"Nó sẽ biến mất kỳ diệu vào một ngày nào đó", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 27/2. Ông chủ Nhà Trắng sau đó nhiều lần nhắc lại điều này như một câu thần chú. Lần gần đây nhất ông nói nCoV sẽ biến mất là hôm 15/5.
Bất chấp những dự đoán của Trump, nCoV vẫn chưa biến mất, mà tiếp tục lây lan nhanh khiến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 1,6 triệu ca nhiễm và hơn 96.000 ca tử vong. Đại dịch đã xuất hiện ở hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 5,2 triệu người nhiễm và gần 335.000 người chết trên toàn cầu.
Cách phản ứng của Trump cùng những dự đoán, đánh giá mà ông đưa ra về Covid-19 có vẻ luôn trái ngược với tình hình thực tế. Nhưng những người viết tiểu sử của Trump cho biết cách đây rất lâu, ông đã học cách tự tạo ra một phiên bản thực tế của riêng mình, từ một nơi không phù hợp lắm là nhà thờ.
Nó được gọi là "sức mạnh của tư duy tích cực" và Trump biết được bài học này từ người ông xem như thầy, Norman Vincent Peale, mục sư ở Manhattan. "Ông ấy nghĩ tôi là học trò xuất sắc nhất của mình", Trump từng nói.
Nhà phân tích Daniel Burke của CNN cho rằng chính sức mạnh của tư duy tích cực đã đồng hành cùng Trump trong một chặng đường dài, vượt qua rất nhiều thất bại kinh doanh và giành được ghế Tổng thống Mỹ. Trump luôn tin rằng mục sư Peale, người qua đời năm 1993, và tư duy tích cực đã giúp ông vượt qua những giai đoạn khó khăn.
"Tôi không để mình bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực dù ở mức độ nào, ngay cả khi mọi dấu hiệu đều không tốt", Trump nói hồi đầu thập niên 1990, khi các sòng bài của ông đang thua lỗ và các khoản nợ lên tới hàng tỷ đôla.
Nhưng trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu như Covid-19, tư duy tích cực lại có thể mang tới kết quả tiêu cực. "Việc Tổng thống Trump tự huyễn hoặc rằng đại dịch sẽ biến mất không chỉ là một ý nghĩ kỳ quặc không thể chấp nhận được, mà còn là một sự suy diễn nguy hiểm", Christopher Lane, tác giả cuốn sách "Sự trỗi dậy của đức tin: Norman Vincent Peale và việc tái tạo đời sống tôn giáo Mỹ", cho hay.
Gia đình Trump tự nhận là người theo Giáo hội Trưởng lão, nhưng có thể gọi chính xác họ là tín đồ của Peale. Chủ nhật hàng tuần, bố của Donald Trump thường lái xe đưa gia đình từ Queens tới nhà thờ Marble Collegiate của mục sư Peale ở Manhattan.
Nhà thờ có lịch sử hàng thế kỷ này vẫn luôn rất thân thuộc với nhà Trump. Tang lễ của bố mẹ ông đều được tổ chức tại Marble Collegiate và mục sư Peale cũng là người chủ trì hôn lễ của Trump với bà Ivana tại nhà thờ này năm 1977. Đây cũng là nơi tổ chức hôn lễ hai người anh chị ruột của Trump.
Những người viết tiểu sử của Tổng thống Mỹ nói rằng động lực cho tất cả điều đó là mục sư Peale, người đã giúp đưa những doanh nhân như gia đình Trump lên địa vị như những người khai sáng chủ nghĩa tư bản Mỹ. Được biết đến như "Chúa của những doanh nhân", Peale đã viết rất nhiều cuốn sách tự lực (loại sách hướng dẫn người đọc để tự hoàn thiện và giải quyết các vấn đề cá nhân), trong đó có "Sức mạnh của Tư duy tích cực", cuốn sách được bán hàng triệu bản.
Mục sư Peale đã thu hút rất nhiều tín đồ, nhưng cũng vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt từ những người theo Kito giáo. Nhưng chàng trai Donald Trump khi đó đã thực sự bị cuốn hút.
"Ông ấy truyền cho tôi cảm xúc tích cực về Chúa, khiến tôi có những suy nghĩ tích cực về bản thân", Trump viết trong "Great Again", một trong số những cuốn sách của ông.
Mục sư Peale đã đưa vào bài thuyết giảng của ông với những khái niệm tâm lý nhẹ nhàng. Cảm giác tội lỗi sẽ được vứt bỏ và được thay thế bằng "người nâng đỡ tinh thần", "suy nghĩ giải phóng năng lượng", hay "7 bước đơn giản" để sống hạnh phúc.
"Thái độ luôn quan trọng hơn thực tế", mục sư Peale từng nói trong một bài giảng.
Cho tới ngày nay, xung quanh Trump vẫn có rất nhiều người giống như Peale và người thân cận nhất trong đó là mục sư Paula White, cố vấn cho Sáng kiến Đức tin và Cơ hội của Nhà Trắng và cũng là người kế thừa lối tư duy tích cực của Peale.
"Nếu bạn ra sắc lệnh và tuyên bố điều gì, nó sẽ thành hiện thực", bà White nói trong buổi lễ cầu nguyện tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng đầu tháng này. "Tôi tuyên bố việc giải thoát khỏi Covid-19 sẽ không chậm trễ thêm nữa. Việc chữa trị và tiêm phòng sẽ không còn bị trì hoãn".
Lối "tư duy tích cực" của bà White là biến mọi tình huống thành "chiến thắng", ngay cả khi thực tế chứng minh điều ngược lại.
"Tư duy tích cực có thể giúp mọi người tập trung vào các mục tiêu và thể hiện tính cách của một người. Nhưng nó cần có sự kiểm chứng thực tế và phải dựa vào thực tế", tác giả Lane nói.
"Đôi khi bạn phải đối mặt với thực tế rằng bạn đã thất bại và cần phải thay đổi. Nhưng với Peale, thay đổi không phải là một lựa chọn. Ông ấy dạy rằng tự hoài nghi bản thân cũng là tội lỗi trước Chúa", Lane nói.
Michael D'Antonio, người viết tiểu sử của Tổng thống Mỹ, chia sẻ triết lý không chấp nhận thất bại của Peale có thể thấy rõ ở Trump khi ông giận dữ trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng với Covid-19. "Với ông ấy, cảm giác mắc lỗi dường như không còn tồn tại", D'Antonio nói.
Đây là một trong những lý do Trump không chấp nhận chỉ trích hay thừa nhận bất kỳ sai lầm nào. "Điều đó sẽ phá vỡ quả bóng tích cực của ông, chứ không liên quan tới việc bảo vệ hình ảnh bản thân", D'Antonio nhận định.
Bất chấp những sai lầm trong phản ứng ban đầu với dịch của chính phủ Mỹ, Trump chưa từng thừa nhận điều này. Thậm chí khi được hỏi về đánh giá của ông về phản ứng của chính quyền Mỹ hồi giữa tháng 3, Trump khẳng định "Tôi cho 10 điểm. Tôi nghĩ chúng tôi đã làm rất tốt".
Thanh Tâm (Theo CNN)