Ngày 8/8, tại diễn đàn M&A Việt Nam 2013, vấn đề được các diễn giả mổ xẻ nhiều nhất là thách thức từ những thương vụ M&A trong năm qua. Nhiều chuyên gia cho rằng nửa đầu năm 2013, thị trường M&A hơi chững lại vì Việt Nam chưa đẩy mạnh cải cách, tháo gỡ những khó khăn.
Giám đốc Khối tư vấn M&A thuộc KPMG Vietnam, Carl Gordon nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của các thương vụ là do bên bán có sự kỳ vọng quá mức về giá bán hoặc hai bên có những quan điểm khác nhau về mục tiêu cần đạt được.
Ông Carl Gordon kể thêm, ngay cả khi ý chí bên mua và bên bán gặp nhau thì lại vướng vào bế tắc khác là pháp lý. Các quy định chi phối trực tiếp hoạt động M&A rất nhiều và rải rác trong vô số văn bản khác nhau. Chúng nằm trong các bộ luật và quy định khác nhau, chẳng hạn như Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán...
Có kinh nghiệm hơn 40 lần tham gia vào các thương vụ M&A tại Việt Nam, Giám đốc Đầu tư Recof Corporation, Sam Yoshida chia sẻ: "Thiếu thông tin của công ty mục tiêu, nếu có thì đa phần không chính xác là trở ngại đầu tiên. Kế đến các thương vụ còn vấp phải khác biệt về cách quản lý, quy trình ra quyết định cũng khiến các thương vụ đi vào bế tắc".
Nhiều diễn giả cho rằng nguyên nhân chính khiến thị trường M&A chưa sôi động nửa đầu năm 2013 là do tài sản bị định giá quá cao và thủ tục còn nhiều thay đổi, pháp lý chưa hoàn chỉnh. Ảnh: Vũ Lê |
Ông Sam Yoshida nhấn mạnh, nút thắt khiến các thương vụ bế tắc phần lớn do tài sản được định quá cao hoặc thiếu thuyết phục. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng bán ở mức giá mà doanh nghiệp Nhật không với tới được. Thêm vào đó, thủ tục phê duyệt, cấp giấy phép gặp nhiều vướng mắc do các quy định thay đổi thường xuyên. Sự khác biệt trong hoạt động quản lý, kinh doanh cũng như quy trình ra quyết định cũng là trở ngại không nhỏ.
Trong khi đó, Giám đốc Khối bất động sản của Vinacapital David Blackhall nhận xét, nền kinh tế vĩ mô chưa hoàn toàn ổn định là rào cản lớn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài. Chuyên gia này cho rằng, tâm lý chờ đợi có thể sẽ tiếp diễn cho đến khi khối ngoại nhận thấy các dấu hiệu hồi phục kinh tế như: tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu bắt đầu ổn định trở lại.
Giám đốc dự án - Ngân hàng đầu tư Công ty chứng khoán Bản Việt, Volker Becker trich dẫn số liệu từ CNBC cho thấy 60-90% các thương vụ M&A thường thất bại và phải mất 2 năm để đo lường các giao dịch có thành công thành công hay không.
Ông Volker Becker còn cho biết thêm, 70% đối tượng được điều tra trong cuộc khảo sát về M&A cho rằng kỳ vọng của bên bán quá cao là trở ngại lớn nhất. Các vấn đề liên quan đến việc thẩm định cũng có thể khiến cho giao dịch thất bại. Chuyên gia này nhận thấy, thẩm định thương mại và pháp lý nguy cơ dẫn đến thất bại của thương vụ M&A nhiều hơn là định giá và tài trợ vốn.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thừa nhận, cho đến nay Việt Nam chưa nghiên cứu một cách bài bản về khung pháp lý cho việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp.
Ông Đông phân tích, M&A cũng là một hình thức đầu tư nhưng lại bị chi phối bởi rất nhiều quy định của nhiều ngành nghề khác nhau. Nhu cầu mua bán sáp nhập của doanh nghiệp rất lớn và diễn biến ngày càng nhanh nên rất cần một thể chế tạo môi trường công bằng để thúc đẩy thị trường này phát triển.
"Tôi đề nghị các doanh nghiệp tham gia diễn đàn tập hợp tất cả vướng mắc trong quá trình xúc tiến các thương vụ M&A, sau đó sắp đặt một cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có cơ sở tháo gỡ những khó khăn này”, ông Đông nói.
Vũ Lê