Tượng Jefferson Davis, tổng thống của Liên minh miền Nam, tại thành phố Richmond, bang Virginia, bị người biểu tình lật đổ. Tượng Robert E. Lee, vị tướng được kính trọng nhất của Liên minh, cũng bị dỡ bỏ ngay trước một trường trung học mang tên ông ở bang Alabama. Giữa làn sóng biểu tình đòi chấm dứt phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd, hàng chục bức tượng của lực lượng Liên minh đã bị phá hoặc dỡ bỏ trên khắp nước Mỹ.
Với một số người, các bức tượng này là di sản, nhưng nhiều người khác lại xem chúng là biểu tượng của nạn phân biệt chủng tộc ở cả quá khứ và hiện tại của nước Mỹ.
Nhiều nhà sử học nói rằng các bức tượng Liên minh có nguồn gốc từ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Chúng được dựng lên khắp miền nam nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19, như một lời nhắc nhở với người Mỹ gốc Phi rằng quyền lực thuộc về người da trắng.
"Không chỉ các bức tượng đại diện cho chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, mà mục đích xây dựng chúng cũng để chứng minh sự tồn tại mãi mãi của chủ nghĩa này", James Grossman, giám đốc điều hành Hiệp hội Lịch sử Mỹ, cho hay.
Tranh luận về giá trị các bức tượng Liên minh bắt đầu từ năm 2015, khi Dylann Roof, người tự nhận là da trắng thượng đẳng, xả súng giết 9 người ở nhà thờ người da màu ở Charleston, bang Nam Carilona. Bức ảnh Roof chụp cùng lá cờ Liên minh đã làm dấy lên cuộc tranh luận liệu có nên giữ lại biểu tượng này hay không.
Tượng Liên minh đã trở thành mục tiêu của nhiều cuộc biểu tình, trong đó nổi tiếng nhất là cuộc diễu hành "Unite the Right" ở Charlottesville, bang Virginia, năm 2017.
"Nhiều nhà hoạt động tổ chức và tham gia biểu tình đòi công bằng chủng tộc nhận ra không thể thay đổi hệ thống hành pháp ở Mỹ nếu không thay đổi được văn hóa Mỹ, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và chuẩn mực về phân biệt chủng tộc. Tượng Liên minh là biểu tượng rõ ràng nhất cho điều này", Khalil Gibran Muhammad, giáo sư sử học, chủng tộc và chính sách công tại Đại học Harvard, nói.
Nghiên cứu năm 2019 của Southern Poverty Law Center (SPLC), tổ chức phi lợi nhuận ở bang Alabama, cho biết 780 bức tượng Liên minh đã được dựng lên ở 23 bang của Mỹ. Hầu hết tượng Liên minh đều được xây dựng giữa năm 1890 và 1929, khoảng 30 năm sau Nội chiến Mỹ.
Nội chiến Mỹ bùng nổ năm 1861, sau khi Abraham Lincoln, thành viên đảng Cộng hòa, đắc cử tổng thống và muốn xóa bỏ chế độ nô lệ. 7 bang miền nam phản đối chính sách này và tuyên bố ly khai chính phủ liên bang, thành lập chính phủ riêng do Jefferson Davis làm tổng thống, hay còn gọi là Liên minh miền Nam. 4 bang khác sau đó gia nhập liên minh này.
Cuộc chiến giữa Liên minh miền Nam và Liên bang miền Bắc của Tổng thống Lincoln kết thúc sau khi tướng Robert E. Lee và Joseph Johnston đầu hàng quân miền Bắc tháng 4/1865. Cuộc nội chiến đã giúp người da màu ở Mỹ thoát khỏi kiếp nô lệ và lần đầu tiên trong lịch sử được công nhận quyền bỏ phiếu. Nhưng phải tới một thế kỷ sau, nước Mỹ mới xóa bỏ hoàn toàn các điều luật mang tính phân biệt chủng tộc chống lại người da màu.
Nhiều người miền nam da trắng tin vào tư tưởng "Chính nghĩa đã mất", trong đó xem Nội chiến là cuộc chiến đấu anh hùng vì chính nghĩa. Dù các nhà sử học đều nhất trí rằng mục đích của Nội chiến là giữ chế độ nô lệ, những người tin vào "Chính nghĩa đã mất" vẫn một mực cho rằng đây là cuộc đấu tranh vì quyền tự trị, ly khai và quyền của các bang miền Nam.
"Về cơ bản, các bức tượng này được dựng lên như để nhắc nhở cộng đồng ở đây rằng trật tự và văn hóa miền nam phải dựa theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng", Grossman nói.
Cho tới những năm 1910, các bức tượng Liên minh xuất hiện trên khắp miền Nam. "Đó là khi chúng ta thấy mọi bang miền Nam đều tin rằng Nội chiến và chế độ nô lệ là 'Chính nghĩa đã mất'", Muhammad nói. Ông thêm rằng khi đó người da trắng cho rằng họ nắm toàn quyền kiểm soát cộng đồng da màu và người da màu là những nô lệ hạnh phúc.
Grossman cho biết lời kêu gọi dỡ bỏ tượng Liên minh đã xuất hiện từ lâu. "Đây là các cuộc tranh luận không hồi kết kéo dài từ cuối thế kỷ 19. Vấn đề là mỗi lần tranh cãi nổ ra, nó dần tàn lụi sau đó, bởi tiếng nói của nhóm người muốn dỡ bỏ tượng không được lắng nghe", ông nói.
Nhưng sau vụ xả súng ở Charleston năm 2015, nhiều giới chức thành phố đã bắt đầu dỡ tượng Liên minh. Thị trưởng New Orleans và Baltimore đã dỡ mọi bức tượng Liên minh trong thành phố của họ vào năm 2017. 114 bức tượng đã được dỡ bỏ trên cả nước Mỹ kể từ sau vụ xả súng, theo SPLC.
Tuy nhiên, nhiều bang sau đó đã ban luật nhằm ngăn động thái này của giới chức thành phố và nhiều người, gồm cả người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, đã cùng nhau bảo vệ các bức tượng.
Năm 2017, trong cuộc biểu tình "Unite the Right" tại Charlottesville, bang Virginia, người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng đã tập trung xung quanh tượng Robert E. Lee để ngăn giới chức thành phố dỡ bỏ nó. Đụng độ đã xảy ra và James Alex Fields Jr., người đàn ông Ohio theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, đã lái xe đâm chết Heather Heyer. Gần 20 người khác bị thương trong cuộc đụng độ này.
Hơn 150 năm sau Nội chiến Mỹ và 3 năm sau cuộc đụng độ đẫm máu ở Charlottesville, biểu tình đòi dỡ tượng Liên minh lại bùng nổ, song song với biểu tình vì George Floyd. Từ biểu tình đòi công lý cho Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết ở Minneapolis, các phong trào đấu tranh vì người da màu đã chuyển mục tiêu tấn công vào biểu tượng của Liên minh.
Nhiều bức tượng Liên minh đã đổ xuống trên khắp miền Nam, từ Virginia, nơi thống đốc Dân chủ chấp nhận dỡ bỏ tượng mà người da trắng từng xem là thiêng liêng, đến Alabama, nơi các nhà lập pháp Cộng hòa thông qua lệnh cấm di dời hoặc dỡ bỏ các công trình tưởng niệm Liên minh.
"Cuộc chiến về tượng Liên minh chưa chấm dứt. Vẫn còn hơn 700 công trình như vậy tồn tại", Karen Cox, nhà sử học tại Đại học Bắc Carolina ở Charlotte, cho hay.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 10/6 gửi đơn tới ủy ban lưỡng đảng phụ trách thư viện của quốc hội Mỹ, kêu gọi dỡ bỏ 11 bức tượng của các chiến sĩ hoặc quan chức Liên minh miền Nam trong tòa nhà quốc hội.
Nhiều lãnh đạo thành phố khắp nước Mỹ cũng đang xem xét lại tên của trường học, tuyến phố được đặt theo tên của lính Liên minh hoặc người theo chủ nghĩa phân chủng tộc khác.
Lịch sử cho thấy mọi nỗ lực nhằm đòi công bằng chủng tộc đều dẫn tới phản ứng quyết liệt, theo Daina Ramey Berry, giáo sư sử học tại Đại học Texas. Sau vụ xả súng ở Charleston, bang Bắc Carolina đã thông qua luật cấm loại bỏ mọi di tích lịch sử.
Berry, Grossman và Muhammad đều cho biết họ hy vọng các bức tượng Liên minh được di dời tới bảo tàng để giúp mọi người có hình dung rõ hơn về lịch sử, đặc biệt là vấn đề phân biệt chủng tộc và nỗ lực đấu tranh đòi dỡ bỏ tượng.
Muhammad thêm rằng với các lãnh đạo thành phố đã đồng ý dỡ bỏ tượng, họ nên tiếp tục cùng những nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc tìm cách khắc phục các vấn đề của địa phương. Với các cộng đồng không chấp nhận dỡ bỏ tượng, Muhammad cho rằng quá trình đấu tranh này cần có sự chung tay của nhiều nhà hoạt động, với nhiều biện pháp khác nhau như biểu tình, diễu hành, kêu gọi hoặc có thể là hành vi bất tuân dân sự.
"Chúng ta sẽ không thể rút ra được bài học từ lịch sử, nếu vẫn giữ quan điểm cho rằng phân biệt chủng tộc nên được tôn vinh trong lịch sử Mỹ", Muhammad nói.
Thanh Tâm (Theo Times, Vox, Washington Post)