Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame) cháy lớn vào tối 15/4. Người dân Paris và khắp nơi trên thế giới đều bàng hoàng khi nghe tin này. Hàng trăm người đã quỳ xuống đường cầu nguyện khi nhà thờ bị cháy. Với nhiều người, nếu Paris mất đi Notre Dame, thành phố sẽ không còn là Paris nữa.
Trên mạng xã hội, nhiều người dân và du khách khắp nơi trên thế giới thể hiện sự tiếc nuối khi biểu tượng nổi tiếng của nước Pháp bị hư hỏng. Ảnh: CNN. |
Vậy, tại sao nhà thờ Đức Bà lại quan trọng với Paris đến vậy?
Đầu tiên, đây là một trong những địa danh được thế giới biết tới nhiều nhất. Mỗi năm, nơi này thu hút khoảng 13 triệu lượt khách. Không gian bên trong có thể chứa cùng lúc hơn 6.000 tín đồ.
Nhà thờ cũng được coi là địa điểm hành hương thiêng liêng của người Công giáo trên toàn thế giới. Nó được coi là trái tim đang đập của Công giáo Pháp, là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris.
Nhà thờ Đức Bà được biết đến là "Nơi ở của Chúa, là nơi ẩn náu của người dân". Ảnh: Archattire. |
Công trình bắt đầu xây dựng vào năm 1163, do hoàng đế Louis VII khởi xướng. Ông dự định đây là biểu tượng của quyền lực chính trị, kinh tế và trí tuệ của Paris. Công trình này mất gần hai thế kỷ để hoàn thiện và tồn tại sau các sự kiện lớn như Cách mạng Pháp, Thế chiến thứ nhất và sự chiếm đóng của Đức Quốc xã ở Pháp. Năm 2013, Pháp đã tổ chức sinh nhật lần thứ 850 cho Notre Dame.
Công trình này cũng được mọi người ngưỡng mộ gọi với biệt danh khác là "Khu rừng dưới một mái nhà" với 1.300 xà, dầm được làm từ các loại cây 300 - 400 năm tuổi. Nhà thờ trải dài khoảng 130 m, nằm trên một hòn đảo nhỏ ở sông Seine, trung tâm thủ đô nước Pháp. Ngọn tháp của nhà thờ cao 96 m và chứa các cổ vật được coi là linh thiêng đối với người Công giáo La Mã. Một trong số các thánh tích là Mão gai của chúa Jesus.
Tại nơi này, vào những năm 1230, Hoàng đế Saint-Louis làm lễ rước vòng gai của Đức Chúa. Đội quân Thập Tự Chinh đã đưa thánh tích từ Constantinople tới Paris. Năm 1455, chính điện nhà thờ cũng là nơi diễn ra phiên xử minh oan và phục hồi danh dự của thánh Jeanne d’Arc. Nó cũng là nơi đánh dấu các dịp trọng đại như lễ đăng quang của các hoàng đế bao gồm hoàng đế Napoléon I.
Nhà thờ càng trở nên nổi tiếng hơn kể từ năm 1831, khi đại văn hào Victor Hugo viết cuốn tiểu thuyết Thằng Gù trong nhà thờ Đức Bà.
Ngày 15/4, nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy. Vụ hỏa hoạn gây ra thiệt hại lớn cho công trình, gần như toàn bộ mái nhà và tháp nhọn bị hỏng. Cấu trúc chính và hai ngọn tháp cao được bảo vệ an toàn. Theo miêu tả của những nhân chứng được phép vào hiện trường, khu vực bên trong không bị ảnh hưởng nhiều. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ lên kế hoạch xây dựng lại nhà thờ.
Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo, thông báo rằng nhiều cổ vật, tác phẩm nghệ thuật trong nhà thờ đã được đưa ra ngoài, và đang cất giữ ở nơi an toàn.
Anh Minh (Theo CNN, 10Daily)