Khi trẻ trong một nhà cãi, đánh nhau, bố mẹ thường la mắng, tách các bé ra và yêu cầu xin lỗi. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì quát nạt, chúng ta khuyến khích các con trò chuyện, thảo luận vấn đề?
Trước đây, khi thấy hai con trai 5 và 7 tuổi cãi nhau ỏm tỏi, thậm chí xông vào đánh nhau, tôi rất bối rối và tức giận. Tôi đã hét lên yêu cầu tất cả dừng lại. Nếu không, tôi phải đứng ra làm trọng tài phán xử mà quyết định của tôi thường khiến đứa hả hê, đứa không. Vì chưa phục, chúng tiếp tục cự cãi qua lại đến mệt cũng không thôi.
Tôi đã chán những màn đấu đá của các con nhưng không biết làm thế nào để giải quyết tường tận vấn đề. Một ngày nọ, tôi tự hỏi, liệu mình có thể biến những xung đột này thành bài học tích cực, ý nghĩa hay không? Nghĩ là làm, tôi thử tìm kiếm lời khuyên, hướng giải quyết của các chuyên gia.
Tiến sĩ Michael Zito, nhà tâm lý học sống tại Mỹ, cho biết trẻ em có thể học hỏi từ việc giải quyết xung đột nếu nằm trong tầm kiểm soát. Ví dụ, một đứa trẻ 6 tuổi khó có thể đối phó với những kẻ bắt nạt tại trường học nhưng biết cách thương lượng với anh chị em trong nhà.
Việc bắt các cháu xin lỗi trong khi chưa hiểu rõ bản thân sai ở đâu sẽ không thể giải quyết triệt để xung đột. "Khi thấy các con xích mích, bố mẹ có thể đặt câu hỏi điều kiện để thúc đẩy các bé tự giải quyết xung đột", tiến sĩ Zito nói.
Theo tôi hiểu, ý tưởng của tiến sĩ là chuyển sự chú ý của trẻ khỏi sự tức giận cá nhân để xem xét gốc rễ của cảm xúc tiêu cực, đồng thời khuyến khích các bé quan tâm đến cảm nhận, suy nghĩ của anh chị em.
Tôi đã thử phương pháp này với hai con trai. Đầu tiên, khi thấy các con cãi nhau, tôi không la mắng, không đuổi con về phòng riêng để tự suy nghĩ. Tôi đặt một số câu hỏi về cuộc cãi vã để hướng sự chú ý của các con về phía mình. Ban đầu, khi tôi hỏi, các cháu không quan tâm đến, chỉ mãi cự cãi hoặc vung tay vung chân.
Sau một vài lần như vậy, những đứa trẻ bắt đầu nhận ra điểm kỳ lạ là tôi không còn quát lên, đuổi về phòng, tôi đang cố nói gì đó. Vậy nên các cháu thử lắng nghe câu hỏi của tôi. Vừa giải thích, các cháu vừa nói nhõng nhẽo "nhưng bố ơi" để bào chữa cho mình, đổ tội cho anh em. Lâu dần, các cháu chuyển sang lắng nghe lời nói của nhau, bày tỏ suy nghĩ và quên mất vụ ẩu đả. Có những lúc các cháu nhanh chóng làm hòa, cũng có lúc vẫn chưa cảm thấy thỏa đáng nhưng không còn la hét hay đánh đấm nữa.
Ví dụ, hai cháu đang chơi lego, em nhỏ vô tình đánh sập tháp lego của anh lớn nên cả hai lao vào cãi nhau. Tôi đứng giữa, quay sang con trai nhỏ và hỏi: "Con có vui không nếu ai đó làm đổ tháp lego của con?". Nhưng tôi không muốn con nghĩ rằng tôi đang đổ lỗi nên hỏi tiếp: "Nếu con muốn anh chơi với con, con nên làm gì để anh hiểu nhỉ?". Và nó thực sự hoạt động. Em nhỏ quay sang xin lỗi anh lớn trong khi anh lớn rủ em cùng xây lại tháp.
Tôi phải thừa nhận rằng phương pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Tôi không thể biến mọi cuộc tranh cãi của con thành tình huống để thảo luận. Ví dụ thời điểm cãi nhau lúc 9h tối khi tôi đã mệt lử, chỉ muốn các con đi ngủ, không thể phân tích cho từng cháu. Cũng không phải lúc nào các con tôi cũng hiểu ý nhau và chịu giảng hòa. Nhưng mỗi khi có cơ hội, tôi đều cố gắng sử dụng phương pháp này.
Mâu thuẫn là cơ hội để phát triển kỹ năng sống. Tôi hy vọng con hiểu rằng, trong khi xung đột không thể tránh khỏi, nó có thể mang lại nhiều bài học hơn là tổn thương và làm tổn thương người khác. Mâu thuẫn giúp hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề, nghệ thuật thương lượng, chấp nhận và tôn trọng quan điểm khác biệt của mọi người xung quanh.
Tú Anh (Theo Parents)