Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 16/3 công bố tài liệu có tên "Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh", vạch ra các chính sách an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước thời hậu Brexit, nhằm xác định vị thế của nước này trong một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, hợp tác và thương mại tự do.
Chia sẻ với VnExpress, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết tài liệu đã đưa ra tầm nhìn của chính phủ về vai trò của Anh trên sân khấu quốc tế tới năm 2030, cũng như hợp tác với các nước để đảm bảo quốc gia này "mạnh mẽ, an toàn và thịnh vượng hơn" trong kỷ nguyên cạnh tranh hiện nay.
"Xoay trục" về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một trong những điểm nổi bật của tầm nhìn chính sách Anh hậu Brexit.
"Khu vực này rất quan trọng đối với nền kinh tế, an ninh và mục tiêu hỗ trợ các xã hội mở cửa của chúng tôi. Ít nhất 1,7 triệu công dân Anh đang sinh sống ở khu vực và các mối quan hệ thương mại của chúng tôi ở đây ngày một phát triển", Đại sứ Gareth Ward nói về tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Anh.
Theo Đại sứ Ward, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là "đầu tàu tăng trưởng của thế giới", khi chiếm tới 40% GDP toàn cầu, sở hữu một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất, tiên phong trong các thỏa thuận toàn cầu mới. Khu vực này cũng chiếm tới 17,5% thương mại toàn cầu của Anh và khoảng 10% tiền đầu tư nước ngoài trực tiếp.
"Brexit buộc Anh phải đa dạng hóa các đối tác kinh tế và sự trỗi dậy của châu Á là điều có lợi đối với nhiều công ty Anh. Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam là những nơi ở châu Á đã có thể kiểm soát dịch và dự kiến phục hồi nhanh chóng. Điều này sẽ khiến khu vực thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài", Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, cho hay.
Minh chứng cho nỗ lực xoay trục về châu Á của Anh là kế hoạch thăm Ấn Độ vào cuối tháng 4 của Thủ tướng Johnson, nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay mong muốn trở thành đối tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn được nhận định là "trung tâm cạnh tranh địa chính trị và các điểm nóng của thế giới", theo Đại sứ Anh tại Việt Nam. Ông cho rằng khu vực "đang ở tuyến đầu" của những thách thức an ninh mới, từ tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết, biến đổi khí hậu, khủng bố hay tội phạm có tổ chức.
"Chúng tôi sẽ theo đuổi những cam kết sâu rộng hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để ủng hộ thịnh vượng chung và ổn định khu vực, với các mối quan hệ ngoại giao và thương mại bền chặt hơn", ông Ward nói.
Chuyên gia Pitlo III cho rằng Anh sẽ không đứng yên và bị tụt lại trong cuộc đua mở rộng mối quan hệ kinh tế ở châu Á. "Hơn nữa, một thế giới đa cực có thể tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các cường quốc truyền thống như Anh, khẳng định lại vai trò và tầm ảnh hưởng", ông nhận định.
Mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của London còn nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Thủ tướng Johnson cho biết Anh sẽ hợp tác với Trung Quốc ở các lĩnh vực có sự đồng thuận về giá trị và lợi ích, như xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn hay giải quyết các thách thức toàn cầu, gồm biến đổi khí hậu.
"Nhưng chúng tôi sẽ lên tiếng và hành động đối với các vấn đề mà chúng tôi lo ngại, như việc giam giữ hàng loạt người ở Tân Cương hay xói mòn quyền dân chủ ở Hong Kong", ông Ward nói.
Phần lớn thương mại của Anh với châu Á phụ thuộc vào vận chuyển hàng hóa qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do đó duy trì tự do hàng hải theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) trong khu vực rất quan trọng với lợi ích của Anh.
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với đối tác khu vực và sẽ tham gia nhiều hơn để hỗ trợ luật hàng hải và hợp tác hải quân trong khu vực này. Tàu sân bay mới của chúng tôi HMS Queen Elizabeth sẽ tới thăm khu vực để hợp tác với các đối tác", ông Ward cho hay.
Chuyên gia người Philippines Pito III cho rằng mối quan tâm đối với một trật tự thế giới ổn định của Anh có thể lý giải cho quyết định của Anh cùng với Pháp, Đức ra công hàm chỉ trích yêu sách "quá đáng và trái pháp luật" của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như điều tàu thực hiện quyền tự do hàng hải ở tuyến đường biển chiến lược.
Ba nước Anh, Pháp và Đức, hay còn gọi là Nhóm E3, giữa tháng 9 năm ngoái gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc nhằm phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong công hàm, ba nước nhấn mạnh UNCLOS là "khuôn khổ pháp lý" cho mọi hoạt động trên biển và cần được duy trì tính toàn vẹn.
"Chúng tôi nhận thấy rằng thịnh vượng và an ninh của các nước ASEAN, cũng như khả năng tự do phát triển không bị áp bức của họ là điều quan trọng đối với thế giới", Đại sứ Ward khẳng định.
Trong các nước ASEAN, ông Gareth Ward cho biết Anh thực sự đánh giá cao mối quan hệ với Việt Nam trong nhiều vấn đề song phương và toàn cầu.
"Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Anh năm ngoái, chúng tôi đã nâng cao tham vọng về mối quan hệ đối tác thương mại và chính trị giữa hai nước, thông qua việc ký kết Hiệp định Đối tác Chiến lược và Hiệp định Tự do Thương mại, một trong những hiệp định đầu tiên trong khối ASEAN", ông nói.
Đại sứ Ward khẳng định với báo cáo chính sách mới "xoay trục" nhiều hơn về châu Á, Anh sẽ tiếp tục hợp tác và chia sẻ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng tái tạo, Covid-19, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp 4G.
"Chúng tôi xác định Việt Nam chính là ngôi sao đang lên và là đối tác ngày càng quan trọng đối với tương lai của Anh", ông nói.
Thanh Tâm