Lý Hương cho biết chị từ Mỹ về nước hai tuần trước, cách ly tập trung một tuần để chuẩn bị cho lễ giỗ đầu của cha. Chị cùng mẹ - bà Đoàn Thị Nguyên - và các anh chị viếng mộ nghệ sĩ Lý Huỳnh tại nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9, sau đó làm thánh lễ tại một nhà thờ ở quận 3. Nhìn di ảnh cha trên bia mộ, chị nói: "Một năm ba đi rồi mà tôi ngỡ như ông vẫn còn đâu đây".
Lý Hương, Lý Hùng lưu giữ ký ức đẹp về cha để sống lạc quan hơn sau khi ông mất. Chị cho biết sinh thời, cha thích nghe chị hát. Năm 2017, chị thi Tình bolero theo nguyện vọng của cha. Ông cũng muốn con gái luôn xinh đẹp nên thường khuyên chị chăm chút ngoại hình. Hôm nào chị sửa soạn qua loa trước khi ra đường - chẳng hạn mặc nguyên "cây" đen, ông liền mắng, bắt vào thay đồ khác. Điều an ủi với Lý Hương là trước khi mất, ông gặp riêng Princess Lam - con gái chị, nói muốn cháu ở lại Việt Nam để thay ông ngoại bảo bọc mẹ sau này, cô nắm tay ông hứa sẽ làm theo lời dặn.
Những tháng đầu sau khi cha qua đời, chị thường trốn trong phòng khóc, tránh để mẹ thấy sợ bà sa sút tinh thần. Lý Hương cho biết trước mặt các con, bà thường nhoẻn miệng cười. Nhưng bốn, năm giờ sáng mỗi ngày, bà đều thức giấc, đi qua phòng của chồng (do cuối đời sức khoẻ yếu, ông phải nằm phòng riêng), ngồi lặng lẽ trước bàn thờ. Chị và Lý Hùng đứng phía sau, nuốt nước mắt động viên mẹ rồi dìu bà về phòng.
Sắp tới, anh em Lý Hương tiếp tục thực hiện di nguyện của cha - xây cầu ở quê nội Vĩnh Long. Diễn viên cho biết cầu đang được xây, sắp khánh thành. Trước đó, Lý Hùng tu sửa Viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8) - nơi nhiều bạn hữu của cha như Diệu Hiền, Ngọc Đáng, Thiên Kim... đang sống.
Lý Huỳnh sinh năm 1942, là võ sư, đồng thời là diễn viên và nhà sản xuất phim điện ảnh. Từ năm 1972 đến năm 1989, ông đóng nhiều phim, trở thành một trong số người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh. Vai đầu tiên của ông là đại tá Hoàng trong phim Cô Nhiếp, bộ phim sau đó đoạt giải Bông sen bạc. Sau đó, ông tham gia nhiều phim: Mối tình đầu (1977) của đạo diễn Hải Ninh, Vùng gió xoáy, Ông Hai Cũ (1982), Hòn đất, Mùa gió chướng, Ngọn cỏ gió đùa, Thăng Long đệ nhất kiếm... Vai Hai Lúa trong Vùng gió xoáy mang về cho ông giải Nam diễn viên xuất sắc ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ sáu (1983).
Ông còn là một trong những nhà sản xuất tâm huyết với điện ảnh nhiều thập niên. Năm 2010, ông dồn tâm huyết thực hiện phim điện ảnh Tây Sơn Hào Kiệt. Bộ phim cổ trang được đầu tư 12 tỷ đồng nói về trận Ngọc Hồi - Đống Đa do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy dẹp tan 20 vạn quân Thanh, thể hiện hùng khí dân tộc. Năm 2012, Lý Huỳnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ông qua đời ngày 22/10/2020 vì bệnh nặng.
Tam Kỳ