Hồi tháng 10, Ukraine thông báo bắt một tù binh là Bibek Khatri, chiến binh Nepal trong biên chế lực lượng lính dù Nga đang tham chiến ở nước này. Khatri thừa nhận đã bay 4.000 km từ Nepal tới Nga gia nhập quân đội và tham chiến tại Ukraine để kiếm tiền, khi dân số và tỷ lệ thất nghiệp ở quê nhà tăng mạnh.
"Gia đình tôi đang gặp khó khăn tài chính, nên tôi gia nhập lực lượng Nga làm lính đánh thuê theo lời khuyên của bạn bè. Tôi muốn trở về bên mẹ với tư cách là một người thành đạt", Khatri nói.
Tình trạng thiếu cơ hội việc làm, thu nhập thấp là các yếu tố thúc đẩy nhiều người trẻ Nepal xuất ngoại tìm cơ hội mới. Khatri không phải chiến binh Nepal duy nhất chấp thuận những đề nghị hấp dẫn từ Moskva. Đại sứ Nepal tại Nga Raj Tuladhar cho hay khoảng 150-200 công dân nước này đang làm lính đánh thuê trong quân đội Nga.
Lính Nepal, hay còn gọi là chiến binh Gurkha, nổi tiếng về lòng dũng cảm và kỹ năng chiến đấu. Nepal không cho phép công dân phục vụ quân đội nước ngoài, trừ lực lượng của Anh và Ấn Độ theo thỏa thuận ký kết giữa ba nước. Tuy nhiên, nhiều chiến binh vẫn tìm cách ra nước ngoài làm lính đánh thuê, trong đó Nga là điểm đến hấp dẫn.
Ngày 4/12, Nepal cho hay 6 công dân nước này đã chết khi gia nhập quân đội Nga tham chiến tại Ukraine. Kathmandu đã yêu cầu Moskva hồi hương thi thể các binh sĩ, bồi thường cho gia đình họ và ngừng tuyển mộ người Nepal. Nước này cũng đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao để hồi hương lập tức các binh sĩ đang chiến đấu ở Ukraine.
Các chiến binh Gurkha không chỉ xuất ngoại phục vụ quân đội Nga. Tờ Independent của Anh cho hay nhiều thông tin cho thấy lính đánh thuê Nepal cũng đang gia nhập quân đội Ukraine chiến đấu chống lại Nga. Những người lính này có thể phải đối mặt với chính đồng hương của mình trên chiến trường.
Ngoài Nga và Ukraine, nhiều công dân Nepal cũng hiện diện trong hàng ngũ các lực lượng khác như Pháp, Mỹ mà không có thỏa thuận chiến lược hay song phương nào.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Di trú Mỹ (USCIS), ít nhất 1.000 người Nepal đã được nhập tịch Mỹ trong năm 2021 bằng cách gia nhập quân đội nước này. Cựu đại sứ Nepal tại Pháp Krishna Srastha năm 2016 cho biết ít nhất 300 chiến binh Gurkha được cho là đang phục vụ trong lực lượng vũ trang Pháp.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 64% dân số Nepal dưới 30 tuổi, song ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp hơn 19% trong nhóm thanh niên 15-29 tuổi.
"Trong số 500.000 thanh niên tham gia thị trường việc làm mỗi năm, chỉ khoảng 1/5 được tuyển dụng. Số còn lại sẽ đi về đâu?", Binoj Basnyat, thiếu tướng quân đội Nepal, đặt câu hỏi.
Quân đội Ấn Độ là một trong những bên chính tuyển mộ thanh niên Nepal. Nhập ngũ từ lâu được cho là một trong những công việc ổn định nhất với các thanh niên ở Nam Á, giúp họ được đảm bảo về an sinh xã hội và lương hưu.
Nhưng Ấn Độ đã bắt đầu giảm ngân sách quốc phòng, cải tổ lực lượng vũ trang, chỉ tuyển các chiến binh Gurkha theo hợp đồng 4 năm, thay vì phục vụ trọn đời như trước đây, đồng thời giảm phúc lợi của họ.
Cuộc cải tổ khiến Ấn Độ trở thành điểm đến kém hấp dẫn hơn trong mắt những người lính Gurkha, tạo một khoảng trống tuyển dụng lớn ở Nepal và gây căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia. Chính phủ Nepal đã chỉ trích Ấn Độ không thông báo hoặc hỏi ý kiến nước này trước khi tiến hành các thay đổi.
Khi Nga thông báo công dân nước ngoài phục vụ quân đội một năm sẽ được ưu tiên giải quyết đơn xin cấp quốc tịch, nhiều người Nepal đã xếp hàng đăng ký.
Nhu cầu này đã tạo điều kiện cho các băng nhóm buôn người hoạt động, đưa các chiến binh Gurkha từ Nepal tới Nga đăng ký nhập ngũ. Cảnh sát thủ đô Kathmandu đã bắt ít nhất 10 người trong tuần qua, cáo buộc họ tính phí 9.000 USD cho mỗi trường hợp đến Nga bằng thị thực du lịch để nhập ngũ.
Theo Kathmandu Post, làn sóng ra nước ngoài nhập ngũ của thanh niên Nepal xuất phát từ những hoài nghi về cơ hội tương lai ở quê nhà. Dù có một số thay đổi tiến bộ về chính thể và xã hội trong hơn một thập kỷ qua, Nepal vẫn chưa thể đem lại cảm giác an toàn, ổn định cho người dân, đặc biệt là các thanh niên.
"Tình trạng kinh tế cùng tỷ lệ thất nghiệp hiện tại cho thấy thanh niên Nepal đang tuyệt vọng và sẽ tận dụng mọi cơ hội để xuất ngoại", tờ báo cho biết trong bài viết ngày 8/12.
Đức Trung (Theo Independent, Kathmandu Post)