Mỗi lần đến quán, cụ bà đều được nhân viên giúp đỡ nhiệt tình. Người thì bật máy tính, người tìm phim truyền hình cụ yêu thích rồi mở hết màn hình xem cho rõ. Hôm ít nhất cụ bà ngồi hết buổi sáng, có hôm ngồi cả ngày.
Thời gian đầu, chủ quán Internet ngạc nhiên vì sự xuất hiện thường xuyên của người phụ nữ lớn tuổi này. "Tôi nghĩ cụ ham vui, muốn trải nghiệm cảm giác công nghệ vượt trội nên mới đến liên tục như vậy", người chủ nói. Nhưng sau khi hỏi thăm, ông hiểu nguyên nhân không phải vậy.
Hóa ra, nhà cụ bà thuộc lại khá giả, có tivi màn hình lớn nhưng không ai ở nhà. Con cháu làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về thăm nên cụ thèm nghe tiếng nói của mọi người. "Ở quán có nhiều người qua lại, đem đến cảm giác ấm áp, có hơi người hơn", cụ bà giải thích.
Câu chuyện về cụ bà sau đó được lan truyền khiến nhiều người xúc động. Có người nói hẳn cụ rất cô đơn nên mới tìm đến một nơi công cộng để gần gũi mọi người, cho dù thân quen hay xa lạ. Người khác bình luận, khi đọc tin họ đã rơi nước mắt và muốn ngay lập tức về thăm bố mẹ, ông bà mình.
"Dù cuộc sống vật chất đầy đủ đến đâu, người già vẫn cô đơn khi không có bạn đời, con cái bên cạnh quan tâm, chia sẻ. Bởi vậy, những ai còn cha mẹ, ông bà hãy cố gắng dành thời gian cho họ, bởi sẽ có ngày chuyến tàu đời người dừng lại, muốn gặp cũng chẳng được. Lúc đó hối hận không kịp nữa rồi", một người dùng mạng viết.
Tại Trung Quốc, nhiều người già vẫn phải sống trong cảnh cô đơn, không con cái ở bên và không được bảo vệ, dù năm 2013 chính phủ nước này ban hành luật bắt buộc con cái phải thăm hỏi cha mẹ thường xuyên.
Năm 2019, một cụ ông 67 tuổi không người thân thích tại Bảo Sơn, Thượng Hải, qua đời tại nhà mà không ai biết, cho tới khi thi thể ông phân hủy, dù cửa nhà không bao giờ khóa. Trước đó một tháng, một cụ bà ngoài 70 sống một mình tại Nam Kinh được phát hiện chết bên cạnh bồn tắm khi một nhân viên công tác xã hội tới thăm theo lịch.
Hai trường hợp này đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc, nơi những người cao tuổi theo truyền thống thường sống cùng và được con cháu chăm sóc. Hiện chưa có con số chính thức về số người già sống neo đơn tại Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần xem xét tới nhu cầu của nhóm người này khi dân số già hóa.
Hiện Trung Quốc có 255 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 17,8% tổng dân số. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, như tuổi thọ của người dân cao hơn, trong khi chính sách một con và những thay đổi về kinh tế khiến tỷ lệ sinh thấp hơn. Các chuyên gia cho biết gần một nửa số người già Trung Quốc trên 60 tuổi không có con cái hoặc không sống cùng các con.
Vy Trang (Theo ettoday)