"Obama, mọi nỗ lực nhằm phủ nhận quyền của người theo đạo Hồi được sống an toàn dưới sự bảo trợ của Nhà nước Hồi giáo Caliphate sẽ dẫn tới hậu quả là nhiều máu hơn nữa phải đổ", đây có thể là những lời cuối cùng nhà báo người Mỹ James Foley phải nghe, CNN bình luận.
Ngay lập tức sau đó, Foley bị chặt đầu bởi binh sĩ thuộc IS. Đoạn băng ghi lại cảnh tượng kinh hoàng được phát tán với tốc độ chóng mặt trên toàn thế giới. Người xem không thể không chú ý đến giọng nói đậm chất Anh của tên đeo mặt nạ hành quyết Foley.
Ngày 25/8, Douglas McAuthur McCain, 33 tuổi, đến từ San Diego, nước Mỹ bị giết khi đang chiến đấu cho lực lượng IS tại Syria. Theo NBC News, McCain lớn lên ở Minessota, từng là vận động viên bóng rổ và mong ước trở thành nghệ sĩ nhạc rap. Bạn bè miêu tả McCain là "một chàng trai rất tốt bụng".
Đến cuối tháng 5, có khoảng 12.000 tay súng từ hơn 81 quốc gia tham gia các cuộc giao tranh ở Syria, trong đó ít nhất 3.000 người đến từ phương Tây, theo Soufan, cơ quan tình báo có trụ sở tại New York.
Tất cả cho thấy xu hướng đang gia tăng của các công dân Anh, Mỹ và một số nước châu Âu khác, dám từ bỏ gia đình, bạn bè, quê hương để đến góp mặt trong cuộc chiến của IS, những tên khủng bố gieo rắc nỗi sợ hãi và kinh hoàng. Câu hỏi đặt ra là động lực và nguyên nhân nào thúc đẩy họ?
Chủ nghĩa cực đoan - vấn đề sâu sắc của nước Anh
Ít nhất khoảng 400 người Anh đang chiến đấu cho IS, NBC News dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron. Trong số này đặc biệt có 3 binh sĩ với giọng Anh lấy biệt danh là "The Beatles" đang ở Syria. Người liên quan mật thiết tới các cuộc đàm phán trao đổi con tin gần đây nói với NBC, cho biết "The Beatles" tàn bạo hơn nhiều so với những kẻ khác. "Bất cứ đâu mà The Beatles xuất hiện chúng đều đánh đập và tra tấn người ta rất dã man".
Nước Anh "tồn tại một vấn đề khá sâu sắc", quỹ Quillam, một tổ chức chống chủ nghĩa cực đoan, nhận định. "Trong lịch sử London, tư tưởng Hồi giáo đã và đang được giảng dạy rất dễ dàng, một cách công khai. Nhiều người Anh lớn lên với niềm tin cách duy nhất để thật sự trở thành người Hồi giáo là xây dựng Nhà nước Hồi giáo", Harris Rafiq, người đứng đầu một nhánh của tổ chức Quillam nói. "Không ngạc nhiên khi các chiến binh jihad có thể dẫn dụ và chọn lựa những người này".
Một lý do khác lý giải cho sự nổi trội về số lượng của người Anh trong IS đó là tiếng Anh được dùng và thông hiểu trên phạm vi rộng lớn, đặc biệt ở các quốc gia mà IS muốn gây ảnh hưởng.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond miêu tả chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan như "chất độc và khối u" đối với nước Anh. Sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội đóng góp một phần không nhỏ, làm trầm trọng hơn rắc rối này, theo Ghaffar Hussian, giám đốc điều hành Quillam. "Những thông điệp bạo lực lại có vẻ cuốn hút đối với phần nam tính trong mỗi con người và thúc đẩy cảm giác muốn tham gia chiến đấu", ông nhận xét.
Để dẫn chứng Hussian liên kết tới vụ việc Muhammad Hamidur Rahman, thanh niên 25 tuổi bị giết ở Syria sau khi bỏ việc tại một cửa hàng thời trang Primark ở Anh. "Một phút trước bạn là nhân viên bán hàng, một phút sau, bạn xuất hiện trên chiến trường với súng trong tay. Đây là ý tưởng có vẻ khá hấp dẫn đối với nhiều người".
Trước đây, để lan truyền chủ nghĩa cực đoan, nhà truyền giáo phải tổ chức các buổi nói chuyện và giảng đạo tại nhà thờ và trường học Hồi giáo. Youtube, Twitter, Facebook đã giúp cải tiến phương thức truyền thống.
Báo cáo gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa Cực đoan Quốc tế (ICSR) nhấn mạnh truyền thông xã hội trở thành phần quan trọng trong việc tuyên truyền thông điệp mang tính cực đoan. "Mạng xã hội không còn là ảo nữa, nó là một khía cạnh thiết yếu làm nên những gì đang xảy ra", báo cáo nói.
Anh là nơi mà tôn giáo và đức tin được bảo vệ một cách tốt nhất, Alastair Jamieson từ NBC nhận định. Thái tử Charles từng tuyên bố với vai trò là một vị vua, ông muốn trở thành "người bảo vệ cho tất cả các tôn giáo", bao gồm cả Hồi giáo.
Nhà bình luận cho rằng lòng khoan dung, sự nhân nhượng khiến nước Anh dễ bị ảnh hưởng hơn trước các mối đe dọa từ cộng đồng người Hồi giáo của mình.
"Truyền thống đáng tự hào về tự do và hạn chế tham gia vào tranh chấp tôn giáo của nước Anh khiến chúng ta tự lùi mình về phía sau để các ý thức hệ chết người lan truyền với tư cách tự do ngôn luận", Anthony Glees, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Tình báo từ đại học Buckingham, nói. "Tư tưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lan truyền thật dễ dàng dưới lớp vỏ bọc 'tự do ngôn luận' và 'đa văn hóa'".
Cũng theo Glees, việc những người Hồi giáo ở Anh chủ yếu có nguồn gốc Sunni là điểm đặc biệt ở quốc gia này. Họ có thể dễ dàng tự nhận mình là nhà truyền giáo. Không có hệ thống phân cấp trong tôn giáo của người Sunni. Điều này mang cho họ cơ hội được thoải mái đến các nhà thờ Hồi giáo hay trường đại học để giảng đạo, tuyên truyền thậm chí là chiêu mộ. Rất dễ dàng để tìm thấy người Hồi giáo ở London. Họ công khai bảo vệ sự thành lập IS, coi trọng luật lệ Shariah hơn là luật pháp của đất nước.
Cơ hội công bằng cho tất cả
Tay súng phương Tây của IS không hề e ngại cuộc chiến. Một số tham gia vào hành vi tàn sát, giết hại những "người vô đạo". Họ giúp sức trong các cuộc chiến đấu, càn quét căn cứ quân sự, mỏ dầu. Họ thậm chí thực hiện các vụ tấn công liều chết, tờ Economist liệt kê.
Hầu hết họ là nam giới có độ tuổi dưới 40. Tuy nhiên cuộc chiến này còn thu hút cả phụ nữ. 10% đến 15% trong số những người phương Tây đến Syria là phụ nữ, Peter Newmann thuộc ICSR, cho biết. Một vài người tự nguyện gia nhập các đơn vị khác nhau trên địa bàn do IS kiểm soát, tuân thủ những luật lệ hà khắc, số khác còn tham gia chiến đấu.
Động lực của người phương Tây đến chiến đấu dưới cờ của IS rất đa dạng. Ngày tháng đầu của cuộc chiến ở Syria, mục đích của họ là giúp đỡ người bạn Hồi giáo. Họ mang đến thức ăn, thuốc thang hay sát cánh cùng chiến đấu.
Sau đó cuộc chiến trở nên đẫm máu và có sự phân chia bè phái rõ rệt. Hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng. Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 190.000 người Syria đã bị giết. Kết quả là cuộc chiến tranh trở nên cực đoan hơn bao giờ hết. Những người trước đây từng nhân danh bảo vệ Syria nay quay lưng hoàn toàn, phủ nhận việc đất đai thuộc về dân chúng địa phương, Shiraz Maher từ ICSR nói.
Nghèo đói và thiếu hiểu biết không giải thích cho sức hút của jihad đối với các tay súng phương Tây. Nhiều người trong số này thuộc tầng lớp trung lưu. Nasser Muthaha, đến từ xứ Wales, 20 tuổi, thường dùng cái tên Abu Buthana al-Yemeni trong các đoạn video của IS, từng nhận được lời mời theo học ngành dược từ 4 trường đại học.
Sự thất bại trong hòa nhập xã hội cũng không phải nguyên nhân xác đáng, tờ Economist bình luận.
Lý do thỏa đáng hơn có lẽ là bởi mong ước muốn thoát khỏi sự buồn chán thường ngày và tìm kiếm bản sắc cho riêng mình. "Một số cá nhân đến đó vì cuộc sống của họ không có quá nhiều trải nghiệm và biến động", Raffaello Pantucci, chuyên gia phân tích nhận xét. Đối với nam giới trẻ làm những công việc bế tắc tại các thành phố buồn tẻ, tình huynh đệ, vinh quang và súng nghe có vẻ rất ly kỳ.
Đứng trên góc độ tâm lý, ông Arie Kruglanski, nhà tâm thần học, chuyên gia về khủng bố từ đại học Maryland cho biết một phần lý do khiến người ta đi theo IS nằm sâu trong ý thức và suy nghĩ.
Họ đa phần là những người cực đoan. Những người này luôn muốn nhìn thấy một thế giới sắc nét, không có sự tồn tại của màu xám. Họ rõ ràng và chặt chẽ, thế giới chỉ có màu đen hoặc trắng, sự việc chỉ có trạng thái đúng hoặc sai. Họ khát khao trở thành độc nhất, là một phần của cái gì đó lớn lao. Thêm vào đó, họ có mong ước cháy bỏng đạt đến sự chắc chắn hoàn mỹ để làm giảm cảm giác cồn cào, nghi ngờ trong tâm tưởng, ông Kruglanski giải thích trong một nghiên cứu mới nhất.
Tôn giáo chính thống là một trong những ứng cử viên hàng đầu đem đến cho họ điều nay. Tín đồ Hồi giáo vũ trang "biết chắc điều gì đúng hoặc sai, hành xử ra sao trong từng tình huống cụ thể", Kruglanski nhấn mạnh. "Điều đó rất chuẩn mực và có tính ràng buộc cao". Sau khi đã gia nhập một tôn giáo hay nhóm nào đó, người ta sẽ muốn chứng minh bản thân, muốn thể hiện sự cống hiến tự nguyện và cam kết gắn bó của mình từ đó dẫn đến hành vi mù quáng theo đuổi.
Vũ Hoàng