Với nhiều quốc gia phương Tây, phong tỏa lâu dài không còn được xem là giải pháp hữu hiệu chống Covid-19, bởi cách làm này có thể gây ra thiệt hại kinh tế lớn. Thay vào đó, không ít nước chọn mở cửa và đặt cược vào chiến dịch tiêm chủng, với hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng khi 70-80% dân số tiêm vaccine.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Anh Thi, chuyên gia năng lượng và môi trường tại vùng đô thị Vancouver, Canada, sự xuất hiện và khả năng lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta đã làm thay đổi tính toán của nhiều nước về mức độ đạt miễn dịch cộng đồng.
Ông Thi, người từng tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế và thường xuyên nghiên cứu về Covid-19 cũng như các tác động của đại dịch với môi trường - xã hội, cho hay miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào ba yếu tố, gồm hệ số lây nhiễm cơ bản (R0), tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine (T) và hiệu quả vaccine (Ve).
Hệ số lây nhiễm thực (Rt) trong cộng đồng được tính bằng công thức: Rt = R0 x (1 - T x Ve). Công thức này được giáo sư, bác sĩ Ellie Murray, nhà dịch tễ học của Đại học Boston, đưa ra hồi tháng 8, nhằm lý giải việc chủng Delta vẫn lây lan ở Mỹ và những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.
"Miễn dịch cộng đồng đạt được khi hệ số lây nhiễm thực (Rt) nhỏ hơn hoặc bằng 1, nghĩa là một người bị nhiễm virus sẽ lây cho tối đa là một người khác", ông Thi chia sẻ với VnExpress.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), chủng nCoV gốc có hệ số R0 trung bình là 2,5. Với vaccine có hiệu quả trung bình là 85%, khi áp dụng công thức trên, tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine phải đạt khoảng 71% để hệ số Rt giảm xuống dưới 1, giúp đạt miễn dịch cộng đồng.
Nhưng cách ước tính trên không còn giá trị với chủng Delta, ông Thi cho hay, khi CDC cho biết hệ số R0 của chủng này trung bình là 7,5. Khi các nước sử dụng loại vaccine có hiệu quả 95% tiêm đầy đủ cho 70% dân số, hệ số Rt vẫn là 2,5. "Điều này đồng nghĩa một người nhiễm vẫn có thể lây cho 2,5 người khác", ông Thi nhận định.
Theo ông, điều này có thể thấy rõ ở Canada, nơi đã tiêm chủng đầy đủ cho 69,9% dân số tính đến ngày 24/9 nhưng chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng.
Canada chủ yếu sử dụng những loại vaccine được đánh giá có hiệu quả cao, như Pfizer (chiếm 67%), Moderna (chiếm 28%) và AstraZeneca (chiếm 5%). Tuy nhiên, tỷ lệ ca nhiễm mới trung bình hai tuần hiện là 160/100.000 dân. Mỗi ngày, Canada ghi nhận trung bình hơn 4.100 ca nCoV mới.
Chuyên gia người Việt nhận định do mức độ lây lan của chủng Delta quá cao khiến hệ số Rt không thể xuống dưới 1, nên việc sống chung với Covid-19 là xu hướng tất yếu. "Miễn dịch cộng đồng là một mục tiêu khá xa vời, dù vaccine được chứng minh là giải pháp quan trọng để giảm số ca nhiễm, nhập viện và tử vong", ông nói.
Trong một bài viết trên National Post hồi tháng 7, Rodney Russell, giáo sư virus học và miễn dịch học tại Đại học Memorial ở Newfoundland, Canada, cho rằng phong tỏa không phải là cách bền vững để ứng phó với chủng Delta, bởi các hoạt động kinh tế vẫn phải tiếp tục. "Chúng ta phải chấp nhận rằng Covid-19 giờ đây là một phần của thế giới và phải đối phó với nó bằng cách tốt nhất, nhưng không thể cứ phong tỏa mãi", Russell viết.
Tiến sĩ Jennifer Russell, quan chức phụ trách lĩnh vực y tế của tỉnh New Brunswick, Canada, cho hay các địa phương ở nước này đang chuyển trạng thái từ "đại dịch" sang "thích ứng với đại dịch". "Điều này đồng nghĩa Covid-19 sẽ là một phần trong cuộc sống bình thường của chúng ta, có thể trở thành một căn bệnh hô hấp theo mùa, nhưng không gây tử vong cao", Russell nói.
Tuy nhiên, ông Thi nhấn mạnh cách tiếp cận "sống chung với Covid" này phải kết hợp với nhiều biện pháp y tế cộng đồng như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, khử khuẩn... ngay cả khi đã tiêm vaccine.
"Nói cách khác, đó là cách chúng ta sống chung với virus ngay cả khi được tiêm đủ vaccine", ông cho hay. "Đây cũng chính là một trong các biện pháp được Canada áp dụng để vận hành cuộc sống theo cách 'bình thường mới' ngay cả trước khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu".
Từ năm ngoái, giới chức tỉnh bang Bristish Columbia đã ban hành hướng dẫn an toàn Covid-19 cho khối bệnh viện, trường học, siêu thị, nhà xưởng, văn phòng, nhà hàng hay cơ sở lưu trú để đảm bảo vận hành theo cách bình thường mới. Các hướng dẫn này dựa trên nguyên tắc 3C cần tránh, gồm Close contact (tiếp xúc gần), Crowded (nơi đông đúc) và Closed spaces (không gian kín).
"Đó là cách Canada sống chung với virus", ông Thi chia sẻ, thêm rằng Canada đã mở cửa khi gần 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ, nhưng nước này không thả cửa với Covid-19 vì mối nguy từ chủng Delta vẫn hiện hữu.
Tiến sĩ David Naylor, đồng chủ tịch nhóm chuyên trách chống Covid-19 của chính phủ Canada, hồi tháng 7 cũng cho rằng do mức độ lây lan nhanh của biến chủng Delta, "chúng ta cần phải phủ vaccine ở mức độ cực cao, tới 90%, để Covid-19 giảm dần ở các địa phương". Ông dự đoán Canada sẽ chứng kiến một số đợt bùng phát nhỏ, thậm chí có thể hứng chịu làn sóng thứ 4 trong mùa đông.
"Nhưng sẽ không có các đợt sóng lớn trong mùa thu và mùa đông 2021, nên tôi cho rằng chúng ta sẽ hướng tới một trạng thái cân bằng, nơi chúng ta sống chung với Covid-19 như với cúm mùa", Naylor nói. "Cũng như với cúm, chúng ta có thể chứng kiến một vài tuần khi Covid-19 lây lan nhanh, gây bệnh nhẹ ở hầu hết người bị nhiễm, nhưng vẫn có thể khiến một số cá nhân dễ tổn thương bị ốm nặng hay tử vong".
"Chúng ta phải sống với thực tế không mấy vui vẻ đó và đây có thể là cách đại dịch Covid-19 chấm dứt", ông nói thêm.
Bên cạnh duy trì các biện pháp y tế cộng đồng để sống chung an toàn với Covid-19, giới chức Canada cũng tìm cách giải bài toán an sinh xã hội giữa đại dịch với mô hình ngân hàng thực phẩm.
"Ngân hàng thực phẩm là tổ chức phi lợi nhuận đóng vai trò trung gian, nhận thực phẩm từ các nhà hảo tâm để phân phối cho những người cần giúp đỡ", ông Thi cho hay.
Ngân hàng thực phẩm là mô hình xuất hiện ở nhiều quốc gia trên khắp toàn cầu, từ châu Mỹ cho tới châu Á. Mọi người có thể quyên góp qua các thùng gom thực phẩm đặt ở siêu thị, khu mua sắm hoặc mang trực tiếp đến địa điểm tiếp nhận. Sau đó, bất kỳ ai có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp ngân hàng thực phẩm để lấy đồ mang về.
"Tại Canada, chính quyền liên bang và tỉnh bang cũng thường xuyên đóng góp ngân sách cho ngân hàng thực phẩm", ông nói. "Được tiếp cận nguồn thực phẩm hỗ trợ thường xuyên, những người nghèo, thất nghiệp không còn phải bất chấp mọi thứ để ra đường giữa lúc dịch bệnh dù chưa được tiêm vaccine".
Thanh Tâm