Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho hôm 21/9 ám chỉ Bình Nhưỡng có thể cho nổ bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương để đáp trả lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giới chuyên gia nhận định Triều Tiên nhiều khả năng sẽ sử dụng một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân để thực hiện kế hoạch này, theo National Interest.
Ông Jeffery Lewis, giám đốc chương trình Phi hạt nhân ở Đông Á tại Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho rằng Triều Tiên rất có thể lựa chọn phương án phóng tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân và kích nổ ở Thái Bình Dương.
Lewis cho rằng nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy Triều Tiên thực hiện kế hoạch này là việc giới lãnh đạo Mỹ liên tục hoài nghi về khả năng sở hữu vũ khí nhiệt hạch của Triều Tiên, cũng như không chấp nhận rằng Bình Nhưỡng đã trở thành quốc gia hạt nhân.
Việc Washington liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn cũng khiến Bình Nhưỡng cảm thấy bị dồn vào bước đường cùng, buộc họ phải phóng thử một quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên để giải tỏa sức ép.
Yếu tố lịch sử cũng được cho là nguyên nhân khiến Triều Tiên lựa chọn phương án này. Ngày 5/6/1962, Mỹ phóng thử tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân chiến đấu duy nhất trong lịch sử. Trong đợt thử nghiệm này, tàu ngầm USS Ethan Allen phóng một tên lửa đạn đạo UGM-27 Polaris A1 mang ba đầu đạn với tổng sức công phá 600 kiloton, tương 600.000 tấn thuốc nổ TNT. Quả đạn bay khoảng 1.900 km trước khi kích nổ ở độ cao 3,3 km bên trên đảo Christmas ở Thái Bình Dương.
Theo Lewis, Bình Nhưỡng tin rằng việc phóng một tên lửa đạn đạo hạt nhân và kích nổ trên Thái Bình Dương có thể đặt vị thế của họ ngang hàng với Washington.
Trong quá khứ, Mỹ cũng nhiều lần coi thường khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Khi Trung Quốc bắt đầu phát triển năng lực hạt nhân với sự giúp đỡ của Liên Xô, Washington đã phủ nhận tiến bộ kỹ thuật của Bắc Kinh, giống như cách họ bác bỏ năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng hiện nay.
Khi Trung Quốc lần đầu thử bom hạt nhân vào năm 1964, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tuyên bố Bắc Kinh "sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phát triển vũ khí hạt nhân đáng tin cậy và hệ thống triển khai nó hiệu quả". Để đáp trả, Trung Quốc phóng thử tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân chỉ sau đó hai năm.
Triều Tiên cũng có thể áp dụng đúng cách Trung Quốc từng làm, đó là phóng IRBM hoặc ICBM mang đầu đạn hạt nhân, chấm dứt mọi đồn đoán và nghi ngờ về tiềm lực quân sự của họ.
Địa điểm Triều Tiên kích nổ đầu đạn nhiệt hạch có thể nằm ở vùng biển Nam Thái Bình Dương, nơi có nhiều tuyến hàng hải quan trọng, tăng nguy cơ tàu hàng Mỹ hoặc các nước khác bị ảnh hưởng. Nếu kịch bản này xảy ra, căng thẳng có khả năng leo thang và làm tăng nguy cơ dẫn đến chiến tranh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tất cả các bên, chuyên gia quân sự Dave Majumdar cảnh báo.
Duy Sơn