Cùng là những bên đầy ảnh hưởng trên "bàn cờ" Syria, Chiến dịch không kích của Nga và việc Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào lực lượng người Kurd tại Syria đang tạo ra một "quả bom chực chờ phát nổ", trong chuỗi khủng hoảng địa chính trị đã bước sang năm thứ 5 tại Syria.
Cuộc khủng hoảng mới này diễn ra trong bối cảnh các nhóm nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang nỗ lực chặn đà tiến của binh sĩ Syria được Moscow yểm trợ. Trong khi đó, Nga cũng hỗ trợ chiến binh người Kurd tại Syria, những người từ lâu đã bị Thổ Nhĩ Kỳ truy quét.
Theo AFP, dù hiện những đối đầu giữa Moscow và Ankara chỉ dừng lại ở các cuộc khẩu chiến, các nhà phân tích cảnh báo tình hình có thể leo thang thành đụng độ thực sự.
"Chúng ta đang ở ngay trước cửa thềm một cuộc đối đầu như vậy. Không phải bởi có bên đang lên kế hoạch tấn công, mà bởi khi có quá nhiều binh lính, vũ khí cùng những lợi ích chồng chéo thì nguy cơ xung đột rất dễ xảy ra", chuyên gia Alexander Konovalov tại Viện Phân tích Chiến lược Moscow đánh giá.
Ankara tuần này đã chỉ trích mạnh mẽ các cuộc ném bom của Nga. Họ gọi các cuộc không kích là "đáng ghê tởm, độc ác và man rợ", cáo buộc Nga ném bom vào bệnh viện và trường học, đồng thời đe dọa về một "phản ứng cực kỳ mạnh mẽ".
Trong khi đó, Moscow bác bỏ cáo buộc trên và lên án các vụ nã pháo của Ankara, nhằm vào những vị trí của người Kurd tại tỉnh Aleppo ở miền bắc Syria. Hôm 16/2, Nga nói rằng lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện tay súng từ các quốc gia Liên Xô cũ rồi điều sang Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ còn không ngại công khai ý định cùng các đồng minh, trong đó có Arab Saudi, mở mặt trận trên bộ, nhằm vào các phần tử thuộc phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây là kịch bản có thể dẫn tới đối đầu trực diện với lực lượng Nga.
Chỉ có điều, cho đến nay, liên minh đó chưa thể đạt được sự đồng thuận, do Mỹ không sẵn lòng giữ vai trò dẫn dắt. Theo Reuters, Washington lâu nay vẫn bác bỏ khả năng điều binh sĩ vào Syria, ngoại trừ những nhóm nhỏ đặc nhiệm. Trong khi đó, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chỉ sẵn sàng điều động binh sĩ nếu lực lượng Mỹ giữ vai trò đầu tàu.
Hậu quả khó lường
Cùng với số phận của Tổng thống Assad, câu hỏi về người Kurd vẫn là một trong những trở ngại chính ngăn cản Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có tiếng nói chung. Ankara muốn ngăn chặn người Kurd thiết lập sự hiện diện thường trực ở bờ tây sông Euphrates và tạo ra một vùng tự trị gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đầu tuần này tuyên bố sẽ không để thị trấn Azaz của Syria, nằm sát biên giới nước này, rơi vào tay người Kurd.
Người Kurd đang được lợi lớn khi liên minh với Nga. Tháng này họ đã mở một văn phòng đại diện tại Moscow. Khi được hỏi về nguy cơ leo thang căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận, chỉ nói rằng "mối quan hệ của chúng tôi đang chìm sâu trong khủng hoảng".
Bầu không khí đối đầu đó đã bao trùm kể từ tháng 11 năm ngoái, khi chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một cường kích Nga, mà Ankara cáo buộc đã vào không phận của mình. Moscow đáp trả Ankara bằng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời gia tăng sức mạnh quân sự tại Syria. Đáng chú ý hơn cả là việc Moscow triển khai hệ thống phòng không S-400 tới Syria.
Theo nhà phân tích quân sự độc lập Alexander Golts, căng thẳng có thể leo thang nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến dịch trên bộ. "Nga sẽ đối diện với khả năng phải rút quân ngay lập tức và chịu bị mất mặt, hoặc cũng phải tiến hành hoạt động mặt đất".
Sự đối đầu này đang khiến cả Washington và Brussels lo lắng, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, và có thể cầu viện các thành viên khác nếu lãnh thổ bị tấn công. Kịch bản này khiến tình hình hiện tại có nguy cơ bùng nổ càng cao.
"Cho dù hậu thuẫn Ankara, NATO sẽ làm tất cả để kiềm chế người Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bất kỳ hành động đột ngột nào tại Syria", ông Golts nhận định.
"Có nguy cơ chiến trường Syria sẽ chuyển biến thành một cuộc khủng hoảng hoàn toàn mới và rất nguy hiểm. Đó là đối đầu quân sự trực tiếp giữa các quốc gia trong khu vực", Nikolai Bordyuzha, lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gồm Nga và các quốc gia Liên Xô cũ nhận định.
"Hậu quả của một bước ngoặt như vậy là rất khó đoán định".
Hoàng Nguyên