Lý do khiến Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo
Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) hôm qua cho biết họ phát hiện hoạt động tăng cường của các phương tiện vận chuyển tại những cơ sở nghiên cứu tên lửa của Triều Tiên, dấu hiệu cho thấy Bình Những nhiều khả năng sắp tiến hành thêm một vụ phóng thử tên lửa, theo Reuters.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang gây sức ép rất lớn cả về chính trị lẫn quân sự để Triều Tiên chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân và trở lại đàm phán phi hạt nhân hóa. Giới chuyên gia cho rằng điều này chứng minh một thực tế rằng Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ không ngồi vào bàn đàm phán với Washington vào thời điểm này, theo National Interest.
Chuyên gia quân sự Dave Majumdar cho rằng những điều kiện đàm phán mà Mỹ đưa ra trên thực tế có thể thổi bùng căng thẳng với Triều Tiên. Tướng H. R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Trump, hôm 25/9 tuyên bố Triều Tiên phải cho phép thanh tra các cơ sở hạt nhân và từ bỏ chương trình vũ khí trước khi đàm phán với Mỹ.
"Nhà Trắng không chấp nhận Bình Nhưỡng sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân và sẵn sàng tấn công quân sự để ngăn chặn kịch bản này", ông McMaster tuyên bố.
"Mỹ dường như bị dồn vào chân tường khi không còn sáng kiến giải quyết vấn đề", ông Josshua H. Pollack, học giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phi hạt nhân James Martin, nhận định.
Giới quan sát nhận định Triều Tiên sẽ không đặt vấn đề phi hạt nhân hóa lên bàn đàm phán, mà chỉ đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân để đối lấy việc Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận chung. Bình Nhưỡng đã có bước tiến thần tốc trong việc sở hữu năng lực hạt nhân, điều đó khiến nước này không từ bỏ quyết tâm khi gần đạt được mục đích.
"Triều Tiên sẽ muốn chứng tỏ khả năng sở hữu ICBM đủ sức bao trùm lãnh thổ Mỹ trước khi ngồi vào bàn đàm phán", học giả Suzanne DiMaggio nêu quan điểm. Để chứng tỏ tiềm lực quân sự, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục tiến hành thêm các vụ thử để hoàn thiện mẫu ICBM có độ tin cậy cao trong điều kiện thực tế, bất chấp các động thái răn đe của Mỹ.
"Triều Tiên sẽ hoàn thiện các vụ thử trước khi bày tỏ thiện chí đàm phán", chuyên gia Tong Zhao thuộc Chương trình Chính sách Hạt nhân của Viện Carnegie, cho biết.
Rào cản lớn nhất là việc Bình Nhưỡng coi vũ khí hạt nhân là "thanh bảo kiếm" đảm bảo sự sống còn của chế độ cũng như chủ quyền quốc gia. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không có lý do từ bỏ quân át chủ bài này, khi họ cho rằng không có gì đảm bảo cho sự tồn tại của họ một khi không còn vũ khí hạt nhân trong tay.
Việc phát động tấn công phủ đầu khi chưa chắc chắn vô hiệu hóa được năng lực trả đũa của Bình Nhưỡng sẽ khiến Washington gặp khó trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhiều khả năng Mỹ sẽ phải chấp nhận thực tế và tiếp tục tăng cường khả năng răn đe khi đối mặt với một nước Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, chuyên gia Majumdar nhận định.
Duy Sơn