Uốn ván là một loại bệnh cấp tính nguy hiểm, do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Bệnh có thể gặp bất kỳ thời gian nào trong năm, không mang tính chất mùa rõ rệt. Dù nguy cơ tử vong cao, dao động trong khoảng 10% đến 20%, song uốn ván có thể phòng ngừa được bằng vaccine.
Cách phòng ngừa bệnh uốn ván
Tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người mắc bệnh mà thời gian điều trị có thể từ hai đến bốn tuần. Việc điều trị lâu dài gây tốn kém và mất nhiều thời gian. Vì vậy, người lớn, trẻ nhỏ lẫn trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai cần lưu ý đề phòng nhiễm trùng, tránh nguy cơ mắc bệnh uốn ván, trong trường hợp chưa tiêm phòng vaccine.
Các bác sĩ khuyến cáo khi có vết thương trên cơ thể, cần phải rửa sạch, sát trùng và để hở vết thương. Tránh để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm. Bác sĩ cũng lưu ý người bị thương không nên đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm.
Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn lẫn trên bề mặt, bạn cần xử lý sạch vết thương ngay. Sau đó nhanh chóng đến bệnh viện khám và điều trị đề phòng uốn ván. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, người bị thương cũng cần giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương, tránh nhiễm trùng, đề phòng hoại tử...
Lý do cần tiêm vaccine uốn ván
Từ khi vaccine uốn ván được đưa vào thị trường và sử dụng rộng rãi, tỷ lệ mắc bệnh này tại Mỹ giảm mạnh và gần như rất hiếm. Tại các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, tỷ lệ này còn cao hơn, nhất là những vùng nông thôn và vùng nhiệt đới. Số liệu ghi nhận bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào những năm cuối thế kỷ 20 cho thấy có hơn 500.000 trẻ em tử vong vì uốn ván sơ sinh.
Không riêng gì trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ mà cả thanh thiếu niên và người lớn đều được khuyến cáo nên tiêm vaccine uốn ván. Với phụ nữ đang mang thai, mũi tiêm có tác dụng giúp tạo ra kháng thể cho cả mẹ lẫn trẻ, bảo vệ cả hai trước những nguy cơ nhiễm trùng từ virus gây bệnh uốn ván.
Đây là một trong những mũi tiêm không có tác dụng duy trì miễn dịch bền vững cả đời. Liệu trình cơ bản cho các độ tuổi gồm 3-4 mũi, phụ thuộc vào khuyến cáo của từng quốc gia. Riêng với uốn ván, nên tiêm nhắc lại sau 5-10 năm để duy trì tác dụng phòng bệnh.
Vaccine uốn ván hoạt động thế nào?
Vaccine phòng ngừa bệnh uốn ván được sử dụng lần đầu tại Mỹ vào năm 1938. Nhưng phải đến 1941, vaccine này mới được phê duyệt phân phối rộng rãi. Vaccine này có chứa độc tố của virus gây bệnh uốn ván bất hoạt. Các nhà khoa học đã xử lý độc tố uốn ván (thông thường bằng formaldehyd), làm giảm và xóa bỏ độc tính gây nguy hiểm của nó nhưng không làm mất các đặc tính miễn dịch.
Các độc tố của virus được cô đặc, tinh chế và hấp thụ vào một tá dược phù hợp.
Tiêm phòng với độc tố uốn ván kích thích cơ thể tạo kháng thể, giúp bảo vệ con người khỏi loại virus nguy hiểm này.
Lượng kháng thể tạo ra được đo đạc bằng đơn vị quốc tế IU/ml. Dựa vào các nghiên cứu trên động vật, các chuyên gia ước tính nồng độ kháng thể độc tố cao hơn 0,01 IU/ml đã đủ hình thành miễn dịch, chống lại bệnh uốn ván. Ước tính này đã được xác nhận trong các báo cáo lâm sàng trước đó.
Sau khi tiếp nhận mũi tiêm sơ cấp, nồng độ kháng thể sẽ cao hơn mức 0,1 IU/ml. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm dần theo thời gian. Đó là lý do dù ở bất cứ độ tuổi nào vẫn cần tiêm nhắc lại vaccine uốn ván để duy trì nồng độ này. Trong trường hợp người lớn có vết thương hở và chưa được tiêm nhắc lại trong vòng 5 năm trước đó, nên tiêm bổ sung để tránh nhiễm bệnh do nồng độ kháng thể lúc này đã giảm đi ít nhiều.
Vaccine có hiệu quả phòng uốn ván gần như 100%. Hầu hết các ca nhiễm trùng, mắc bệnh uốn ván được ghi nhận thường là những người chưa tiếp nhận bất kỳ mũi tiêm nào hoặc những người chưa tiêm nhắc lại sau 10 năm.
Thy An (tổng hợp)