Đầu tháng 12, The Information đưa tin,năm 216, Apple đã ký một thỏa thuận bí mật, ước tính trị giá 275 tỷ USD, để được kinh doanh ổn định tại Trung Quốc. Ngày 29/12, trang này tiếp tục đưa ra báo cáo chi tiết mới, cho thấy Apple sẵn sàng chuyển bớt đơn hàng từ đối tác lâu năm sang các công ty ở đại lục.
Apple hiện phụ thuộc vào nhiều công ty Đài Loan. Các đối tác lắp ráp của họ có Foxconn, Wistron và Pegatron. Trong khi đó, TSMC đảm nhận sản xuất các loại chip dùng trên sản phẩm của hãng.
Tuy nhiên, báo cáo mới tiết lộ, kể từ khi thoả thuận 275 tỷ USD được ký kết, Apple đã bắt đầu chuyển sang đặt hàng lắp ráp đối với nhiều đối tác chuỗi cung ứng có trụ sở tại Trung Quốc hơn. Năm 2017, công ty đã rút một số đơn hàng từ Foxconn và giao chúng cho Luxshare. Nhờ đó, vị thế của Luxshare được nâng cao trên chuỗi cung ứng. Trước đó, công ty Trung Quốc chỉ đảm nhiệm lắp ráp một số thành phẩm nhỏ và xử lý bao bì.
"Bước ngoặt đến với Luxshare vào 2017, khi nhận đơn hàng lắp ráp AirPods. Trước đó, Apple chủ yếu ký hợp đồng với Inventec - có trụ sở tại Đài Loan - để sản xuất tai nghe này. AirPods cũng là hợp đồng lắp ráp lớn đầu tiên Luxshare thực hiện cho Apple, đưa họ vượt lên các đối tác chuyên xử lý, đóng gói và vận chuyển hàng hóa thành phẩm trước đó", báo cáo có đoạn.
Việc Apple chuyển nhiều hoạt động kinh doanh hơn sang các công ty ở Trung Quốc đại lục là một phần của cam kết mà Tim Cook, CEO Apple, đối với chính phủ nước này. Trong đó, Apple đảm bảo mở rộng ngành công nghệ trong nước, tạo ra các công nghệ sản xuất tiên tiến, sử dụng nhiều linh kiện từ nhà cung cấp ở nước này, ưu tiên ký hợp đồng với các công ty phần mềm bản địa, đầu tư trực tiếp vào công ty công nghệ Trung Quốc... Apple cũng bắt tay nghiên cứu với các trường đại học và đào tạo nhân lực lành nghề cho nước này.
Báo cáo cho biết, trong 10 năm qua, Apple đã cử các kỹ sư đến làm việc với nhiều công ty khác nhau có trụ sở tại Trung Quốc, giúp họ học cách lắp ráp sản phẩm của mình. Công ty iPhone cũng "nhận thức sâu sắc" rằng họ cần phải duy trì danh tiếng nhất định tại Trung Quốc, nhất là khi nước này đang tạo ra 20% doanh thu và là thị trường lớn thứ hai của hãng sau Mỹ.
Dù vậy, Apple cũng biết rằng việc thay thế Foxconn bằng Luxshare để sản xuất iPhone là bước đi mạo hiểm, do quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn còn nhiều biến động. Nhưng cuối cùng, họ vẫn đặt niềm tin vào Luxshare.
Trung Quốc muốn Apple hỗ trợ các công ty như Luxshare
Theo The Information, trong biên bản ghi nhớ mà Cook ký với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, Apple đã nhận được một số quyền miễn trừ nhất định đối với các quy định trong nước. Đổi lại, công ty sẽ giúp Trung Quốc phát triển "các công nghệ sản xuất tiên tiến nhất".
Năm 2020, Reuters cho biết Luxshare có mức tăng trưởng nhanh và chính phủ Trung Quốc có tác động lớn phía sau. "Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình, và Luxshare phù hợp với chính sách của nhà nước", một nguồn tin tiết lộ khi đó.
Luxshare, trụ sở tại Đông Quan, là nhà sản xuất hợp đồng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong số các nhà cung ứng của Apple về danh mục sản phẩm. Công ty từ một nhà cung cấp nhỏ trong chuỗi cung ứng của Apple năm 2011 đã trở thành nhà cung cấp và lắp ráp linh kiện quan trọng nhất tại Trung Quốc cho dòng tai nghe AirPods, Apple Watch và iPhone 13. Ngoài ra, công ty cũng có nhà máy đặt tại Việt Nam và Ấn Độ, chủ yếu sản xuất linh kiện và lắp ráp AirPods.
Mới đây, Luxshare xây dựng khu phức hợp rộng tương đương 40 sân bóng đá ở Côn Sơn với mục tiêu lắp ráp hàng triệu iPhone năm tới. Theo Nikkei Asia, quy mô dự án không chỉ thể hiện tham vọng của Luxshare với Apple, mà còn cho thấy sự mạnh tay của chính quyền Trung Quốc trong việc biến các doanh nghiệp bản địa thành điểm đến gia công hàng đầu.
Bảo Lâm tổng hợp