Bà Juliet Lautenbach, công chức và tác giả truyện giả tưởng sống tại Canberra, Australia, chưa từng chú ý tới bệnh ho gà. Trong thời gian mang thai và khi chăm sóc con gái, hai mẹ con được tiêm vaccine ho gà miễn phí cùng với nhiều loại vaccine tiêu chuẩn khác.
5 năm sau khi sinh con, Lautenbach và con gái đột ngột bị ho dai dẳng. Tại văn phòng nơi bà làm việc, một đồng nghiệp khác cũng bị ho rất nhiều, cho biết đã mắc ho gà. Việc này khiến Lautenbach hiểu bà và con gái đã mắc bệnh gì.
Cơn ho gà được Lautenbach mô tả là dai dẳng ngay cả với người trưởng thành, cảm thấy như cơ thể đã kéo căng các cơ dọc theo xương sườn. Còn con gái bà có bệnh nền hen suyễn, ho kéo dài nhiều ngày và phát ra tiếng rít đặc trưng khi thở hổn hển. Một lần lái xe đến bệnh viện, cứ 10 phút, bà Lautenbach phải dừng xe một lần để ngăn cản cơn hen cấp tính của con gái.
May mắn, con gái của bà sống sót sau cơn ho gà đó. Bà Lautenbach nhận định vaccine có thể đã cứu sống cô bé, song không hoàn hảo vì mức kháng thể đã giảm dần.
Ho gà là bệnh đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh dễ lây lan, tái phát theo chu kỳ. Năm 2024, bệnh tăng lên ở một số quốc gia sau thời gian giãn cách do Covid-19. Tại một số quốc gia châu Âu, số ca bệnh được báo cáo vào tháng 1-3/2024 nhiều hơn so với cả năm 2023, số lượng phụ nữ tiêm chủng đã giảm. Tại Anh, 58,6% phụ nữ mang thai đã tiêm chủng trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2024, giảm so với năm 2019-2020.
Về vaccine, mũi phối hợp DPT ra mắt lần đầu năm 1948, vẫn được sử dụng cho đến ngày nay để kết hợp phòng bạch hầu, uốn ván và ho gà. Gần đây, vaccine sáu trong một ra mắt, kết hợp bảo vệ nhiều bệnh hơn. Trước khi có các vaccine này, tỷ lệ tử vong trung bình là 10% ở trẻ nhỏ. Sau khi có vaccine, số ca tử vong, nhiễm ho gà đều giảm nhanh chóng. Hiện nay, hiệu quả phòng bệnh của vaccine dao động từ 79% đến 84%, khoảng 91% trong việc ngăn ngừa nhập viện.
Daniela Hozbor, chuyên gia về vi khuẩn, vaccine tại Viện Sinh học và Sinh học Phân tử thuộc Đại học Quốc gia La Plata, Argentina, giải thích ho gà rất dễ lây lan. Nếu đặt người bệnh trong căn phòng kín trong khoảng một giờ, 90% người xung quanh có thể nhiễm bệnh. Vì vậy, vaccine rất quan trọng giúp ngăn cản vi khuẩn lây truyền.
Vaccine thế hệ thứ ba
Theo Camille Locht, giám đốc nghiên cứu của Viện Y tế và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Pháp (Inserm), thế giới có hệ thống hai cấp đối với vaccine ho gà. Vaccine toàn tế bào thế hệ đầu tiên với nhiều tác dụng phụ, hiện sử dụng nhiều ở một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Vaccine vô bào sử dụng ở các quốc gia có tiềm lực kinh tế hơn.
Locht cho biết vaccine giúp phòng bệnh và giảm tỷ lệ tử vong do ho gà nhưng không ngăn cản cơ thể nhiễm virus. Vaccine dần giảm hiệu lực bảo vệ khi các chủng vi khuẩn tiến hóa.
Độ tuổi nhiễm trùng cũng thay đổi. Trước đây, trẻ sơ sinh chưa tiêm vaccine, sẽ nhiễm bệnh. Hiện nay, bên cạnh ca tử vong ở nhóm trẻ nói trên, tỷ lệ ca nhiễm cao ở nhóm 10-19 tuổi, khi khả năng bảo vệ của vaccine đã giảm mạnh.
Theo Locht, chỉ tăng tần suất tiêm nhắc không khả thi. Lý do, mọi người có xu hướng bỏ lỡ các lần tiêm nhắc trong khi miễn dịch với bệnh giảm dần. Vì vậy, nhiều năm sau, ông quay lại nghiên cứu để bào chế vaccine chứa vi khuẩn ho gà sống nhưng đã được làm yếu đi.
Vaccine thế hệ mới tên là BPZE1, sử dụng vi khuẩn ho gà đã bị làm yếu đi. Vaccine sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba vào năm 2025, nhằm đảm bảo vaccine an toàn và hiệu quả ở mọi nhóm tuổi. Locht cho biết ngoài các tác dụng phụ nhỏ như sổ mũi, nhóm chưa ghi nhận tác dụng phụ khác liên quan vaccine.
Việc phân phối vaccine này có thể bắt đầu vào năm 2026 hoặc 2027. Locht kỳ vọng vaccine BPZE1 có hiệu lực kéo dài hơn các vaccine hiện hành.
Còn nhóm của Hozbor đang phát triển các loại vaccine có thể được đưa vào cơ thể qua đường mũi hoặc cơ. Hozbor hy vọng thử nghiệm trên người sẽ cho kết quả tích cực tương tự nghiên cứu trên động vật, nhưng sẽ cần thời gian và kinh phí.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đặt ra vấn đề vaccine mới chưa thể giúp giải quyết hoàn toàn tình trạng người dân không tiêm chủng. Hozbor nhấn mạnh cần tiếp tục tạo niềm tin hơn vào vaccine, do bệnh ho gà rất dễ lây lan, mức độ bao phủ vaccine tối thiểu cần 90% hoặc 95% để ngăn chặn dịch bệnh.
Rào cản khác đối với vaccine là chi phí tiêm chủng. Ví dụ ở Malaysia, vaccine ho gà chỉ có ở tiêm chủng dịch vụ. Locht kỳ vọng vaccine BPZE1 sẽ rẻ hơn so với các lựa chọn hiện có.
Chi Lê (Theo BBC)