"Chúng tôi đã thu được nhiều mảnh vỡ và thiết bị, trong đó có một mảnh ống phóng ngư lôi, từ vị trí cuối cùng của tàu ngầm trước khi mất liên lạc. Chúng không thể thoát ra ngoài trừ khi có tác động của áp lực nước hoặc hư hỏng ống phóng ngư lôi", tham mưu trưởng hải quân Indonesia Yudo Margono cho biết trong cuộc họp báo chiều nay.
Hải quân Indonesia đã chuyển trạng thái tìm kiếm từ "tàu ngầm mất tích" (SUBMISS) sang "tàu ngầm chìm" (SUBSINK). Điều này cho phép lực lượng cứu hộ chuẩn bị sẵn phương tiện và quy trình sơ tán y tế nếu tìm thấy người sống sót. Tuy nhiên, tham mưu trưởng Margono cho biết chưa thể xác định tình trạng của những người bên trong tàu ngầm.
Quan chức Indonesia cho biết các mảnh vỡ được tìm thấy trong bán kính 10 km quanh khu vực khoanh vùng, không có tàu bè nào đi qua đây.
"Chắc chắn thân tàu đã bị nứt vỡ khi chìm xuống độ sâu 700-800 m, khiến nước tràn vào bên trong. Tuy nhiên, vẫn có khả năng một số khu vực bị ngập nước vì thiết kế chia khoang. Nếu thủy thủ đoàn kịp đóng cửa, có thể họ sẽ không bị ngập nước", tham mưu trưởng Margono nói thêm.
Tư lệnh quân đội Indonesia Hadi Tjahjanto cho biết không có vụ nổ nào xảy ra trong quá trình tàu chìm, do thân tàu nứt dần ở một số khu vực thay vì toàn bộ phần vỏ bị nước biển ép vỡ. "Nếu có vụ nổ thì nó đã được phát hiện từ trước", ông nói.
KRI Nanggala liên lạc lần cuối với sở chỉ huy lúc 3h sáng 21/4 để xin phép lặn xuống biển, con tàu mất liên lạc hoàn toàn từ 4h30. Hải quân Indonesia ban đầu nhận định KRI Nanggala có thể đã chìm xuống 600-700 m, sâu hơn nhiều so với độ sâu an toàn của tàu.
Hy vọng giải cứu 53 người trên tàu ngầm KRI Nanggala đã tiêu tan khi lượng oxy dự trữ của nó được cho là cạn kiệt vào sáng 24/4.
Vũ Anh (Theo Reuters)