Theo các nhà khoa học, gián là sinh vật "vô cùng cứng đầu". Cũng giống như các loại vi khuẩn có thể tiến hóa và phát triển mạnh hơn để kháng lại kháng sinh, gián có khả năng tương tự để miễn nhiễm với thuốc diệt côn trùng. Đặc biệt loài gián Đức có khả năng gây hại cao và kháng lại hầu hết loại thuốc diệt gián, có thể gây nên những dịch bệnh và rất khó kiểm soát.
Ở Việt Nam, loài gián Đức xuất hiện từ năm 1999, rất ưa môi trường ẩm ướt nên sinh sản nhanh. Loài này có đặc tính kháng thuốc nên không thể giết sạch. Càng phun thuốc, gián càng phát triển mạnh. Nguyên nhân do ở chung cư có các đường ống thoát nước, nhà vệ sinh và chậu rửa trong bếp nên khi đặt thuốc, gián theo đường ống bò sang nhà khác. Khi thuốc hết tác dụng, gián lại quay về. Các loại thuốc xịt đang bán trên thị trường dùng nhiều lần sẽ dẫn đến kháng thuốc.
Michael Scharf, nhà côn trùng học tại Đại học Purdue, Mỹ, cho biết bụi từ gián có thể trở thành một chất gây dị ứng và kích hoạt các triệu chứng hen suyễn, giống như cách chuột lang mang mầm bệnh salmonella và E.coli truyền cho con người
Làm thế nào để một con gián có khả năng kháng độc? Một số loài gián bẩm sinh có khả năng kháng lại vài loại hóa chất, chúng sinh nở để di truyền cho các thế hệ tiếp theo, lâu dần trở thành một nhóm gián lớn có khả năng miễn nhiễm với chất độc từ thuốc diệt côn trùng. Vấn nạn này đã bắt đầu xuất hiện từ những năm 1950. Các nhà khoa học đang tìm cách để con người đối phó với loài gián mạnh mẽ này và giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn dị ứng liên quan đến chúng.
Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm ba loại thuốc diệt côn trùng trên những con gián nhưng kết quả mang lại đều không hiệu quả. Số lượng gián trên thế giới vẫn đang tiếp tục tăng. Cuối cùng các nhà khoa học cho rằng loại bỏ gián bằng cách vật lý thông thường là giải pháp ổn hơn về lâu dài.
Việc diệt gián phải diễn ra thường xuyên, nhất là từ tháng 2 đến tháng 4. Có thể dùng các bả, mồi gián bán ở các cửa hàng thuốc thú y, trộn lẫn bả với thực phẩm mà gián ưa thích (bột bánh, dầu ăn, mỡ, đường...) và đặt gần tổ của chúng. Cũng có thể dùng các chất đuổi gián tự nhiên như tinh dầu bạc hà, vỏ dưa leo, vỏ cam quýt, tỏi, dầu đinh hương...
Đăng Như (Theo Vox)