Theo báo cáo công bố hồi cuối tháng 6 của nhóm nghiên cứu Đại học Hebrew tại Israel, ước tính thực tế có tới 10 triệu ca tử vong trên toàn cầu do Covid-19, chứ không phải hơn 4,4 triệu ca như hiện nay.
Để tính toán số người chết ngoài thống kê, nhóm nghiên cứu so sánh tổng số người chết ở một quốc gia trong thời gian xảy ra một sự kiện như đại dịch với dữ liệu tử vong trung bình những năm trước. Họ xây dựng cơ sở dữ liệu gọi là Bộ Dữ liệu tử vong Covid-19, bao gồm thông tin về số ca tử vong do mọi nguyên nhân thu thập từ 103 quốc gia.
Từ đó, họ phát hiện tại một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất như Peru, Ecuador, Bolivia và Mexico, con số tử vong thực tế cao hơn 50% so với dự kiến trong thời kỳ đại dịch. Còn những quốc gia như Australia và New Zealand, số ca tử vong lại ít hơn bình thường, có thể do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội đã làm giảm số ca tử vong của các bệnh truyền nhiễm khác như cúm.
Nhiều quốc gia báo cáo chính xác số ca tử vong do Covid-19 nhưng một số quốc gia lại báo cáo ít hơn. Số ca tử vong do Covid-19 thực tế ở những nước này nhiều hơn ít nhất 1,4 lần so với công bố, tương đương hơn một triệu ca tử vong.
Giáo sư Leo Yee Sin, giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về bệnh truyền nhiễm Singapore, cho hay "con số tử vong vượt thống kê là một cách khác để đánh giá tác động thực sự của dịch bệnh mà không thể tranh cãi, rằng chết là chết, là hậu quả nghiêm trọng nhất".
"Ngoài tìm hiểu đặc điểm và nguồn gốc của mầm bệnh, cần giải thích và áp dụng cách tính toán và số liệu này trong hoàn cảnh phù hợp", Leo nói. "Số tử vong vượt mức phản ánh số ca chết do Covid-19 được ghi nhận, cũng như các trường hợp không được chẩn đoán và chết do nguyên nhân khác là hệ quả của Covid-19".
Giáo sư John Middleton, chủ tịch Hiệp hội các trường y tế công khu vực châu Âu (Aspher), đã tổng kết những rủi ro của việc không thống kê đầy đủ số ca tử vong do Covid-19.
"Khi ta đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch, nó sẽ ảnh hưởng tới cách một quốc gia kiểm soát đại dịch", đồng thời gây khó khăn cho việc xác định liệu chiến lược kiểm soát phù hợp, Middleton nói.
"Về cơ bản, mọi sinh mệnh, bao gồm người chết, đều rất quan trọng, thiếu thống kê chính xác con số thực tế là bất công với người chưa được thống kê", Tarik Jasarevic, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ.
Jasarevic cho rằng đảm bảo con số chính xác rất quan trọng để đánh giá thành bại của những phản ứng được đưa, đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các chiến lược giảm thiểu tử vong tùy từng hoàn cảnh và trong tương lai.
"Khi thế giới thúc đẩy tăng cường công bằng trong tiếp cận vaccine, nhu cầu phản ánh tác động của đại dịch bằng dữ liệu kịp thời và đáng tin cậy là rất quan trọng", ông nói.
Tiến sĩ Henrique Lopes, điều phối viên khoa học của dự án nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học Công giáo Bồ Đào Nha, nhắc tới nước Nga như một ví dụ về khả năng kháng vaccine cao do số liệu Covid-19 không chính xác.
"Tôi đoán rằng khoảng 70% dân số Nga từ chối tiêm chủng. Khi người dân hiểu được mối đe dọa và lợi ích bảo vệ của vaccine, thì số lượng người tiêm sẽ bùng nổ. Khi bạn không cho người ta xem bức tranh toàn cảnh, thì họ khó mà hiểu được đầy đủ tình hình", Lopes nói.
Ông cũng chỉ ra những tin tức giả đang lan truyền rộng rãi đã làm giảm tính quan trọng của chương trình trình vaccine là hậu quả từ việc tính toán thấp con số tử vong thực tế do Covid-19.
Lopes cho hay số ca tử vong vượt mức trong đại dịch có thể do những nguyên nhân như không đủ năng lực xét nghiệm Covid-19, chi phí xét nghiệm cao ngăn cản người dân ở những nước nghèo hơn đi xét nghiệm, tử vong do bệnh khác ở những người không thể hoặc không muốn tới bệnh viện do quá tải và những vấn đề hành vi khác như lạm dụng chất kích thích hay bạo lực gia đình.
"Nếu con số tử vong chính thức ghi nhận khoảng 4 triệu, thì con số thực có lẽ khoảng 10 triệu", Lopes nói.
Vậy làm thế nào để đánh giá chính xác số liệu về Covid-19. Theo giáo sư Leo, việc giám sát cả chủ động và bị động, thường được sử dụng để đánh giá tình hình và theo dõi một cách có hệ thống theo thời gian để quan sát xu hướng. Giám sát thụ động dựa vào báo cáo, còn giám sát chủ động dựa vào chủ động tìm kiếm thông tin.
Bà cho hay những quốc gia có thể đã tính thiếu con số tử vong như Ấn Độ nên thống kê nhờ kết hợp hai chiến lược. "Covid-19 có hàng loạt biểu hiện lâm sàng, từ không có triệu chứng tới bệnh nặng và tử vong. Giám sát thụ động dựa theo xét nghiệm và báo cáo lâm sàng, đa số ghi nhận những người có xét nghiệm. Vì vậy, về thực tế, phương pháp này ghi nhận được đa số ca nhiễm có triệu chứng", bà giải thích.
"Tuy nhiên, giám sát chủ động có thể áp dụng vào xét nghiệm tỉ lệ nhiễm trên cụm dân cư trong thời điểm cố định, giúp ghi nhận đầy đủ các biểu hiện lâm sàng, bao gồm cả ca nhiễm không triệu chứng. Từ đó, người ta có thể ước tính tỷ lệ nhiễm chưa báo cáo", bà nói.
Hồng Hạnh (Theo Straitstimes)