Ngày 17/12, nhiều tài khoản công nghệ trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, dẫn lại tin "Foxconn xác nhận việc dời nhà máy sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple". Thông tin này thu hút hàng triệu lượt quan tâm và hàng nghìn bình luận.
Theo các nguồn tin quốc tế, một phần dây chuyền Foxconn chuyển sang Việt Nam sẽ sản xuất iPad và Macbook. Các nhà máy này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021. Foxconn cũng công bố khoản đầu tư mới, trị giá 270 triệu USD vào Việt Nam.
"Không có gì ngạc nhiên nếu Foxconn đồng ý chuyển đến Việt Nam theo yêu cầu của Apple. Nhưng họ không thể chuyển tất cả nhà máy, Tim Cook hiểu rằng iPhone vẫn phải được sản xuất ở Trung Quốc. Chúng ta không cần phải quá lo lắng", trang tin công nghệ Ximu viết.
Trong phần bình luận, nhiều ý kiến cho rằng Foxconn có thể rời đi nếu họ muốn. Người Trung Quốc sẽ làm ra những sản phẩm của Trung Quốc. "Nếu không làm việc trong nhà máy của Foxconn, công nhân sẽ phục vụ Huawei, Oppo, Xiaomi. Trong vài năm trở lại đây, các thương hiệu nội địa đã phát triển rất mạnh", người dùng Zou ZheZhe bình luận.
Tuy nhiên, một số người khác không đồng ý. Họ cho rằng trong nhiều năm, các nhà máy của Foxconn đã tạo ra số lượng việc làm khổng lồ cho các địa phương. Bình luận của tài khoản Wang Xiaoer nhận được nhiều lượt đồng tình: "Nếu họ chuyển nhà máy, nhiều người sẽ thất nghiệp. Các dây truyền sản xuất của Huawei, Xiaomi không thể tuyển cùng lúc quá nhiều lao động. Sẽ có một cuộc khủng hoảng nhân công nếu Apple rời đi".
Một số người khác cho rằng giá nhân công ở Trung Quốc đã tăng vài năm trở lại đây, cùng với đó là những chính sách hạn chế từ thương chiến Mỹ - Trung. Tất cả đã tác động không nhỏ đến quyết định của các công ty công nghệ quốc tế. "Máy móc và tiến bộ khoa học công nghệ đã xoá nhoà nhiều ranh giới. Người Ấn Độ, Việt Nam cũng sản xuất được thiết bị công nghệ cao nhờ dây chuyền tự động hóa. Không chỉ là vấn đề nhân công rẻ hay đắt. Nó còn liên quan đến các chính sách ưu đãi của địa phương. Các công ty cũng cần một môi trường trung gian, ổn định để phát triển lâu dài", người dùng Xiao Wanbin viết.
Một số ý kiến cho rằng họ sẽ tẩy chay Apple nếu thiết bị của hãng không còn sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên ngay sau đó, một số người đã dẫn lại các bài báo thống kê về đơn hàng iPhone 12 cao kỷ lục ở nước này, bất chấp những làn sóng kêu gọi tẩy chay trước đó.
Kim Cương