12 thiếu niên trong đội bóng thiếu niên của Thái Lan cùng luấn luyện viên đêm 2/7 được tìm thấy vẫn sống sót sau 9 ngày mắc kẹt bên trong hang Tham Luang thuộc tỉnh Chiang Rai, dù họ không mang theo nhiều thực phẩm dự trữ.
Đặc nhiệm SEAL thuộc Hải quân Hoàng gia Thái Lan hôm nay công bố video được quay trong hang cho thấy đội bóng hoàn toàn khỏe mạnh. Câu hỏi đặt ra là nhờ đâu những cậu bé, tuổi chỉ từ 11 đến 16, có thể sống sót suốt hơn một tuần giữa hang sâu và điều gì khiến họ giữ ổn định được tinh thần như vậy?
Theo Mike Tipton, nhà sinh lý học thuộc Đại học Portsmouth, Anh, khả năng sinh tồn trong những điều kiện cực đoan phụ thuộc vào mức độ tiếp cận với các nguồn sống quan trọng, lần lượt theo thứ tự: oxy, nhiệt độ ổn định của môi trường, nước và thức ăn.
Các thợ lặn cho biết nhiệt độ trong hang dao động xung quanh ngưỡng 26 độ C, vì thế lũ trẻ không phải đối diện với nguy cơ bị hạ thân nhiệt. Tim White, điều phối viên khu vực thuộc Ủy ban Cứu nạn Hang động Quốc gia Mỹ (NCRC), nhận định nếu lũ trẻ mắc kẹt trong một hang động ở Mỹ, với nhiệt độ có lúc xuống dưới 15 độ C, nhiều em sẽ bị nguy hiểm tới tính mạng vì thân nhiệt hạ thấp.
Bên cạnh đó, theo một bác sĩ tham gia chiến dịch giải cứu, đội bóng nhí đã tránh được tình trạng mất nước nhờ uống nước nhỏ xuống từ các thạch nhũ trong hang.
Dù xung quanh là nước lũ, các cầu thủ nhí không thể uống nguồn nước này vì chúng dễ bị nhiễm khuẩn từ những trang trại xung quanh. Nếu mạo hiểm uống, họ có khả năng bị ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, dẫn tới kiệt sức nhanh chóng hơn.
Đội bóng nhí Thái Lan cười lạc quan khi chờ được giải cứu.
Mặt khác, Anmar Mirza, điều phối viên khác từ NCRC, cho rằng tuổi trẻ và sức khỏe tốt của các thành viên đội bóng khi thường xuyên tập luyện thể thao cũng là một phần nguyên nhân giúp tình hình trở nên khả quan hơn.
Thiếu thực phẩm không phải vấn đề quá nghiêm trọng trong thời gian ngắn. Theo các chuyên gia, một người bình thường có thể chịu đói tới hơn 30 ngày, dù cơ thể không có sức lực. Để không bị mất năng lượng, các cầu thủ nhí cần hạn chế tối đa việc vận động hay di chuyển.
Yếu tố quan trọng không kém giúp đội bóng có thể trụ vững trong không gian chật hẹp, hoàn toàn không có ánh sáng với dòng nước lũ chảy xiết xung quanh chính là tinh thần tập thể và ý thức kỷ luật tốt.
Khi bị mắc kẹt trong hang sâu suốt nhiều ngày, không biết khi nào sẽ được giải cứu, việc giữ ổn định tinh thần cho các cầu thủ nhí là yêu cầu rất quan trọng, bởi chỉ cần một người hoảng loạn có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền, dẫn tới những quyết định không khôn ngoan, chẳng hạn như việc bất chấp lao mình xuống dòng nước chảy xiết.
Một số thợ lặn chuyên nghiệp khi rơi vào tình cảnh tương tự đã tính tới việc tự tử. Nếu điều kiện trong hang đủ để đội bóng sống sót, các em cần giữ tinh thần lạc quan, sự bình tĩnh và tập trung, giáo sư Tipton từ Đại học Portsmouth nhấn mạnh.
Theo Omar Reygadas, thợ mỏ từng bị mắc kẹt dưới lòng đất 69 ngày ở Chile hồi năm 2010, huấn luyện viên đội bóng có thể là người đã trấn an tinh thần cho lũ trẻ, tạo động lực giúp các em lạc quan.
Một người dẫn đầu tốt có thể biến tình cảnh trớ trêu trở thành "một cuộc thám hiểm thay vì thử thách gian nan", Tipton đánh giá.
Video do thợ lặn cứu nạn người Anh quay được trong lần đầu tiên tiếp cận được đội bóng mắc kẹt cho thấy các em vẫn bình tĩnh chào hỏi nhân viên cứu hộ, không tỏ ra hoảng loạn hay sợ hãi, dù đây là lần đầu tiên các em được nhìn thấy ánh sáng sau nhiều ngày mắc kẹt.
Các thành viên trong đội ngồi theo hàng lối một cách trật tự trên mô đất, không chen lấn xô đẩy khi có người tới cứu. Các em cũng có thể giao tiếp bằng tiếng Anh khá lưu loát với người nước ngoài, chứng tỏ đội bóng đã được đào tạo và giáo dục bài bản, có tinh thần tập thể và ý thức kỷ luật tốt.
Các chuyên gia hy vọng rằng với sự hỗ trợ của nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý và việc liên lạc thường xuyên với người thân qua đường dây liên lạc kéo vào hang, các thành viên đội bóng nhí sẽ sớm hồi phục sức khỏe và sẵn sàng tâm lý cho hành trình vượt lũ thoát ra ngoài trong thời gian sớm nhất.