Ngày 13/2/2014, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch pháo kích vào lực lượng liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria, động thái được đánh giá thổi bùng nguy cơ chiến tranh, khiến tình hình chiến sự tại quốc gia Trung Đông này ngày càng lâm vào bế tắc.
Việc một thành viên NATO và đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào PYD - lực lượng được Washington hậu thuẫn và coi là tiền đồn trong chiến dịch chống IS - chứng tỏ Ankara đã bị dồn vào chân tường và cảm thấy an ninh quốc gia bị đe dọa hơn bao giờ hết, theo l’Express.
Jean Marcou, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện nghiên cứu Grenoble, cho rằng Ankara từ lâu đã coi PYD là nhóm mở rộng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đã đấu tranh suốt ba thập kỷ qua để đòi quyền tự trị ở khu vực miền đông nam và bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến Syria, có nhiều dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hợp tác với PYD và các nhóm người Kurd khác nếu họ đáp ứng ba yêu cầu: kiên quyết đối đầu với ông Assad, cam kết không tìm kiếm quyền tự trị dưới mọi hình thức và không tìm cách đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên đã nhanh chóng xấu đi và xuống mức thấp nhất vào cuối năm 2014, khi các tay súng IS bao vây thị trấn Kobani của người Kurd ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ suốt 4 tháng, còn các xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ lại án binh bất động từ các ngọn đồi xung quanh, khiến người Kurd ở cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận.
Catherine Goueset, bình luận viên Trung Đông của l’Express, đánh giá rằng mặc dù mối quan hệ giữa hai bên trở nên xấu đi, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tìm cách kiềm chế không sử dụng vũ lực, vì Ankara không muốn làm phật lòng Washington cũng như bị thế giới đánh giá rằng thiếu trách nhiệm trong cuộc chiến chống lại IS.
Tuy nhiên, gần đây PYD đã có những động thái đẩy mạnh quan hệ liên minh với Nga và thể hiện ý định mở rộng lãnh thổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara "đứng ngồi không yên".
Ngày 10/2, PYD tuyên bố thành lập văn phòng đại diện tại Moscow, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ giữa một bên là đồng minh của Tổng thống Assad và một bên từng một thời là đồng minh của Mỹ. Động thái này càng khiến giới chức Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng.
Những bước tiến nhanh của lực lượng người Kurd ở biên giới Syria khiến giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy an toàn lãnh thổ đang bị đe dọa nghiêm trọng hơn bao giờ hết và cần phải có các biện pháp mạnh tay, nếu không muốn nhìn thấy "vùng đệm chiến lược" đã dày công thiết lập rơi vào tầm kiểm soát của Nga.
Theo tổ chức giám sát nhân quyền Syria, chiều 15/2, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mà nòng cốt là các thành viên của PYD đã tiêu diệt nhiều nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, làm chủ hoàn toàn thị trấn chiến lược Tal Rifaat, nằm giữa thành phố Aleppo và Azaz trên biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
"Ankara không thể ngồi im chứng kiến các lực lượng 'khủng bố' tiến sát biên giới, việc nã phão chỉ là động thái đầu tiên, quân đội Thổ Nhĩ Kì chắc chắn sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn tại Syria. Điều này khiến tình hình chiến sự tại đây càng thêm phức tạp", bà Goueset khẳng định.
Bruno Tertraits, chuyên gia thuộc quỹ Nghiên cứu chiến lược Paris, cho rằng nhiều khả năng Ankara đã nhận được sự đồng ý ngầm từ Mỹ khi quyết định nã pháo vào lực lượng người Kurd ở Syria. Việc PYD phối hợp với quân đội Syria tấn công vào các nhóm nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn khiến Washington rất lo ngại, nhất là khi họ đang tìm cách quản lý mối quan hệ chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ và hạn chế ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
"Lời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hoạt động pháo kích của phó Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như chỉ mang tính lấy lệ, bởi ông chỉ nhấn mạnh yêu cầu PYD ngừng chiếm lãnh thổ từ tay các nhóm nổi dậy được Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn", ông Tertraits đánh giá.
Nguyễn Hoàng