Đối thoại hòa bình về xung đột Ukraine ở Jeddah, Arab Saudi trong hai ngày 5-6/8 kết thúc mà không đưa ra tuyên bố chung. Dù vậy, Andriy Yermak, chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, vẫn cho rằng hội nghị "cực kỳ cởi mở, chân thành", góp phần hướng đến hòa bình với Nga.
"Chúng tôi đã có cuộc tham vấn rất hiệu quả về những nguyên tắc then chốt để thiết lập hòa bình công bằng và bền vững", Yermak nói.
Đối thoại hòa bình ở Jeddah có hơn 40 quốc gia tham dự, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Qatar, UAE, Mỹ và các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, đại diện của Nga, một trong hai bên xung đột, lại không được mời tham dự.
Điều này khiến Điện Kremlin không khỏi cảm thấy bức xúc. Ngay sau khi đối thoại hòa bình kết thúc, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sự kiện "không mang lại giá trị dù là nhỏ nhất", bởi không có đại diện của Moskva tham dự.
Một nhà ngoại giao Nga nói rằng đối thoại hòa bình ở Jeddah đã phơi bày những thách thức với Moskva, chủ yếu là nỗ lực của Ukraine nhằm thu hút không chỉ các đồng minh phương Tây mà cả các nước đang phát triển ở Nam Bán cầu, đồng thời cô lập Moskva khỏi các cuộc đối thoại.
"Mục tiêu của Kiev là biến những quốc gia này nếu không thành đồng minh thì cũng làm đối tác. Sau đó, nếu đạt được đồng thuận chung, Ukraine sẽ cố gắng nhiều hơn", nhà ngoại giao này nói.
Một trong những dấu hiệu khiến Moskva lo ngại là Trung Quốc, đồng minh thân thiết của Nga, cũng quyết định cử đặc phái viên tham gia sự kiện vào phút chót. Bắc Kinh từng từ chối tham dự hội nghị tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraine ở Copenhagen, Đan Mạch hồi tháng 6.
Không có dấu hiệu nào cho thấy sự tham gia của Trung Quốc tại đối thoại hòa bình ở Jeddah sẽ dẫn tới thay đổi trong lập trường duy trì quan hệ thân thiết với Nga, song Kiev đã ca ngợi đây là kết quả "siêu đột phá".
"Arab Saudi đã thuyết phục thành công Trung Quốc tham gia hội nghị và đây là chiến thắng lịch sử", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kubela nói ngày 4/8.
Theo giới quan sát, điều khiến Nga lo lắng là việc Trung Quốc sẽ thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn với kế hoạch hòa bình 10 điểm mà Tổng thống Zelensky đưa ra hồi tháng 11/2022.
Theo kế hoạch này, quân đội Nga sẽ phải rút khỏi lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, đồng nghĩa Moskva phải từ bỏ cả 4 khu vực mà họ tuyên bố sáp nhập hồi tháng 10/2022 cùng bán đảo Crimea. Nga bác đề xuất hòa bình này, cho rằng Ukraine cần chấp nhận "thực tế mới" liên quan các vùng Moskva đã kiểm soát và sáp nhập.
Một quan chức thân cận với Điện Kremlin nói với Moscow Times rằng Nga sẽ phải tìm cách đối phó với chiến thuật mới của Ukraine, bởi "dù chúng tôi có nói thế nào, rất ít bên công nhận việc sáp nhập các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhzhia, và thậm chí cả Crimea", quan chức này nói.
Người này thêm rằng đây là một phần trong chiến thuật "cô lập tối đa" Nga mà Ukraine đang thực hiện.
Sau cuộc đối thoại hòa bình, nhiều quan chức và nghị sĩ Nga đã cáo buộc phương Tây tìm cách đảm bảo an ninh cho Ukraine và phớt lờ lợi ích của Nga, đồng thời tuyên bố nỗ lực của Kiev nhằm cô lập Moskva và lôi kéo các nước Nam Bán cầu chống lại Nga đã thất bại.
"Chúng tôi rõ ràng thấy khó chịu với việc không được mời dự sự kiện đó. Thực tế là họ đang đàm phán mà không có chúng tôi", một cựu nhà ngoại giao cấp cao của Nga nói. "Nhưng họ sẽ không thể giải quyết được vấn đề nếu không có chúng tôi".
Michele Kelemen, nhà phân tích của NPR, cũng cho rằng hội nghị mà Arab Saudi tổ chức không thể coi là đối thoại hòa bình, khi không có đại diện của Nga tham dự.
"Cả hai bên tham chiến dường như chưa có ý định đối thoại. Những gì người Ukraine muốn là sự hỗ trợ nhiều hơn từ các quốc gia tới nay vẫn giữ quan điểm trung lập", Kelemen nói.
Một nhà ngoại giao Nga tuyên bố Moskva không tham gia đối thoại không phải vì họ không được mời, mà là do Điện Kremlin chưa sẵn sàng chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào liên quan đến vấn đề Ukraine.
Nga gần đây cũng nỗ lực lôi kéo các nước đang phát triển khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở St. Petersburg hồi cuối tháng 7. "Moskva hưởng lợi từ việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh của mình để tìm kiếm các thỏa thuận đối lập với đề xuất từ Kiev. Nhưng vấn đề là Điện Kremlin sẽ không chấp nhận nhượng bộ, dù là nhỏ nhất", nhà ngoại giao Nga nói.
Quan chức này cho hay điều mà ông Zelensky muốn là Nga "đầu hàng" và đó là điều không thể chấp nhận.
Bình luận về triển vọng giải pháp hòa bình cho xung đột với Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây là điều "bất khả thi" hiện nay.
"Kiev không muốn và không thể muốn hòa bình chừng nào nước này còn là công cụ cho cuộc chiến tập thể của phương Tây nhắm vào Nga", ông nói.
Boris Bondarev, cựu thành viên phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc, cho rằng tương lai của các cuộc đàm phán và cả cuộc chiến chỉ có thể được xác định trên chiến trường. "Sẽ không có cuộc đàm phán nào có thể diễn ra cho đến khi một trong hai bên cạn năng lực chiến đấu, vì hiện không bên nào quan tâm đến điều đó", Bondarev nói.
Thanh Tâm (Theo Moscow Times, Yahoo News, CNN, NPR)