Stanton và đồng nghiệp Volanthen chính là hai thợ lặn đầu tiên tìm thấy 12 thành viên đội bóng nhí Thái Lan cùng huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai, tối 2/7, theo Washington Post.
Trong đoạn video ghi lại khoảnh khắc hai thợ lặn người Anh tới được vị trí đội bóng sau 9 ngày mất tích, một người đã trao đổi nhanh với lũ trẻ. "Các em có bao nhiêu người? 13 à? Tuyệt vời", viên thợ lặn nói. Chiếc đèn pin của ông soi vào gương mặt lũ trẻ và đây có lẽ là ánh sáng đầu tiên các em nhìn thấy sau hơn một tuần mắc kẹt trong hang sâu.
Khi lũ trẻ hỏi liệu chúng có thể thoát khỏi hang ngay không, người thợ lặn trả lời: "Không, không phải hôm nay. Chỉ có hai chúng tôi. Các em sẽ phải lặn".
Các thợ lặn Anh chỉ là một phần nhỏ trong đội ngũ hơn 1.000 người tham gia vào nỗ lực tìm kiếm, giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan. Việc họ tìm thấy đội bóng sau khi lặn hàng trăm mét qua những ngóc ngách chật hẹp được ví như "phép màu", khiến cả đất nước Thái Lan hân hoan.
Tuy nhiên, sứ mệnh của họ còn phải tốn thêm nhiều thời gian nữa mới kết thúc bởi việc đưa đội bóng rời khỏi hang vô cùng khó khăn. Cần nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng nếu để dạy các em thành thạo kỹ năng lặn và vượt qua các ngách hang chật hẹp ngập nước.
Bạn bè của Stanton và Volanthen nhận xét nếu mục tiêu là tìm kiếm những chuyên gia lành nghề, đủ khả năng cũng như kinh nghiệm để đi sâu vào trong hang, hai thợ lặn người Anh đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất. Họ không ngạc nhiên khi nghe tin nhà chức trách Thái Lan mời Stanton, Volanthen và Robert Harper, thợ lặn thứ ba, tham gia chiến dịch.
"Tôi đã bảo ngay từ đầu, nếu có bất kỳ ai tìm thấy lũ trẻ, đó chắc chắn phải là hai thợ lặn này, những người giỏi nhất thế giới", Andy Eavis, phát ngôn viên Hiệp hội Hang động Anh, nhấn mạnh.
"So với những gì Rick và John vẫn thường thực hiện, đây là cuộc lặn cực kỳ đơn giản, thứ phức tạp duy nhất nằm ở dòng nước", ông cho hay, đề cập tới việc hai thợ lặn phải bơi ngược dòng trên đường tìm đội bóng nhí.
Theo Eavis, Stanton được biết đến là một trong những thợ lặn hang động giỏi nhất châu Âu. "Ông ấy đã làm nhiều điều kỳ diệu. Ông ấy đã lặn 10 km, sâu 70 m trong hang động ở Pháp, một điều phi thường", Eavis nói. "Họ ở dưới nước suốt 36 tiếng. Họ phải chịu tình trạng giảm áp trong 20 tiếng. Tất cả đều đáng ghi vào kỷ lục thế giới về lặn hang động".
Stanton và Volanthen từng tham gia vào các nhiệm vụ giải cứu tương tự. Năm 2010, họ dẫn đầu một chiến dịch giải cứu trong hang động ở miền nam nước Pháp để tìm thợ lặn người Pháp Eric Establie. Tuy nhiên, sau 8 ngày nỗ lực, cuối cùng họ phát hiện Establie đã chết đuối.
Stanton, nhân viên cứu hỏa ngoài 50 tuổi, năm 2004 dẫn dắt một sứ mệnh giải cứu ở Mexico, nơi ông giúp cứu sống 6 binh sĩ Anh bị mắc kẹt dưới lòng đất trong 6 ngày.
Khoảnh khắc tìm thấy đội bóng Thái Lan trong hang.
Stanton và Volanthen từng nhận phần thưởng từ tổ chức từ thiện Xã hội Nhân đạo Hoàng gia tại Điện Buckingham vì những cống hiến của mình. Bill Whitehouse, Phó chủ tịch Hội đồng Giải cứu Hang động Anh, nhận xét Stanton - Volanthen rõ ràng là đội thợ lặn hang động "hạng nhất".
Stanton từng chia sẻ với tạp chí Divernet rằng công việc lặn cứu hộ của ông là một "sở thích" và nó hoàn toàn "vì cộng đồng".
Volanthen, người giúp phát triển các công nghệ cho phép thợ lặn có thể ở dưới nước lâu hơn, cũng có niềm đam mê với bộ môn này.
Trong một bộ phim tài liệu về Volanthen và Stanton, vợ John Volanthen, bà Annabelle Volanthen kể trong ngày đám cưới của họ, John đã tìm cách xóa bỏ áp lực bằng việc đi lặn hang động.
"Đấy không phải cái hang bình thường. Nó đi qua một khu vực có một nhũ đá không ổn định mà về sau đã sụp đổ, nhưng điều đó phần nào cho thấy tính cách của John", Annabelle nói.
Volanthen, kỹ sư công nghệ thông tin ngoài 40 tuổi, năm 2013 cho biết điểm hấp dẫn ở môn lặn hang động là nó giúp bạn luôn giữ đầu óc tỉnh táo. "Hoảng loạn và sợ hãi không được phép tồn tại khi đi lặn hang động", ông khẳng định.