-
12h45Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Công nghệ giúp chung sống an toàn cùng Covid-19 diễn ra vào 13h ngày 14/9 với sự tham gia của bốn diễn giả: Ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch Tập đoàn Bkav, Kiến trúc sư trưởng Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia; ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch Công ty công nghệ DTT, Giám đốc điều hành đề án ITrithuc; ông Lê Nhật Quang - Phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm ITP, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP HCM; và ông Phạm Nam Long - nhà sáng lập kiêm CEO công ty Abivin.
-
13h08
Về việc phát triển và ứng dụng công nghệ giúp người dân thích ứng an toàn với dịch bệnh hiện nay, chúng ta đã làm được gì và còn hạn chế gì so với kỳ vọng?
Ông Nguyễn Tử Quảng: Đại dịch đến bất ngờ vào năm trước. Ngay sau đó, các công ty công nghệ đã được Chính phủ triệu tập và chúng tôi tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch. Nhiều công ty cung cấp các giải pháp ngay cho việc chống dịch, nhưng do thời gian gấp, nên Chính phủ và các bộ ngành nhận thấy cần tập hợp, kết nối các phần mềm lại với nhau, cần có một bản thiết kế bài bản hơn, giống như xây một tòa nhà cần bản vẽ thiết kế của tòa nhà rồi mới thi công bài bản. Nhưng trong dịch bệnh, mỗi công ty tham gia đang làm một phần.
Cách đây 3 tháng, bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia, nhằm kết nối các phần mềm với nhau, dựa trên một thiết kế bài bản. Gần gây, Thủ tướng cũng ra quyết định, sắp tới các phần mềm sẽ phải được kết nối với nhau. Đây cũng là kết quả mà các công ty đã tham gia thực hiện trong 3 tháng qua dưới một thiết kế chung. Sắp tới, chúng ta hy vọng sẽ có một phần mềm tham gia phòng chống dịch hiệu quả, người dân có thể sử dụng thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Thế Trung: Có nhiều công ty tham dự, tình nguyện đóng góp, và Việt Nam đã làm được nhiều công nghệ để chống dịch. Về mặt CNTT, chúng ta đã cố gắng, nhưng đây là bài toán khó, độ kỳ vọng cao, chúng ta chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cộng đồng công nghệ, chúng ta làm một lần chưa tốt nhưng sẽ sửa dần để tốt hơn. Dù chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã đạt được mục tiêu đưa ra.
Ông Lê Nhật Quang: Khi đại dịch xảy ra, tất cả bị ảnh hưởng, nhưnglà cơ hội để CNTT được ứng dụng, thúc đẩy số hoá nhanh hơn. Chính phủ đã có những chính sách đón đầu về chuyển đổi số, ứng dụng AI vào khai thác dữ liệu đa ngành. Nhưng việc ứng dụng chưa kịp so với tốc độ lây lan của dịch bệnh. Ban đầu, chúng ta gặp một số khó khăn trong việc tận dụng CNTT chống dịch. Những công ty đã ứng dụng chuyển đổi số trước đại dịch ít bị tác động so với công ty truyền thống khi dịch kéo dài. Điều tích cực thấy được là sự cần thiết của công nghệ trong cuộc sống. Công nghệ làm giảm khoảng cách, tối ưu hoá chi phí để ứng dụng công nghệ vào chống dịch. Từ đó sinh ra nhiều ứng dụng công nghệ khác nhau vào nhiều ngành nghề khác nhau. Những ứng dụng liên quan đến câu chuyện hỗ trợ phòng chống dịch rất nhiều, nhưng cũng là vấn đề cần lưu tâm. Các đơn vị đều cần nhảy vào, bước tiếp theo cần thống nhất các cơ sở dữ liệu để có được sức mạnh mới nhằm thích nghi với đại dịch.
Ông Phạm Nam Long: Thực sự tôi rất ghi nhận ở vai trò là người dùng. Những công nghệ phát triển nhanh giúp các hoạt động kinh tế có thể tiếp tục. Tôi tin trong tất cả các hoạt động, đều có công nghệ đứng sau.
Về phát triển kinh tế, chúng ta vẫn phải vận tải, bán lẻ, sản xuất. Tôi xin chia sẻ về hạn chế trong lĩnh vực logictics. Đây là một chuỗi các hoạt động cần liên kết nhiều bộ ngành địa phương doanh nghiệp. Trong thời gian qua, hàng hóa không được lưu thông, gây ảnh hưởng đến logistics, đứt gãy chuỗi cung ứng, có thể thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Các thiệt hại này có thể được giảm bớt nếu ứng dụng công nghệ trong những hoạt động này. Tôi hiểu công nghệ trong logistics sẽ không thể làm nhanh, nên cũng phải chấp nhận việc làm và hoàn thiện dần.
Cuối cùng, tôi xin đề xuất một nền tảng thống nhất về quản lý nhà nước về quản lý kho bãi, hàng hóa, kết nối với hệ thống logictics, qua đó thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo mục tiêu kép.
-
13h22
Hiện Việt Nam đã chuẩn bị ứng dụng công nghệ thế nào để đảm bảo các khu vực kinh tế trọng điểm có thể mở cửa an toàn?
Ông Nguyễn Tử Quảng: Hiện nay Trung tâm công nghệ phòng chống Covid đã chuẩn bị sẵn các giải pháp để đối phó với Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Chúng ta đang chia các tỉnh thành 2 nhóm, nhóm lây nhiễm nhiều (>100 ca mỗi ngày), và nhóm có vài chục hoặc không có ca nhiễm.
Với các tỉnh có vài chục ca nhiễm, để chúng ta sống chung với Covid-19, cần phát hiện các ca chỉ điểm của các ổ dịch mới. Như một hệ thống radar, cần phát hiện được "địch" để tiến hành các biện pháp tấn công. Đầu tiên là phát hiện các ổ dịch mới. Thống kê cho thấy khoảng 15% những người nhiễm Covid sẽ bị nặng. Chúng ta sẽ thực hiện chốt chặn tại bệnh viện. Bất cứ ai có triệu chứng sẽ đều được xét nghiệm. Theo lý thuyết, tại một ổ dịch, cứ 9 người nhiễm thì có 1 người vào viện. Chốt chặn tại các bệnh viện sẽ tìm được những ca "chỉ điểm" này, từ đó truy vết khẩn trương, vét được cả ổ dịch với thời gian tính bằng ngày chứ không phải bằng tuần như trước đây.
Một thống kê khác là khoảng 89% những người từ F1 thành F0 là người rất thân cận với F0 gốc, như người nhà, đồng nghiệp... Nhưng 11% còn lại rất khó, do họ có thể là người tiếp xúc ở nơi công cộng. Vậy làm sao để tìm ra 11% này?
Có 2 giải pháp:
- Hệ thống QR code: Trong thời gian tới, các địa điểm công cộng có thể đều có mã QR mà người đến phải quét QR code. Việc quét hiện cũng rất tiện.
- Cài phần mềm phát hiện tiếp xúc gần: Giả thuyết khi phát hiện được ca F0 chỉ điểm và đưa lên hệ thống, có thể tìm ra mọi địa điểm mà F0 này từng đến và quét (gọi là mốc dịch tễ). Đồng thời quét ra ở thời điểm đó, địa điểm đó có những ai cùng đến. Khi đó chúng ta sẽ không cần phải đi tìm, đi loan báo trên các phương tiện truyền thông. Phần mềm phát hiện tiếp xúc gần cũng giúp tìm ra những người đã tiếp xúc trong khoảng cách 2 mét.
Sau khi tìm ra danh sách F1, thông tin đó lại được đưa lệ hệ thống để phân tích, và đẩy về cho các đội truy vết ở các địa phương, kết hợp hợp cả công nghệ với phương thức truy vết truyền thống.
Chúng tôi quyết tâm hỗ trợ các đơn vị để làm sao các tỉnh cố gắng dập được dịch, trở về lây nhiễm số lượng ít. Kết hợp với các công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được dịch bệnh như năm ngoái. Ở Việt Nam, những tỉnh lây nhiễm nhiều chiếm khoảng 17% dân số. Tôi tin sắp tới chúng ta sẽ xử lý được và trở về trạng thái bình thường mới.
-
13h32
Riêng tại TP HCM, chúng ta cần có những giải pháp ứng dụng công nghệ nào để thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh?
Ông Lê Nhật Quang: Với những tỉnh đang có dịch lớn như TP HCM, chính quyền địa phương đã có những chiến lược để chung sống với Covid-19. Sống với Covid-19 khác sống với dịch, là chung sống theo ngưỡng cho phép trong ngành y tế và áp dụng song song các phương án với nhau. Với TP HCM, ở những khu vực như quận 7, Củ Chi, Cần Giờ hoặc khu trọng điểm kinh tế như Khu công nghệ cao, Khu chế xuất sẽ chuyển qua phương án thích ứng.
TP HCM sẽ phát triển một ứng dụng khai báo y tế, kết nối với dữ liệu chung trên nền tảng dữ liệu quốc gia trong việc liên thông dữ liệu để các quận thí điểm hoạt động. Với người dân, app này sẽ có bốn thông tin đồng bộ hoá: Khai báo y tế, lịch sử tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm và với những trường hợp cách ly tại nhà có theo dõi sức khoẻ. Dữ liệu sẽ kết nối với các ứng dụng khác trên thị trường. Hiện có nhiều ứng dụng khiến người dân bị rối, trong khi Sở TT&TT TP HCM cam kết sẽ kết nối thông tin. Các cơ sở kinh doanh cũng đăng ký, cam kết thực hiện 5K bên cạnh ưu tiên chống dịch và phát triển kinh tế.
Khi hoạt động, quy trình cũng rất tuân thủ, ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau để kiểm soát dịch bệnh như camera đo thân nhiệt, quy trình làm việc giãn cách... Đây là một trong những cách mà doanh nghiệp chủ động triển khai. Câu chuyện mở cửa tiếp thì chúng ta cần chờ trong thời gian tới, sau khi có kết quả thí điểm tại ba quận ở TP HCM.
-
13h36
Các diễn giả có đánh giá gì về chủ trương thống nhất mỗi người một mã QR của chính phủ?
Ông Nguyễn Thế Trung: Cá nhân tôi ủng hộ công nghệ mở và không độc quyền. Chúng ta đã có tầm nhìn rất xa, ngay từ khi làm CCCD điện tử đã yêu cầu gắn mã QR. Việc này đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận công nghệ công bằng. QR code này có thể cầm tay, mang nhiều hàm lượng thông tin mà bất kỳ người dân nào cũng có thể sử dụng dễ dàng.
QR code là trụ cột quan trọng của quốc gia gần 100 triệu dân, trong đó có những người không có smartphone. App chỉ là công cụ thô sơ, việc khó hơn nhiều là trung tâm công nghệ phần mềm liên thông được với nhau.
Nếu làm như cách đây một năm, chúng ta có thể tìm 100% các F1. Nhưng với chủng mới, truy vết hết F1 là không thể vì nó còn lây không triệu chứng. Con người không thể khống chế theo cách cũ. Đó là lý do chúng ta phải chuyển sang giai đoạn mới là sống chung với Covid-19. Chúng ta phải có tâm thế phù hợp. Bài toán cách đây một năm không còn đúng.
QR code là vấn đề bắt buộc phải dùng. Sau này, không chỉ chống dịch mà để bất kỳ ai cũng có thể tham gia. Hãy dồn 20% công sức để giải bài toán mang lại hiệu quả cho 80%, còn lại cũng phải chấp nhận những rủi ro nhất định. Để giải bài toán 80-20 khó hơn rất nhiều so với bài toán 100%. Ví dụ Israel, Singapore có đầy đủ công nghệ nhưng vẫn đang tìm cách giải quyết, không phải 100% nữa mà là 80-20.
Ông Phạm Nam Long: Phần chia sẻ của các diễn giả rất thú vị, đưa ra góc nhìn từ nhiều phía. Tôi đồng ý với một phần ý kiến của anh Trung và anh Quang, là cần phát triển kinh tế, trong một điều kiện mà chưa từng xảy ra bao giờ. Chúng ta cần dựa vào tình huống hiện nay để đưa ra quyết định.
Về chuyện một mã QR cho tất cả các ứng dụng, chúng ta cần dựa vào cụ thể bài toán đưa ra là gì. Tôi chỉ xin chia sẻ về việc đưa công nghệ vào các hoạt động phát triển kinh tế, trong bối cảnh chúng ta đã tiêm vaccine đủ nhiều, một số tỉnh thành được kiểm soát, việc đưa mọi thứ về trạng thái bình thường mới sẽ trở nên quan trọng hơn.
Vì thế, tôi nghĩ giải pháp sẽ thiên về kiểm soát khi di chuyển, hoặc đưa ra công nghệ giúp giảm tiếp xúc. Ngoài việc sử dụng QR Code, có thể sử dụng camera, như camera giao thông. Điều này giúp quản lý được các phương tiện liệu có di chuyển theo đúng mục tiêu, đúng nhu cầu không, hay với mục đích khác có thể khiến dịch lây lan. Ở chiều hướng khác, cũng cần tăng cường các công nghệ giúp giảm tiếp xúc. Hiện nay, tôi thấy có các hoạt động như đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, thanh toán không tiền mặt...
Tôi nghĩ khả năng công nghệ của Việt Nam hoàn toàn cho phép chúng ta làm được những việc đó. Ngoài ra, chúng ta có thể ứng dụng AI, Big Data để giúp phân tích dữ liệu, cũng sẽ rất thiết thực. Khi có dữ liệu, chúng ta sẽ phân tích được các tình huống diễn ra như thế nào.
-
13h50
Bài toán liên kết dữ liệu, tạo thành một kho dữ liệu nhất định cho việc chống dịch, theo các diễn giả sẽ hiệu quả thế nào?
Ông Nguyễn Tử Quảng: Vấn đề kết nối dữ liệu là vấn đề mà Trung tâm công nghệ đặt ra hàng đầu. Nó cũng giúp trả lời cho vấn đề mà anh Trung vừa nêu ra. Trước đây, do chưa có kết nối dữ liệu như QR code, phát hiện tiếp xúc gần.. nên chúng ta đang làm rất thủ công. Nhưng dù sao, chúng ta đã chiến thắng được chủng virus ban đầu. Việt Nam là nước hiếm hoi trên thế giới làm được việc đó.
Có một điểm khác nhau lớn giữa chủng Delta và chủng gốc. Chủng gốc có chỉ số lây nhiễm hệ số 3, trong khi chủng Delta hệ số 6. Đó là lý do cần dùng công nghệ. Công nghệ giải quyết được vấn đề tốc độ. Tốc độ của virus lớn, nhưng tốc độ của công nghệ còn lớn hơn. Vì công nghệ tính bằng mili giây. Khi phát hiện được các ca chỉ điểm, chỉ cần tính bằng giây là chúng ta có thể tìm được tất cả các trường hợp F1. Tốc độ của công nghệ tạo ra sự thay đổi của loài người. Lúc trước chúng ta chưa hoàn thiện các công nghệ, nhưng nay chúng ta đang hoàn thiện và sẽ làm được.
Ông Nguyễn Thế Trung: Dữ liệu có vòng đời và tính sử dụng của nó. Ví dụ, chúng ta có thông tin về F0 trong 14 ngày thì không có giá trị truy vết. Nhưng ngay khi phát hiện một người dương tính, chúng ta phải tính được họ đã lây nhiễm trước đó bao nhiêu ngày. Đây luôn luôn là sự tương đối, lý giải vì sao chúng ta không bắt được 100%. Ví dụ, một người dương tính, máy CT phải chạy 38 lần mới ra virus thì không phải dương tính. Công thức này đã được WHO công nhận.
Ngay khi một người dương tính, ta cũng không biết chính xác họ đã nhiễm bệnh cách đây bao lâu. Từ đó không thể tìm ra những mẫu số quá lớn lên đến cả triệu người để cách ly.
Dữ liệu bây giờ phải được dùng khôn ngoan để giải quyết 20% quan trọng, mang lại hiệu quả 80%. Trong giai đoạn tới, cách làm thông minh, giỏi, khó là thu thập được 20% dữ liệu cần. Dữ liệu cần thì thu thập, dữ liệu không cần thì bỏ ra, đây là câu chuyện dịch tễ, cần theo dõi, học hỏi liên tục vì vòng đời dữ liệu dịch tễ rất ngắn.
-
13h58
Thời gian qua, các đơn vị công nghệ liên tục cho ra ứng dụng chống dịch. Tính sơ trong kho ứng dụng của Google và Apple có gần 10 ứng dụng.... Làm sao để người dân tin rằng lần này các dữ liệu sẽ được liên thông thật và có tính chính xác?
Ông Nguyễn Tử Quảng: Hiện nay có nhiều app, mỗi app kết nối đến cơ sở dữ liệu riêng. Sắp tới, Chính phủ quyết định chỉ còn một app nên có thể không cần gọi là liên thông hay kết nối nữa. Kết nối dữ liệu nếu có, là kết nối giữa các bộ ngành với nhau, và việc này đang được làm rất khẩn trương.
Ông Nguyễn Thế Trung: Vấn đề liên thông dữ liệu vừa là lỗi vừa là "thời trang" của công nghệ. Trong khi đó nó là vấn đề kỹ thuật, chúng ta hãy quan tâm đến việc trẻ con ở nhà lâu, làm sao quay lại trường học an toàn. Chúng ta phải tính đến câu chuyện hai mũi vaccine cho trẻ em, người già. Bài toán dịch tễ, dân sinh quan trọng hơn. Người dân không cần quá quan tâm về việc liên thông, nó là vấn đề của kỹ thuật. Cái chúng ta cần là làm sao để trẻ em được đi học, để người dân có thể chung sống bình thường mới.
Ông Lê Nhật Quang: Cơ sở dữ liệu cần liên thông, thống nhất vì nó liên quan đến dịch tễ, hoạt động doanh nghiệp... Nhưng cái quan trọng khi liên thông là chúng ta có được dữ liệu chính xác. Đây mới là cơ sở để đưa ra các chính sách, quyết định về quản lý mới được sát thực tế. Dữ liệu phục vụ chính cho những quyết định mang tính chính sách, ảnh hưởng đến hoạt động của xã hội, khi nào mở cửa. Nếu có được dữ liệu chính xác chúng ta sẽ biết khu vực A, B được mở cửa ngày nào, không bị giới hạn về giới hạn hành chính. Nếu dữ liệu đúng, có thể vẽ ra các con đường chúng ta cần đi trong thành phố. Đây là vấn đề an sinh, y tế. Nếu dữ liệu liên thông, chúng ta sẽ biết được khả năng chịu đựng của cơ sở y tế. Số bệnh nhân tại nhà, số F0... bao nhiêu nhân lực y tế, đội hỗ trợ có đáp ứng được không. Khi số ca tăng lên, bổ sung ở đâu, chỗ nào thiếu chỗ nào thừa. Các chính sách khi đó rất linh động, giải quyết được vấn đề.
Khi dữ liệu xuất hiện, chúng ta có nhiều ứng dụng như CovidMap, luôn cập nhật theo tình hình thực tế, cho biết tình hình hiện tại thay đổi theo từng giờ, từng phút. Dữ liệu sẽ quyết định chính sách phù hợp, thích ứng, cụ thể cho từng địa phương. Nếu có cơ sở dữ liệu tốt hơn có thể liên quan đến vùng, khu vực. ví dụ TP HCM có những vùng xanh giáp ranh, việc giao lưu, logistic được luân chuyển bình thường.
Ông Nguyễn Nam Long: Ý kiến của các anh rất hay và có nhiều góc nhìn khác nhau. Tôi cũng tin là bài toán xây dựng CSDL trên quy mô ngành, địa phương và cả trung ương, là một bài toán lớn, vượt quá khả năng của một doanh nghiệp, hay thậm chí một tập đoàn hàng nghìn nhân sự. Một doanh nghiệp đơn lẻ sẽ khó được làm. Vì vậy chúng ta cần sự đoàn kết lại với nhau.
Ở góc nhìn của tôi, cần một chiến lược xuất phát từ Chính phủ, nhà nước trong việc xây dựng một hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu cấp nhà nước. Hiện chúng ta nghĩ chỉ những doanh nghiệp CNTT mới làm sản phẩm phần mềm. Nhưng chúng ta có thể hình dung, về sau trong nhà nước, chính phủ cũng sẽ phải có những đơn vị chuyên trách về quản lý CSDL, quản lý ứng dụng tập trung ở quy mô nhà nước. Nó sẽ là tương lai, là nhu cầu cần, để tránh các rắc rối.
Một cách cụ thể có thể thực hiện là nhà nước tập trung lưu trữ dữ liệu, sau đấy để doanh nghiệp phát triển ứng dụng. Ứng dụng khi không phù hợp sẽ thay đổi. Đó là cách chúng ta có thể biết được dữ liệu thuộc về ai, các hoạt động cụ thể thuộc về ai khi phát triển.
-
14h01
Chính phủ giao cho Bộ TT&TT phát triển một ứng dụng chống dịch duy nhất. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển ứng dụng này? Đây sẽ là ứng dụng hoàn toàn mới, hay là giải pháp hợp nhất các ứng dụng đang có lại với nhau?
Ông Nguyễn Tử Quảng: Như tôi đã chia sẻ, Trung tâm công nghệ phòng chống Covid được thành lập vì Thủ tướng thấy rằng các công nghệ của chúng ta cần được kết nối, thống nhất lại với nhau. Và tất nhiên các ứng dụng trước đây được phát triển trong hơn một năm, dẫn đến cần thời gian để tạo ra nền tảng chung theo thiết kế. Đây cũng là chủ trương chung của Chính phủ nhưng cần thời gian để trở thành hiện thực.
Vừa rồi, sau khi thấy việc kết nối khả thi, Thủ tướng cũng như Phó Thủ tướng đã quyết định chính thức sắp tới sẽ có một ứng dụng mới, kế thừa tất cả những giá trị mà các ứng dụng trước đó. Hiện nay các Bộ, ngành, và trung tâm đang ngồi với nhau, rất khẩn trương, để thống nhất. "Nguyên vật liệu đã có", giờ chỉ cần thống nhất và triển khai, bởi dịch không chờ chúng ta. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có được giải pháp như Thủ tướng yêu cầu.
-
14h15
TP HCM bắt đầu áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng tại quận 7, Củ Chi và Cần Giờ. Như thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, người dân ở những khu vực này được cấp mã QR trên ứng dụng Y tế HCM. Người không dùng smartphone được cấp mã số qua tin nhắn hoặc được in mã QR ra thẻ. Như vậy, TP HCM sử dụng một ứng dụng khác, không phải ứng dụng hội tụ mà Bộ TT&TT đang phát triển?
Ông Nguyễn Thế Trung: Có hai phần dữ liệu cần cân nhắc là dữ liệu do cơ quan nhà nước quản lý đã nằm sẵn ở nhiều nơi. Ví dụ QR code có sẵn trong cơ sở dữ liệu dân cư, vậy vì sao lại làm cái mới. Chúng ta biết một người có bệnh nền hay không thông qua dữ liệu trên BHYT, tương tự với dữ liệu với người lao động... Nhiều dữ liệu nhà nước đang quản lý nếu được chia sẻ, làm với nhau sẽ giúp được rất nhiều việc thông minh mà các ứng dụng đang làm. Khi chia sẻ dữ liệu, có một cái nhạy cảm là dữ liệu không giống nhau thì không có quyền vào xem dữ liệu của người dân.
Ví dụ, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành có 6.000 bác sĩ. Mỗi người đều có quyền trao đổi, hiểu rõ tiền sử để chăm sóc tốt hơn và có quyền ghi lại dữ liệu, tình trạng của bệnh nhân nhưng họ không bao giờ chia sẻ cho mạng lưới và cơ quan chức năng. Đó là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy nếu muốn khai thác dữ liệu, chỉ khi bệnh nhân cho phép mới được khai thác. Còn lại dữ liệu chỉ mang tính thống kê như chuyển viện đi đâu, như thế nào.
Việc chia sẻ dữ liệu rất quan trọng, phải theo đúng luật của nhà nước. Sắp tới, khi làm ứng dụng, hãy chia sẻ dữ liệu của nhà nước rồi mới bổ sung dữ liệu từ người dân, doanh nghiệp, làm cho ứng dụng thông minh lên, làm nhiều việc.
Cách tiếp cận của TP HCM không phải không có lý. Nếu thành phố tích hợp thông tin từ các dữ liệu thành phố đang có từ doanh nghiệp, người dân thành phố sẽ hỗ trợ người dân tốt hơn chứ không chỉ là hỗ trợ truy vết, xét nghiệm.... Nếu huy động sức mạnh đó giúp người dân, doanh nghiệp có thể có giá trị vượt trội so với ứng dụng mới. Vì nhà nước phân cấp quản lý nên nhiều nơi địa phương có dữ liệu, nhà nước chưa chắc đã có. Do đó, hướng đi này hợp lý nếu người làm ra giá trị mới cung cấp cho người dân sự thuận tiện, thay vì làm một cái mới theo ứng dụng đã có của quốc gia, không tạo ra giá trị mới.
Ông Phạm Nam Long: Tôi đồng tình với anh Trung. Chúng ta cần hệ thống CNTT quản lý dữ liệu tập trung một cách bài bản. Nên xuất phát từ chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương. Các địa phương có thể đưa ra bài toán cụ thể như mình quản lý dữ liệu gì, cần thực hiện quy trình gì, cần có các loại báo cáo nào, từ đó trở thành đề bài cho các doanh nghiệp công nghệ. Bài toán lớn có thể được bổ ra thành các bài toán nhỏ, để các doanh nghiệp sẽ làm. Tuy nhiên khi làm xong, nó sẽ thành hệ thống của chính quyền, địa phương, dữ liệu do địa phương quản lý, còn các doanh nghiệp sẽ chỉ làm nhiệm vụ của họ.
Chúng ta cần một bài toán tổng thể, một chiến lược tổng thể về hệ thống CNTT cho chính quyền, sau đó sẽ cần nhân sự đầy đủ, bài bản để phát triển và duy trì hệ thống đó cho nhà nước.