Tại buổi họp báo về Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) 2013 tổ chức ngày 16/7, ông Đặng Quang Minh - Tổng giám đốc Công ty AVM cho biết, hoạt động M&A tại Việt Nam đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2009, từ con số 1,08 tỷ USD leo lên mức kỷ lục 5,1 tỷ USD trong năm 2012.
Sang năm nay, con số dự báo chỉ khoảng 4 tỷ USD. Ông Đặng Xuân Minh lý giải, tham khảo ý kiến của một số tổ chức thì 6 tháng đầu năm, giá trị M&A khoảng 1,8 tỷ USD nên cả năm chỉ đưa ra con số dự báo khoảng 3,6 tỷ USD. "Để có được 5 tỷ USD thì phải đạt được một số thương vụ lớn. Chẳng hạn như năm 2012 có một loạt thương vụ cỡ hàng trăm triệu USD. Điều này không dễ xảy ra năm nay", ông nói.
![mua-ban-sap-nhap-1374023517_500x0.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2013/07/17/mua-ban-sap-nhap-1374023517.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EtQ5YGsYucAcrIK8hof64A)
Cũng theo báo cáo, các thương vụ liên quan đến doanh nghiệp nội đang chiếm đa số nhưng giá trị không lớn. Các thống kê cho thấy các thương vụ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện thường ở quy mô 2 - 5 triệu USD, một số ít ở mức 10 - 30 triệu USD. Còn các thương vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài, dẫn đến 66% giá trị các giao dịch M&A thuộc về nhà đầu tư ngoại.
Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia có doanh nghiệp thực hiện M&A vào Việt Nam xét cả về số lượng và giá trị, khiến giới quan sát có thể nói về một "làn sóng đầu tư từ Nhật Bản". Các thương vụ được nói đến nhiều nhất là Mizuho trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank hay thương vụ Unicham mua 95% cổ phần của Dianna, Sumitomo mua cổ phần của tập đoàn Bảo Việt...
Ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là thu hút nhất, với tổng giá trị thương vụ lên tới 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị M&A tại Việt Nam. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng được các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm. Riêng với bất động sản, chính những khó khăn khiến cho hoạt động M&A trong lĩnh vực này diễn ra tương đối sôi động, chủ yếu là đối tác trong nước bán cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, năm 2010 bắt đầu nổi lên những thương vụ chào mua công khai và thôn tính trên sàn. Tiêu biểu trong số đó là thương vụ CTCP thủy sản Hùng Vương (HVG) chào mua CTCP thủy sản An Giang (AGF), CTCP Dược Viễn Đông (DVD) có các động thái mua cổ phiếu với ý định thâu tóm CTCP Dược Hà Tây (DHT)...
"Đây là dấu hiệu phát triển chuyên nghiệp hơn của chứng khoán Việt Nam cũng như phương thức M&A ở Việt Nam. Song, mặt trái của xu hướng này là các công ty đại chúng đang phải đối mặt với khả năng bị thâu tóm, bị mua lại, bị sáp nhập bất cứ lúc nào", báo cáo nhận xét.
![hang-tieu-dung-nhanh-1374023517_500x0.jp](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2013/07/17/hang-tieu-dung-nhanh-1374023517.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MKcG27MXriSgpg_IUvKqug)
Ông Minh thông tin, qua một cuộc khảo sát thái độ chủ doanh nghiệp về hoạt động thâu tóm và chống thâu tóm, thì 57% lãnh đạo doanh nghiệp trả lời có quan tâm, 20% có thái độ thận trọng trong khi có 23% có thái độ coi chuyện thâu tóm hoặc bị thâu tóm là hoàn toàn bình thường và tích cực. "Chúng tôi nhận định rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn coi việc bị thâu tóm là kết quả khá tiêu cực, thậm chí như là thất bại trong việc quản trị công ty khi để công ty rơi vào tay một ông chủ mới", ông phát biểu.
Nhưng vị này cũng nêu ý kiến rằng về lâu dài, mua bán - sáp nhập doanh nghiệp là hoàn toàn bình thường và cần ủng hộ vì sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng, giúp doanh nghiệp đó hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Văn Sử - Trưởng Phòng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đánh giá sự tham gia của nước ngoài là dấu hiệu rất tích cực để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước.
Với doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả thì việc tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ tạo cú huých, giúp cả hai bên đều có lợi, vị này nói.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Báo Đầu tư cũng chia sẻ "chưa nên quá lơ ngại" với việc nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp trong nước, vì tỷ lệ tiếp nhận vốn qua hình thức M&A tại Việt Nam còn rất thấp. Ngoài ra, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hàng không và vận tải biển thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua theo một tỷ lệ nhất định, chưa thể dẫn tới khả năng thâu tóm.
Nói thêm về việc doanh nghiệp Trung Quốc mua lại doanh nghiệp trong nước, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho là bình thường vì xu thế mua bán sáp nhập là tất yếu. Theo vị này, sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay chủ yếu trên hai lĩnh vực là mua lại doanh nghiệp quy mô rất nhỏ trong lĩnh vực phân phối hoặc doanh nghiệp liên quan đến tài nguyên. Tuy nhiên, việc thống kê số liệu "hơi khó khăn" vì hiện nay nhà đầu tư Trung Quốc đang tách ra thành các nhà đầu tư đại lục, Đài Loan và Hồng Kông, thậm chí một số đơn vị còn đến từ thiến đường thuế như Cayman Islands..
Đánh giá về triển vọng thị trường giai đoạn 2013 - 2017, lãnh đạo AVM cho biết dù có nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng của hoạt động này trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức 25 - 30%. Các thương vụ M&A vẫn sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp, hàng tiêu dùng và tài chính - ngân hàng. Hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản cũng sẽ tiếp tục được quan tâm.
Huyền Thư