80% người dân đủ điều kiện tiêm chủng từ 12 tuổi trở lên ở Canada đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi 57% hoàn thành tiêm chủng, theo tiến sĩ Howard Njoo, phó giám đốc y tế công cộng Canada. Nếu tính trên tổng dân số khoảng 38 triệu người của Canada, tỷ lệ tiêm một mũi và đủ liều lần lượt là 70,3% và 50,7%. Trong khi đó tại Mỹ, quốc gia láng giềng có chiến dịch tiêm chủng sớm với nguồn cung dồi dào, tỷ lệ này là 55,7% và 48,3%, theo Our World in Data.
Tại cuộc họp báo ngày 20/7, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tiếp tục thúc giục người dân tiêm chủng. "Chúng ta sẽ tiếp tục sống chung với Covid-19 cho tới khi xóa sổ được nó. Điều đó đồng nghĩa Canada tiếp tục ghi nhận ca nhiễm trong những tháng tới. Và những trường hợp đó chủ yếu rơi vào những người chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm mũi hai", ông nói.
Tỷ lệ tiêm chủng cao dường như đã giúp Canada hái được quả ngọt. Sau đợt tăng mạnh ca nhiễm hồi mùa xuân, Canada tuần trước chỉ báo cáo khoảng 3.000 ca nCoV mới, mức thấp chưa từng thấy kể từ mùa hè năm ngoái.
Thủ tướng Trudeau cuối tuần trước cho biết Canada dự kiến bắt đầu mở cửa đối với công dân, thường trú nhân Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ từ giữa tháng 8 và du khách quốc tế từ tháng 9. Canada gần như hạn chế tất cả hoạt động đi lại không thiết yếu kể từ tháng 3/2020.
Nhìn vào những kết quả mà Canada đã đạt được, ít ai nghĩ rằng quốc gia này từng có khởi đầu chiến dịch tiêm chủng khá chậm chạp và khó khăn. Trong bốn tháng đầu năm nay, Canada ngập trong những bình luận tiêu cực trên báo chí, các phiên chất vấn tại quốc hội liên quan tới chiến dịch triển khai tiêm chủng chậm trễ và thất bại chống Covid-19 của chính quyền liên bang. Cho tới giữa tháng 5, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của Canada chỉ khoảng 3%.
Vậy điều gì đã làm nên thành công chiến dịch tiêm chủng của Canada?
Sau nhiều tháng quan sát việc triển khai vaccine trên thế giới, nhà nghiên cứu người Mỹ Eric Topol cho rằng một trong những yếu tố đầu tiên thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng của Canada là nhờ "văn hóa" nước này. Topol cho biết người Canada có xu hướng dựa trên cơ sở khoa học và ít do dự với vaccine hơn.
Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố kết hợp để đưa Canada vào nhóm nước tốp đầu về tiêm chủng liều đầu tiên, thậm chí vượt qua cả Israel và Anh.
"Không có phép màu nào ở đây cả", tiến sĩ Isaac Bogoch, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và thành viên đội tiêm chủng vaccine Covid-19 của tỉnh bang Ontario, nói. "Đây là nỗ lực tập thể từ cấp liên bang, tỉnh và địa phương. Chúng tôi có năng lực ấn tượng để triển khai tiêm chủng nhanh trên cả nước".
Bogoch thêm rằng thành công tiêm chủng của Canada một phần nhờ nỗ lực mua vaccine của chính quyền liên bang. "Thật may, chúng tôi thực sự đã có hàng triệu liều vaccine", ông nói.
Chuẩn tướng Krista Brodie, người giám sát phân phối vaccine của Canada, cho biết nước này sẽ có tổng cộng 63 triệu liều vaccine, sau khi 7,1 triệu liều mới được chuyển đến trong tuần này. Giới chức Canada cho biết con số này đủ giúp tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người dân đủ điều kiện.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng trước, vấn đề nguồn cung gặp khó khăn khiến chiến dịch tiêm chủng của Canada vấp nhiều trở ngại. Quốc gia Bắc Mỹ phải phụ thuộc vào nguồn vaccine từ các nước như Mỹ và Anh, song đã nhanh chóng xoay xở để giành được các thỏa thuận mua vaccine.
"Tôi nghĩ trong một trận chiến dài hơi, Canada đã làm khá tốt", Jason Kindrachuk, phó giáo sư tại Đại học Manitoba, nói.
Kindrachuk thêm rằng tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh trong thời gian ngắn là do các tỉnh bang của Canada có thể giải quyết các rào cản hậu cần liên quan tới phân phối và triển khai vaccine, gồm cả khoảng cách giữa các khu dân cư.
Trong khi đó, tiến sĩ Ross Upshur của Trường Y tế Cộng đồng Dalla Lana thuộc Đại học Toronto, cho rằng chìa khóa của Canada nằm ở những gì mà ông mô tả là "quy mô thực sự ấn tượng".
"Mọi người kéo nhau lại và nói 'hãy tiêm chủng cho nhiều người trong thời gian nhanh nhất có thể'", ông cho hay, lưu ý rằng giới chức đã tăng đáng kể các điểm tiêm chủng đại trà và lưu động. "Đã có sự hợp tác tốt giữa tất cả lĩnh vực y tế, gồm y tế cộng đồng, chăm sóc lâm sàng, các nhà thuốc và các cơ sở y tế địa phương. Mọi người đều đang cố gắng".
Giới chức Canada cũng tìm cách đảm bảo không có người dân nào bị bỏ lại phía sau trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. Để đảm bảo tất cả người dân đủ điều kiện có thể tiếp cận vaccine, những nhà hoạt động như David Chapman đã được huy động.
Chapman là giám đốc điều hành Resilience Montreal, nơi tạm trú dành cho những người vô gia cư dùng chất kích thích bị từ chối vào những cơ sở khác. Nhiều người tới đây gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc nghiện ngập, khiến họ trở thành nhóm có nguy cơ nhiễm nCoV cao. Đó là lý do tiêm chủng cho những người này rất quan trọng.
Chapman luôn cố gắng thông tin cho nhân viên y tế về tình hình ở đây trước khi họ tới. Mặc dù không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận vaccine, ba điểm tiêm chủng của Resilience được coi là thành công khi giúp khoảng 150 người tiêm chủng kể từ tháng 1.
"Mục tiêu của chúng tôi là giúp tỷ lệ người vô gia cư tiêm chủng đạt mức cao nhất có thể", ông nói.
Tại Ontario, chính quyền đang cố chuyển trọng tâm từ các điểm tiêm chủng lớn sang văn phòng riêng của bác sĩ hoặc nhà thuốc để tiếp cận được nhiều người hơn. Tiến sĩ Naheed Dosani, một bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ ở Toronto, cho hay giới chức đã thay đổi chiến lược tiếp cận bằng cách đưa vaccine đến với người dân thay vì để người dân phải tự tìm đến vaccine.
Dosani cũng cho biết ông đã tận dụng các mạng xã hội như Twitter, Instagram và TikTok để chia sẻ thông tin về vaccine cho mọi người.
"Tôi luôn tin rằng chắc chắn có một tỷ lệ lớn người dân không theo dõi các cuộc họp báo được phát sóng hàng ngày", ông nói. "Việc chúng tôi truyền tải thông tin đơn giản, dễ tiếp nhận cho mọi người trên các nền tảng họ biết và yêu thích là điều rất quan trọng".
Một trong những rào cản tiêm chủng khác mà Canada đã giải quyết hiệu quả là sự ngờ vực, do dự tiêm chủng của những cộng đồng người Canada da màu. Góp sức vào nỗ lực chung này, Hiệp hội Jamaica của Montreal đã mời nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ tổ chức các buổi nói chuyện về vaccine và tác dụng của nó cho các cộng đồng của họ.
Phó chủ tịch hiệp hội Sharon Nelson cho biết tổ chức cũng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho những người không có giấy tờ cư trú ở Montreal có cơ hội tiêm chủng.
"Đó không chỉ là chuyện của người da trắng, người châu Á hay người bản địa. Chuyện này ảnh hưởng tới tất cả chúng ta và chúng ta phải chung tay giải quyết", cô nói.
Thanh Tâm (Theo CBC, Bloomberg)