định chính phủ lắng nghe ý kiến của người dân và các anh sẽ cho triển khai ngay một ứng dụng hoặc giải phấp giải quyết vấn đề này. Và hôm trước, các anh đã có giải pháp cho vấn đề này.
Tại Việt Nam, tôi biết là các công ty chuyển phát nhanh có thể theo dõi hàng hóa chuyển đi. Người nhận hoặc người chuyển đều có thể theo dõi đường đi nước bước của hàng hóa đó một cách đơn giản. Bằng cách xuất một mã vạch hoặc QR dán lên hàng hóa, tại mỗi điểm trung chuyển, người ta có thể quét mã đó và bất cứ ai cần theo dõi đều có thể nhập một mã lên website hoặc ứng dụng để biết hàng hóa đang ở đâu, khi nào đến tay chúng ta.
Hàng hóa chúng ta có thể làm vậy, thì với con người trong thời đại 4.0 thì hoàn toàn có thể làm được.
Từ đầu dịch đã có nhiều ứng dụng hỗ trợ cho người dân ở vùng dịch bệnh và khi vấn đề trên được nêu ra thì cũng đã được làm ngay. Tuy nhiên tôi thấy, bên cạnh ưu tiên lớn nhất về sức khỏe cũng cần quan tâm đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Tôi mong các cơ quan chức năng cần lưu tâm đến vấn đề này, để người bệnh vẫn được đảm bảo quyền riêng tư. Những thông tin về tình trạng bệnh của họ chỉ được gửi đến cho người nhà được ủy quyền, có tư cách hợp pháp để nhận thông tin, đồng thời có giải pháp bảo mật dữ liệu để đảm bảo sau khi đại dịch xảy ra, không xảy ra tình trạng lộ lọt dữ liệu, tránh sự trục lợi sau này.
-
10h45
Vậy các diễn giả đang triển khai những giải pháp gì cho việc bảo mật thông tin người dùng các hệ thống phòng chống dịch?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Chúng tôi luôn tâm niệm chuyển đổi số sinh ra để giải quyết các nỗi đau của xã hội. Chúng ta cần đi tìm những vấn đề, những nhức nhối của xã hội để giải quyết bằng công nghệ. Những người trong cuộc đôi khi không dễ dàng nhìn ra những vấn đề này, vì vậy cần sự tham gia của từ báo chí, chuyên gia trong và ngoài nước để nêu lên những nỗi đau để công nghệ giải quyết.
Về câu chuyện bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dùng Việt Nam. Đây là câu chuyện mà 5 năm qua, các cơ quan chức năng tại Việt Nam ý thức rất rõ. Như trong Luật an toàn thông tin mạng năm 2015, lần đầu tiên dành riêng một mục có 5-6 điều quy định chi tiết về bảo vệ thông tin cá nhân. Lần đầu tiên thông tin cá nhân đã được định nghĩa tường minh và được pháp luật bảo vệ.
Khi thiết kế các ứng dụng phòng chống dịch, chúng tôi cũng luôn ý thức rất rõ điều này. Đến thời điểm này, dù phải cân đối rất khó trong trong việc vừa dễ sử dụng, vừa phù hợp để tác chiến trong điều kiện chống dịch ngặt nghèo, cùng yêu cầu phải phản ứng trong thời gian rất nhanh, nhưng các ứng dụng được triển khai trong thời gian qua luôn luôn chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân từ khâu thiết kế. Chúng ta luôn cố gắng thể chế hóa, minh bạch hóa điều đó bằng cách ban hành cơ chế vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu trong phòng chống dịch. Theo quy định, tất cả dữ liệu người dân được thu thập qua các nền tảng, chỉ dùng trong phòng chống dịch bệnh. Các dữ liệu hết thời hạn sẽ được xóa bỏ khỏi hệ thống, chẳng hạn dữ liệu khai báo y tế, sau 14-28 ngày sẽ không còn giá trị về mặt dịch tễ, sẽ được xóa khỏi hệ thống. Chúng tôi cũng mời đủ các cơ quan chức năng vào để kiểm tra và giám sát quá trình thực thi điều này.
Khi phát triển các ứng dụng chống dịch như Bluezone, chúng tôi cũng mở mã nguồn để tất cả đều có thể tham gia. Dù tình huống luôn luôn thay đổi, chúng ta cần thay đổi để theo kịp thực tiễn. Nhưng là những người phòng chống dịch, chúng tôi cam kết tuân thủ pháp luật, đồng thời cũng là đạo đức nghề nghiệp trong việc bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu người dùng.
Ông Vòng Thanh Cường: Trong dự án Giúp tôi!, chúng tôi chia ra làm nhiều loại dữ liệu: Dữ liệu cá nhân, dữ liệu câu hỏi, hành vi. Dữ liệu cá nhân thì được mã hoá toàn bộ, chỉ người đó, thông qua số điện thoại, OTT mới có thể đọc được. Ngay nhà phát triển cũng không đọc được những nội dung này.