Từng bị hầu hết chuyên gia y tế công cộng và quan chức chính phủ bác bỏ, giả thuyết Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc đang được xem xét kỹ lưỡng trong cuộc điều tra mới của Mỹ. Tổng thống Joe Biden ngày 26/5 yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ tăng cường nỗ lực thu thập và phân tích thông tin rồi báo cáo lại cho ông trong vòng 90 ngày về khả năng virus truyền từ động vật sang người hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham hai tuần trước cáo buộc tạp chí y khoa Lancet của Anh hồi năm ngoái đã bác bỏ giả thuyết nCoV lọt từ phòng thí nghiệm nhằm hạ bệ Trump trong bầu cử. Tuyên bố do 27 nhà khoa học ký "lên án mạnh mẽ các thuyết âm mưu cho rằng Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên".
"Rõ ràng là việc các nhà khoa học nổi tiếng phản đối giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cùng với việc các quan chức Bộ Ngoại giao ngừng điều tra thêm, đã là hai trong số những sự kiện có tác động lớn nhất đến cuộc bầu cử năm 2020", Graham nói và nhấn mạnh nếu giả thuyết này được tin tưởng thì cuộc bầu cử đã diễn ra theo hướng có lợi cho Trump.
Nhận xét về bình luận của Graham, giáo sư David Schultz, Khoa Khoa học Chính trị và Luật, Đại học Hamline, Mỹ, nói với VnExpress rằng: "Việc giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm bị bác bỏ không thay đổi quỹ đạo của cuộc bầu cử. Ngay cả khi giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm là đúng thì Donald Trump đã xử lý đại dịch rất tệ và đó là điều khiến ông ấy thất cử".
Khi cầm quyền, Trump thường xuyên phản đối các đề xuất và chế giễu cảnh báo về nguy cơ của nCoV, nhiều lần nói một cách mỉa mai "Covid, Covid, Covid" trong các buổi mít tinh vận động tranh cử. Cựu tổng thống cũng dự đoán sai việc Covid-19 sẽ không còn được các hãng tin đề cập sau cuộc bầu cử.
"Vấn đề không nằm ở nguyên nhân bắt đầu đại dịch, mà là cựu tổng thống Trump đã hành động tệ như thế nào", Schultz bình luận.
Hồi tháng 5/2020, Trump có những phát ngôn ẩn ý, như thể ông nắm trong tay một số thông tin về nguồn gốc virus. "Chuyện gì đó đã xảy ra. Nó xuất phát từ Trung Quốc. Đáng lẽ nó phải bị chặn lại. Nó có thể bị chặn ngay tại chỗ", Trump nói, nhưng không đưa ra bằng chứng. Ngoại trưởng Mỹ khi đó, Mike Pompeo, tuyên bố "có bằng chứng to lớn" cho thấy nCoV bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nhưng không cho biết chi tiết.
Truyền thông Mỹ hồi tháng 5 tiết lộ tin tình báo cho thấy vài nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) từng bị ốm với "triệu chứng giống Covid-19" và nhập viện hồi tháng 11/2019, ngay trước khi đại dịch bùng phát ở thành phố này.
Manisha Juthani, phó giáo sư y khoa và dịch tễ học tại Trường Y Yale ở Mỹ, cho rằng giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm không bị cố tình bác bỏ vì mục đích chính trị. "Có thể Ngoại trưởng Pompeo biết về những người bị bệnh trong phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng công chúng không biết và có thể điều đó ảnh hưởng đến cách truyền tải thông điệp của Tổng thống và những người xung quanh", bà nói.
"Vào thời điểm đó, chúng ta không có các thông tin cụ thể và các nhà khoa học đưa ra ý kiến dựa vào những gì họ biết. Việc virus truyền từ động vật sang người là điều thường xuyên xảy ra nên giả thuyết rò rỉ đã không được chú ý. Điều khiến nó nóng trở lại là giờ đây chúng ta có nhiều thông tin hơn", bà nói thêm.
Phe Cộng hòa đang hả hê khi giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm nóng trở lại. Họ cho rằng nếu giả thuyết được xác nhận, Trump sẽ được "minh oan". Trump hồi tháng 5 nói rằng ông đã đúng khi gọi nCoV là "virus Trung Quốc".
Trong khi đó, phe Dân chủ phản bác rằng do Trump thường xuyên đưa ra các thuyết âm mưu hay thông tin tình báo sai để phục vụ mục đích chính trị của mình, ông đã không được coi là nguồn tin đáng tin cậy. Họ đặt câu hỏi nếu đội ngũ của Trump có bằng chứng để chứng minh giả thuyết trên, tại sao họ không công bố với thế giới.
19 nhà khoa học tháng trước công bố một lá thư trên tạp chí Science, yêu cầu điều tra kỹ lưỡng về nguồn gốc của virus, bao gồm khả năng virus bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán. Alina Chan, một trong các nhà khoa học, tuần trước tiết lộ rằng một số đồng nghiệp của cô đã ngần ngại thảo luận công khai về giả thuyết này khi Trump còn đương nhiệm, vì lo sợ họ sẽ bị coi là tán thành ngôn ngữ "phân biệt chủng tộc" về nguồn gốc Covid-19, ám chỉ việc Trump sử dụng cụm từ "virus Vũ Hán".
"Vào thời điểm đó, việc bị coi là liên kết với Trump và trở thành công cụ cho những kẻ phân biệt chủng tộc là điều còn đáng sợ hơn, vì vậy mọi người không muốn công khai kêu gọi một cuộc điều tra về giả thuyết phòng thí nghiệm", Chan nói trong cuộc phỏng vấn với NBC.
J Stephen Morrison, giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định câu hỏi liệu sự cố trong phòng thí nghiệm có phải là nguồn gốc Covid-19 hay không "đã bị mắc kẹt trong bối cảnh chính trị hóa".
"Khi Trump sử dụng vấn đề như một phần của chiến dịch chống Trung Quốc, mọi người không muốn liên quan đến vấn đề đó. Vì vậy, họ đã giữ khoảng cách", Morrison nói thêm.
Phương Vũ