Tối 22/4, hàng nghìn khán giả được mời tham dự buổi chiếu ra mắt bộ phim lịch sử cổ trang Tây Sơn hào kiệt.
Dựa trên kịch bản của nhóm tác giả: Cao Đức Trường, Phạm Thùy Nhân và NSND Huy Thành, phim Tây Sơn hào kiệt kéo dài 90 phút, dựng lại một quãng thời gian trong cuộc đời hào hùng của Nguyễn Huệ - Quang Trung. Trong quãng thời gian đó, anh hùng Nguyễn Huệ chạm mặt và bắt đầu mối tình với Công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc phò Lê - diệt Trịnh và phim kết lại với hình ảnh chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử khi chỉ 10 vạn quân Tây Sơn đánh 20 vạn quân lính nhà Thanh, tiến đến giải phóng Thăng Long vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789.
Trang phục của diễn viên trong "Tây Sơn hào kiệt" nhận nhiều ý kiến cho rằng còn quá màu mè, sặc sỡ và mới mẻ so với bối cảnh lịch sử cũng như ý nghĩa trong việc xây dựng hình ảnh "anh hùng áo vải". |
Trong một thời lượng không dài, phim tập trung miêu tả một hình ảnh Nguyễn Huệ dũng tướng, một Quang Trung tài ba, được lòng dân và một vị anh hùng dân tộc với tình cảm yêu thương như con người bình thường. Sau khoảng 10 năm mới quay lại với dòng phim cổ trang, diễn viên Lý Hùng chứng tỏ nỗ lực hết sức của anh trong vai vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Những cảnh Nguyễn Huệ kêu gọi ba quân, đối đáp với gian thần hay khoảnh khắc ưu tư của con người vì nước vì dân được Lý Hùng thể hiện thành công, giàu xúc cảm.
Hoa hậu Thùy Lâm lần đầu đóng phim cổ trang đã làm toát lên được vẻ đoan trang, dịu dàng nhưng mạnh mẽ của nàng công chúa nổi tiếng nhà Lê. Diễn xuất khá ăn ý với Thùy Lâm, Lý Hùng còn thể hiện một Nguyễn Huệ say đắm trong tình yêu. Có thể nói, đạo diễn bộ phim lịch sử này đã rất ấn tượng khi để cho Nguyễn Huệ sóng sánh ánh mắt tình yêu khi chạm mặt Ngọc Hân trong đêm hội, rồi cả hai cùng đọc thơ, dạo bước trong vườn hoa và té vào lòng nhau dưới một dòng suối...
Càng về cuối, phim càng tăng nhanh tiết tấu với nhiều cảnh gây xúc động: dân làng chào đón đoàn quân Tây Sơn, các bô lão đóng góp trâu để giúp quân Tây Sơn phá địa lôi của giặc. Cảnh Quang Trung đọc Chiếu xuất quân trên núi Bân, giữa ba quân tướng với lời kêu gọi đầy khí tiết: "Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ" không chỉ nhận tiếng hò reo cổ vũ của quân lính trong phim mà cả khán giả ngồi trong rạp cũng thấy như được truyền lại hào khí của cha ông, và tán thưởng bằng những tràng pháo tay liên tiếp.
"Tây Sơn hào kiệt" huy động lực lượng diễn viên quần chúng rất hùng hậu. |
Đoạn voi, ngựa, trâu và lính Tây Sơn ào ào tấn công đồn Ngọc Hồi - Đống Đa và cuộc giáp lá cà quyết chiến giữa quân Tây Sơn và quân nhà Thanh được thể hiện trên màn ảnh khá tiến bộ so với phim võ thuật cổ trang trước đây. Những thế võ cổ truyền Bình Định, võ Vovinam được khéo léo lồng vào phim, thể hiện sự tự hào dân tộc. Bên cạnh hàng chục nghìn diễn viên quần chúng tham gia vào vai lính, thấp thoáng trên màn ảnh, khán giả có thể bắt gặp hình ảnh võ sư Thu Vân, tuy vóc dáng nhỏ bé và đang mang bệnh nhưng cũng góp mặt trong vai lính nhà Tây Sơn.
Một cảnh trong phim khi vua Lê Chiêu Thống và hoàng hậu ra cúi lạy quân nhà Thanh. |
Các nhân vật như vua Lê Chiêu Thống (Công Hậu), hoàng hậu Nguyễn Thị Kim - vợ vua Lê Chiêu Thống (nghệ sĩ Mộng Vân), Nguyễn Hữu Chỉnh (NSND Thế Anh), tướng nhà Thanh như Tôn Sĩ Nghị (NSND Đoàn Dũng)... đều được thể hiện khá tròn vai, góp phần tạo nên thành công cho phim.
Tất nhiên, cùng nằm trong bối cảnh chung của phim lịch sử cổ trang Việt Nam, Tây Sơn hào kiệt vẫn bộc lộ nhiều hạt sạn không đáng có. Không ít khán giả cho rằng, phim có nước màu và góc quay chưa xuất sắc; cảnh quay, dàn dựng và phục trang của các diễn viên nhìn chưa thật. Vua Lê Chiêu Thống, Công Chúa Ngọc Hân đều nói tiếng miền Nam dù là người xứ Bắc, còn Hoàng đế Quang Trung là người Bình Định cũng nói tiếng Nam...
Tây Sơn hào kiệt do hãng Lý Huỳnh phối hợp cùng hãng phim Thanh Niên sản xuất, công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 30/4.
* Nghệ sĩ chung niềm vui ngày ra mắt 'Tây Sơn hào kiệt' |
Thoại Hà
Ảnh: Phan Thành Tín