Chị Sarah Bregel, sống tại thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ đã tìm hiểu nguyên nhân và thay đổi cách nói chuyện với con.
Hồi con gái tôi học lớp hai, mỗi ngày đón cháu tan học, tôi lặp lại cùng một câu hỏi chính xác như thói quen là: "Hôm nay con thế nào?".
Câu hỏi này luôn đến sau khi con gái chào tôi, ngồi vào xe và thắt dây an toàn. Tôi không chỉ muốn biết một ngày của con mà tôi gần như nài nỉ cháu kể tất tần tật mọi chuyện xảy ra khi không có tôi bên cạnh. Tôi hy vọng sẽ nghe con nói về những hoạt động bổ ích, những trải nghiệm tuyệt vời hay cảm xúc vui thích. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào, cuộc trò chuyện luôn tắt ngấm như ngọn nến được thắp trước gió. Nó luôn diễn ra như này:
- Hôm nay con thế nào?
- Tốt ạ.
- Con đã làm gì ở trường?
- Linh tinh ấy mà mẹ.
- Con có kết bạn mới không? Con có hoạt động nào mới không? Câu lạc bộ thì sao?
- Vâng vẫn vậy. Mẹ có thể bật đài không ạ?
Cuộc trò chuyện luôn kết thúc bằng việc cháu nhỏ giọng lại, đánh trống lảng hoặc đơn giản là nhìn ra cửa sổ, tâm trí bay đến nơi khác.
Tôi rất thất vọng với phản ứng của con nhưng phải thừa nhận vấn đề nằm ở phía tôi. Tôi đã thể hiện sự quan tâm quá mức đến hoạt động của con. Thời điểm ấy, con gái tôi mới chuyển trường và tôi rất lo lắng về việc hòa nhập. Ở trường cũ, cháu không mấy thích nghi nên tôi mong muốn trường mới thực sự phù hợp.
Nhưng tôi nhận ra rằng các câu hỏi không có lời đáp. Dù con có trả lời, đó là những đáp án hời hợt, có phần chống chế chứ không phải thực sự những gì cháu nghĩ. Các câu hỏi dồn dập của tôi, khởi nguồn từ "Hôm nay con thế nào?" làm con căng thẳng. Và vì không nhận được câu trả lời như mong muốn, tôi càng lo lắng hơn, càng cố gắng can thiệp sâu hơn vào đời sống của con.
Ngoài ra, các câu hỏi của tôi thật nhàm chán. Nó nghe giống một cuộc thẩm vấn hơn là cuộc trò chuyện tâm tình giữa mẹ và con gái. Chẳng ai lại muốn trả lời những câu hỏi như vậy.
Tôi nhận ra mình cần phải bình tĩnh, "lùi lại" một chút để con chủ động tiến tới bằng cách tôn trọng con. Khi trả lời nhát gừng, con gái tôi muốn ám chỉ rằng không thích cách tiếp cận của tôi nên thay vì bực mình, tôi phải thay đổi.
Tôi hạ quyết tâm mỗi khi đón con không bao giờ hỏi "Hôm nay con thế nào?" hay những câu tương tự. Nếu muốn trò chuyện, tôi sẽ kể con nghe một ngày của mình hoặc chỉ ôm, hôn và bật những bài hát yêu thích của hai mẹ con.
Ngay lập tức, tôi nhận thấy sự thay đổi. Sau khi tôi kể về công việc của mình hoặc khi tôi đang yên lặng lái xe, con gái tôi bắt đầu mở lời. Cháu nói về những điều muốn tôi lắng nghe như những người bạn mới, câu lạc bộ mới, thậm chí là về một số bạn nam. Và cháu không ngừng nói chuyện khi chúng tôi về đến nhà. Đôi khi cháu nài nỉ tôi ở lại trên xe cho đến khi kết thúc chuyện.
Nghe có vẻ xa cách nhưng tôi đã ngừng hỏi "Hôm nay con thế nào?". Tôi cảm thấy con gái muốn cởi mở với mình từ lâu nhưng không thích cách tiếp cận đầy tính chất vấn. Tôi cũng dặn chồng làm như vậy. Cả hai chúng tôi thống nhất con gái nói chuyện cởi mở hơn nếu chúng tôi cưỡng lại ý tưởng chất vấn con.
Tôi không có ý khuyên mọi người nên phớt lờ con, không quan tâm đến cuộc sống của con. Thay vào đó, bạn có thể đổi phương pháp đặt câu hỏi hoặc chủ động cởi mở từ phía mình trước. Điều này sẽ dẫn lối con đến với chúng ta thật tự nhiên, không gượng ép.
Chiến thuật tuy đơn giản nhưng không dễ áp dụng này đã mang lại hiệu quả tích cực cho con gái tôi. Bây giờ, cháu sẵn sàng nói những gì mình nghĩ với tôi và tôi không phải chạy theo con để tìm đáp án.
Tú Anh (Theo Motherly)