Mykhailo Fedorov, phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine, ngày 17/7 xác nhận tàu không người lái (USV) đã được sử dụng để tấn công cầu Crimea, hay còn gọi là cầu Kerch, kết nối lục địa Nga với bán đảo mà Moskva sáp nhập vào năm 2014, khiến một nhịp cầu hư hại nặng.
Truyền thông phương Tây trước đó dẫn nguồn tin trong Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết vụ tấn công cầu Crimea là "chiến dịch đặc biệt của SBU và hải quân".
Đây là lần thứ hai cầu Crimea bị tấn công kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022. Hồi tháng 10 năm ngoái, vụ nổ lớn trên cầu Crimea làm sập hai nhịp và khiến 5 người thiệt mạng. Nga khi đó cáo buộc đặc nhiệm Ukraine "tấn công khủng bố" nhằm vào Crimea, dù Kiev không thừa nhận.
Nga hồi tháng 4/2018 khánh thành cây cầu dài khoảng 19 km, nối Crimea với vùng Taman ở phía tây nam Nga, 4 năm sau khi sáp nhập bán đảo. Đây là cầu dài nhất ở châu Âu, có tổng giá trị lên tới 3,7 tỷ USD. Cầu đường sắt chạy song song với cầu đường bộ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2019.
Cầu Crimea được xem là dự án cơ sở hạ tầng quan trọng đối với Tổng thống Vladimir Putin. Trong lễ khánh thành năm 2018, ông Putin đã lái chiếc xe tải Kamaz màu cam treo cờ Nga đi qua cầu và gọi dự án là "phép màu" của Moskva.
"Trong các thời đại lịch sử khác nhau, mọi người đều mơ ước xây dựng cây cầu này", ông Putin nói tại buổi lễ. Cây cầu trở thành biểu tượng của Nga trong năng lực thực hiện các đại dự án cơ sở hạ tầng, cũng như giấc mơ khôi phục ảnh hưởng và sức mạnh của nước Nga vĩ đại trở lại.
Kể từ đó, cầu Crimea đóng vai trò như biểu tượng cho bản sắc và quyền lực của Nga tại bán đảo, nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người. Cây cầu cũng trở thành một "chốt chặn" quan trọng nằm giữa Biển Đen và Biển Azov, nơi Nga coi như vùng biển thuộc vùng ảnh hưởng của mình, bất chấp nỗ lực phản đối của Ukraine.
Vai trò của cầu Crimea càng tăng lên khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine. Là tuyến đường bộ và đường sắt duy nhất từ Nga đến bán đảo Crimea, nó trở thành mắt xích trọng yếu trong tuyến hậu cầu để Nga đưa lực lượng, khí tài, xăng dầu, đạn dược phục vụ mũi tấn công vào Kherson và khu vực miền nam Ukraine.
Chiến dịch đã giúp Nga đạt được mục tiêu thiết lập hành lang bộ từ Nga đến Crimea bằng cách sáp nhập bốn vùng Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào cầu Crimea.
Dù vậy, Ukraine vẫn coi cầu Crimea là "cái gai trong mắt" và đặt mục tiêu phá hủy cây cầu này, đồng thời với nỗ lực cắt đứt hành lang trên bộ của Nga. Nếu đạt được cả hai mục tiêu này, Ukraine có thể cô lập hoàn toàn lực lượng Nga ở Crimea, tạo điều kiện cho họ giành lại bán đảo.
Cây cầu hứng chịu vụ nổ lớn hồi tháng 10 năm ngoái, được cho là do một vụ đánh bom xe gây ra, làm hai nhịp cầu bị sập và giao thông tê liệt trong thời gian ngắn, khiến người Ukraine cảm thấy phấn khích.
Nhưng Nga đã dồn lực sửa chữa cây cầu và cho các phương tiện lưu thông trở lại trong hai tháng, dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của cầu Crimea đối với Nga.
Khi Ukraine mở chiến dịch phản công lớn nhằm giáng đòn quyết định vào lực lượng Nga ở miền nam, cầu Crimea tiếp tục được xem là mục tiêu quan trọng, bởi nó có thể ngăn Moskva đưa thêm lực lượng, xe tăng, thiết giáp tới bán đảo và chi viện cho phòng tuyến ở miền nam.
Hiện tại, lực lượng Ukraine muốn gây khó khăn nhiều nhất có thể cho quân Nga đang kiểm soát các khu vực phía nam sông Dnieper. Các trung tâm hậu cầu của Nga trên khắp miền nam đã liên tục bị tấn công bằng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp cho Ukraine. Nếu cầu Crimea không thể tiếp tục hoạt động, dù là trong thời gian ngắn, điều này sẽ làm tăng thêm thách thức hậu cần cho Nga.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 17/7 cho biết trên Telegram rằng lực lượng nước này đã giành thêm 18 km2 trong tuần qua, nâng tổng diện tích tái kiểm soát lên 210 km2 kể từ khi cuộc phản công bắt đầu hồi tháng 6.
Bà Maliar gần đây cũng tuyên bố quân Ukraine đã phá hủy 6 kho đạn của Nga trong một ngày. "Chúng tôi phải giáng những đòn hiệu quả, đau đớn và chính xác vào đối thủ, những người sớm muộn cũng sẽ rơi vào tình cảnh thiếu đạn dược và nhiên liệu", bà nói.
Phó thủ tướng Nga Marat Khusnullin cho biết có thể phải đợi tới giữa tháng 9 để khôi phục phần nào lưu thông hàng hóa hai chiều trên cầu sau vụ nổ ngày 17/7. Hoạt động đi lại trên cầu chỉ có thể được khôi phục hoàn toàn vào tháng 11.
Tổng thống Putin gọi vụ tấn công là "hành động khủng bố" của Kiev, tuyên bố sẽ có biện pháp phản ứng phù hợp. Quân đội Nga rạng sáng nay tiến hành các cuộc tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào loạt thành phố Ukraine, dường như nhằm đáp trả vụ tấn công cầu Crimea.
Giới quan sát nhận định vụ tấn công cầu Crimea ngày 17/7 chưa phải nỗ lực cuối cùng của Ukraine nhắm vào công trình mang tính biểu tượng này. Khi phương Tây chuyển giao các loại vũ khí có tầm bắn ngày càng xa, trong đó có tên lửa hành trình Storm Shadow, Ukraine càng có khả năng tập kích cầu Crimea lớn hơn.
Boris Rozhin, blogger quân sự nổi tiếng ủng hộ Điện Kremlin, cho hay sau khi cầu Crimea bị hư hại, các chuyến phà và tàu đổ bộ cỡ lớn sẽ vận chuyển phương tiện từ Nga tới bán đảo, đồng thời hy vọng cầu sẽ sớm được sửa chữa. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo nó sẽ không tiếp tục bị tấn công.
"Nếu cầu Crimea tiếp tục được sử dụng cho bất kỳ mục đích quân sự nào của Nga, nó có thể vẫn nằm trong tầm ngắm của Ukraine", Paul Adams, nhà bình luận của BBC, nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, BBC, WSJ, Hill)