Video lan truyền trên Twitter hôm 18/8 cho thấy hai máy bay không người lái (UAV) cỡ lớn bốc cháy rừng rực và rơi ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria, làm dấy lên đồn đoán rằng phiến quân Hồi giáo đã bắn rơi máy bay Mỹ. Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên sau đó xác nhận quân đội nước này mất hai UAV ở Syria, nhưng do "va chạm trên không" chứ không phải bị bắn rơi.
Dựa trên hình ảnh được công bố, giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định hai chiếc UAV bị rơi đều là mẫu MQ-9 Reaper, mỗi chiếc có giá khoảng 16 triệu USD, chưa kèm theo vũ khí và cơ sở hạ tầng hỗ trợ.
Đây là một trong những mẫu UAV vũ trang chủ lực của Mỹ, có khả năng mang khoảng một tấn vũ khí gồm bom GBU-12 dẫn đường bằng laser, tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire II, tên lửa đối không AIM-9 Sidewinder và bom GBU-38 dẫn đường bằng vệ tinh.
Không quân Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) thường sử dụng MQ-9 để xác định và theo dõi mục tiêu trên mặt đất, trong đó có các thủ lĩnh phiến quân Hồi giáo ở Syria, rồi dùng bom dẫn đường hoặc tên lửa Hellfire để tung đòn tấn công tiêu diệt.
Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bình luận về thông tin, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng nguyên nhân hai chiếc MQ-9 đâm vào nhau ở Idlib có thể bắt nguồn từ sai lầm của người điều khiển và việc thiếu cảm biến cảnh báo va chạm, hệ thống vốn phổ biến trên máy bay thương mại, cho các UAV đắt tiền của quân đội Mỹ.
"Các phi công thường mô tả việc điều khiển chiếc MQ-9 giống như lái máy bay thông thường, nhưng chỉ được nhìn thế giới thông qua một cái ống hút, thay vì có tầm nhìn quang đãng như phi công trong buồng lái thực thụ. Góc nhìn rất hẹp qua hệ thống cảm biến khiến họ không duy trì được nhận thức tình huống ở xung quanh, gây nguy cơ va chạm rất cao", chuyên gia hàng không David Hambling nhận xét.
Phi công điều khiển UAV MQ-9 có thể cải thiện khả năng nhận thức tình huống nhờ dữ liệu từ mạng lưới radar cảnh giới và trinh sát cơ. Tuy nhiên, nhiều khả năng cả hai phi công trong sự việc trên đều tập trung vào nhiệm vụ theo dõi mục tiêu trên mặt đất, không chú ý tới thực tế rằng chúng đang lao vào nhau với vận tốc khá nhanh.
UAV chiến đấu của Mỹ dường như cũng không được trang bị hệ thống cảnh báo va chạm máy bay (TCAS), một trong những thiết bị rất quan trọng và có mặt trên mọi phi cơ dân dụng. Thiết bị này có thể phát hiện nguy cơ va chạm giữa hai máy bay, sau đó phát cảnh báo và ra chỉ thị để phi công tăng giảm độ cao, tránh dẫn đến tai nạn.
"Điều này khiến UAV quân sự thường không được hoạt động trong không phận chung với máy bay dân sự. Nhà sản xuất General Atomics cũng đang thử nghiệm hệ thống nhận diện và cảnh báo va chạm cho phi đội Reaper, nhưng chưa rõ bao giờ nó mới hoàn thiện", Hambling nói thêm.
Mỹ gần đây triển khai nhiều lượt máy bay MQ-9 trên bầu trời Syria. Một chiếc Reaper dường như đã tiến hành vụ không kích nhằm vào chiếc xe chở Abu Yahya al-Uzbeki, kẻ phụ trách huấn luyện quân sự cho nhóm phiến quân Hurras Al-Din thân al-Qaeda tại tỉnh Idlib, tây bắc Syria hôm 14/8. Các chuyên gia quân sự cho rằng phi cơ MQ-9 đã sử dụng tên lửa đối đất AGM-114R9X có biệt danh "bom ninja" để tiêu diệt al-Uzbeki.
MQ-9 Reaper được sản xuất cho quân đội Mỹ và xuất khẩu đến một số quốc gia đồng minh thân cận với Washington. Máy bay có thể hoạt động liên tục 14 giờ với tải trọng vũ khí tối đa.
Vũ Anh (Theo Forbes)