Hình ảnh khu vực trông giữ xe máy của một trường đại học tại Hà Nội gắn biển thông báo "Khu vực để xe Lead đời cũ" khiến nhiều người tò mò. Thông thường, để dễ quản lý và sắp xếp, lấy xe ra/vào, các bãi trông giữ xe máy sẽ chia riêng khu vực xe số, xe ga, xe phân khối lớn, nhưng chia riêng xe Lead thì không nhiều.
Thực tế, việc bãi xe của trường đại học ở Hà Nội chia xe Lead nằm riêng là để tập trung một chỗ dễ quản lý, tránh mất cắp IC, theo chia sẻ của nhân viên an ninh. Dễ lấy cắp IC là nhược điểm của dòng Lead đời cũ (từ 2012 trở về trước).
IC (Intergrated-Circuit) là bộ phận nằm trên xe máy đảm nhiệm vai trò điều khiển việc đánh lửa giúp xe nổ máy. IC có đặc điểm nhỏ, dễ tháo và đặc biệt rất dễ tiêu thụ trên thị trường sửa chữa với mức giá tiền triệu.
Trên Honda Lead đời 2012 về trước, IC nằm ở phía đầu xe, sau tấm mặt nạ nên kẻ gian dễ lấy cắp bằng cách nạy các khớp nhựa, luồn tay rút, theo anh Trọng Điệp, một chuyên gia kỹ thuật xe máy. Không chỉ Lead đời cũ, cả những chiếc Honda SCR và Vision sản xuất trước 2012 cũng nằm trong tầm ngắm của kẻ gian.
Anh Điệp cho biết, kẻ gian chỉ mất 10-20 giây là có thể tháo chiếc IC của xe. Nếu bị đánh cắp, chủ xe phải thay thế với giá 1-2 triệu đồng nếu mua ở các cửa hàng sửa chữa không chính hãng, hoặc 3-4 triệu nếu thay ở đại lý chính hãng.
Để khắc phục việc này, nhiều cửa hàng sửa chữa đưa ra các dịch vụ như thiết kế đai bảo vệ IC, di chuyển IC sang vị trí khác. Những chiếc Lead đời mới từ 2013 tới nay, Honda đã thay đổi vị trí lắp đặt IC nên tình trạng mất trộm không còn xảy ra.
Để bảo đảm tài sản không bị đánh cắp, người dùng dòng xe này nên gửi xe tại những bãi trông xe trong nhà nếu có thể. Với bãi đỗ ngoài trời, cần ở khu vực khép kín, có camera an ninh, nhiều bảo vệ có thể trông coi liên tục để bảo đảm an toàn.
Minh Vũ