Biên đội gồm hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-160, vận tải cơ hạng nặng An-124 và máy bay chở khách Il-62 của không quân Nga hôm 10/12 vượt 10.000 km qua biển Barents, biển Na Uy và Đại Tây Dương để tới Venezuela diễn tập. Dù biên đội máy bay quân sự này sẽ rút về nước từ ngày 14/12, giới quan sát cho rằng động thái này thể hiện nhiều tính toán chính trị của Nga, theo Military Watch.
Cuộc diễn tập được tổ chức ngay sau cuộc gặp giữa Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, trong đó lãnh đạo Nga bày tỏ sự ủng hộ với người đồng cấp Venezuela. Đây là lần thứ ba không quân Nga triển khai biên đội Tu-160 tới Venezuela trong 10 năm qua, sau các chuyến thăm vào năm 2008 và 2013.
Sự xuất hiện của những oanh tạc cơ hạng nặng có thể mang vũ khí hạt nhân đến Venezuela đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ Mỹ, do đây được coi là động thái tăng cường vị thế của Moskva ở Nam Mỹ, khu vực vốn được coi là sân sau của Washington.
Những cuộc diễn tập của Tu-160 có thể mở đường cho việc Nga triển khai vũ khí và lực lượng thường trực ở Venezuela, đáp trả quá trình tăng cường hiện diện quân sự Mỹ và NATO trong vùng ảnh hưởng của Nga.
Những chiến dịch can thiệp của Washington và đồng minh vào Syria, Libya và một loạt nước đối tác lâu đời của Moskva đã đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích, an ninh và ảnh hưởng toàn cầu của Nga. Sự hiện diện của oanh tạc cơ Tu-160 ở Venezuela được đánh giá là nỗ lực đáp trả của Nga mà không gây xung đột quân sự trực diện với Mỹ.
Tu-160 là oanh tạc cơ chiến lược mạnh và hiện đại nhất của Nga. Nó có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm ở mọi khu vực trên thế giới với tầm bay không cần tiếp dầu là 12.300 km và bán kính chiến đấu 7.300 km.
Vũ khí chủ lực của Tu-160 là 12 tên lửa hành trình Kh-101/102, nổi bật nhờ khả năng bay bám địa hình, dưới tầm theo dõi của hệ thống cảnh giới đối phương và ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình trước radar. Tầm bắn trên 2.500 km của Kh-101 cho phép biên đội Tu-160 tung đòn đánh vào phần lớn lãnh thổ Mỹ mà không cần rời không phận Venezuela.
Dòng Kh-101 có độ chính xác cao, từng được kiểm chứng trong thực chiến ở Syria suốt ba năm qua. Nếu được trang bị biến thể Kh-102 mang đầu đạn hạt nhân, biên đội Tu-160 Nga triển khai ở Venezuela sẽ đặt ra mối đe dọa chưa từng có đến lợi ích an ninh của Mỹ.
Oanh tạc cơ Tu-160 đủ sức tấn công lãnh thổ Mỹ khi cất cánh từ căn cứ tại Nga, nhưng Moskva có thể giành thêm nhiều lợi thế khi triển khai chúng ở Nam Mỹ.
Các hệ thống phòng không tầm trung như Patriot PAC-2/3 của Mỹ vẫn bị đặt dấu hỏi về hiệu suất chiến đấu, khi nhiều lần thất bại trong thực chiến. Trong khi đó, các lá chắn tên lửa như Aegis và BMD lại chỉ tập trung đối phó tên lửa hành trình và đạn đạo được khai hỏa từ lãnh thổ Nga. Washington sẽ phải chi nhiều tỷ USD để bổ sung lá chắn tên lửa bảo vệ biên giới phía nam rộng lớn, trong khi Moskva không mất quá nhiều chi phí cho việc triển khai biên đội Tu-160.
Venezuela cũng là vị trí lý tưởng để oanh tạc cơ Tu-160 phóng tên lửa hạt nhân Kh-15 có tầm bắn 300 km. Dù không có khả năng tàng hình và chế độ bay bám địa hình như dòng Kh-101/102, tên lửa Kh-15 vẫn rất khó đánh chặn vì tốc độ lên đến 6.175 km/h. Tên lửa này không thể bắn tới lãnh thổ Mỹ từ không phận Nga, nhưng các máy bay Tu-160 có thể tung đòn đánh chớp nhoáng nếu xuất phát từ Venezuela.
Sự xuất hiện của biên đội Tu-160 có thể là động thái tăng cường vị thế đầu tiên của Nga ở Nam Mỹ, mở đường cho sự hiện diện quân sự thường trực tại Venezuela và ngăn chặn hành động quân sự của Mỹ nhằm vào nước này trong tương lai.
Duy Sơn