Trang Empowering Parents chia sẻ bốn sai lầm của người lớn làm hại tới con trẻ.
1. Nói xấu người khác
Đôi khi cuộc sống thật căng thẳng với biết bao điều khó chịu xoay quanh bạn như sếp hay nổi cáu, hàng xóm làm phiền, thành viên trong gia đình không hòa thuận. Thái độ của bạn đối với mọi người sẽ là tấm gương để con học tập. Nếu bạn nói xấu hay đối xử thiếu tôn trọng với người khác, trẻ sẽ làm theo.
Chẳng hạn, nếu bạn thường xuyên chê bai cô gái hàng xóm, con bạn có thể nảy sinh ác cảm hoặc thái độ coi thường người này vì bị ảnh hưởng bởi thái độ tiêu cực của bạn. Nếu gặp cô hàng xóm trên đường, các bé sẽ có hành động thiếu tôn trọng như phớt lờ, nhìn chằm chằm, không chào hỏi.
Bởi vậy, bố mẹ nên làm gương bằng các hành động tử tế, thể hiện sự tôn trọng người khác. Ngay khi trẻ trông không quan tâm đến hành động hay lời nói của bạn, thực chất các bé vẫn đang dõi theo. Bạn nên hướng dẫn con cách thể hiện sự tôn trọng người khác.
2. Theo phe của con
Nếu con chê bai giáo viên vì giao nhiều bài tập về nhà, bạn sẽ bày tỏ quan điểm ra sao? Liệu bạn có chỉ trích giáo viên vì đã cho nhiều bài tập, cùng con nói lời không tốt đẹp và cho phép con làm thiếu bài?
Nếu vậy bạn đang vô tình tiếp tay cho trẻ thể hiện những hành vi thiếu tôn trọng người khác. Bạn đang dạy con không cần lễ phép với những người có quan điểm trái chiều hoặc làm con không vui. Trẻ có thể hiểu rằng nếu nghĩ ai đó sai, bản thân có quyền hành xử thô lỗ.
Trong trường hợp trên, dù cảm thấy giáo viên sai, bạn không nên để con hành xử thiếu tôn trọng như vậy, càng không nên đồng tình với hành động của con. Bạn không nên đánh giá ai đúng ai sai mà nên khuyến khích trẻ tìm ra phương pháp giải quyết cho các vấn đề có tính mâu thuẫn.
3. Phớt lờ hành vi tốt
Khi thấy con vô lễ với người khác, phụ huynh sẽ nghĩ ngay đến việc chấn chỉnh. Bạn có thể mắng, phạt, giải thích cho con hiểu những hành vi sai này. Tuy nhiên, đôi khi việc liên tục bị sửa sai sẽ tạo nên sự bất mãn.
Nếu bạn chỉ nhìn thấy những hành vi xấu của con và thảo luận về điều đó, trẻ sẽ cảm thấy bản thân kém cỏi, ngừng cố gắng hoặc phản kháng bằng cách hành động tiêu cực. Trường hợp này, trẻ có thể càng gia tăng các hành vi thiếu tôn trọng người khác.
Giống như người lớn, trẻ em cũng thích được khen ngợi để tiếp tục cố gắng và hoàn thiện bản thân. Thay vì chỉ chú ý đến hành vi sai, bạn nên khen ngợi con vì những hành vi tốt như là khoanh tay chào người lớn, đặt câu hỏi có chủ ngữ. Khen ngợi cũng là cách hướng dẫn con học cách tôn trọng người khác.
Ví dụ, khi trẻ khoanh tay chào ông bà, bạn có thể nói: "Mẹ thấy con đứng lại chào ông bà thay vì chạy thẳng vào nhà như mọi khi. Điều đó rất là tuyệt. Mẹ thực sự rất vui khi thấy con lễ phép với ông bà".
4. Phản ứng thái quá
Khi bố mẹ và con cái xảy ra mâu thuẫn, một số trẻ có hành vi xấu như đảo mắt, bỏ về phòng đóng sầm cửa, bĩu môi. Đó là phản ứng thường thấy ở trẻ khi muốn bày tỏ thái độ bất bình với bố mẹ nhưng không diễn đạt bằng ngôn từ.
Những hành động này sẽ khiến bố mẹ rất không hài lòng, cảm thấy con không tôn trọng mình, từ đó càng tức giận và quát mắng con nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải mọi thái độ này đều thể hiện sự tôn trọng mà có thể trẻ đang muốn bộc phát cơn giận.
Trường hợp thấy con đảo mắt, bĩu môi, bỏ về phòng, cố tình đóng cửa mạnh, bạn không nên liệt kê tất cả để mắng, chỉ trích. Hãy chọn một hành động khiến bạn thấy khó chịu nhất, ví dụ bỏ về phòng để nói về việc thiếu tôn trọng. Với các hành vi còn lại, hãy đợi đến lúc bình tĩnh để thảo luận cùng con.
Tú Anh (Theo Empowering Parents)