Bác sĩ Nguyễn Trọng Trí, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết táo bón là triệu chứng thường gặp ở trẻ em, khoảng 1/3 các trường hợp diễn tiến thành mạn tính. Nhiều phụ huynh ít quan tâm các triệu chứng từ đầu cho đến khi táo bón trở thành mạn tính.
Trẻ được gọi là táo bón khi đi ngoài dưới hai lần trong một tuần, phân rắn. Trẻ táo bón thường khó chịu khi đi cầu, đau bụng cơn liên quan đi cầu, chảy máu khi đi phân cứng, đau hậu môn, căng thẳng, có hành vi nín giữ phân, trẻ cải thiện tình trạng biếng ăn khi đi được khối phân to.
Táo bón chức năng, chiếm khoảng 95% thường không có nguyên nhân bệnh lý toàn thân hoặc tại chỗ ở ruột. Táo bón bệnh lý chiếm 5%, có thể do bất thường thần kinh tại ruột, bất thường thần kinh trung ương hoặc chùm đuôi ngựa, do giải phẫu vùng hậu môn - cùng cụt hoặc các bệnh nội tiết.
Bác sĩ Trí khuyến cáo, trước khi bị táo bón, cần quan sát để nhận biết thời điểm trẻ có thể tự đi cầu một mình. Điều này không tuỳ thuộc vào số tuổi mà mỗi bé mỗi khác, không ép buộc trẻ đi cầu tự chủ khi trẻ chưa đủ năng lực. Sau khi bị táo bón, tập lại thói quen đi cầu hàng ngày, nên thực hiện vào một giờ cố định, có thể là buổi chiều tối, sau bữa ăn. Đây là thời điểm không ảnh hưởng giờ đi học, trẻ có thời gian thoải mái, thư thả hơn.
"Hướng dẫn trẻ thói quen đi cầu đúng, mông đặt vừa vặn trên bồn cầu, có thể mua thêm tấm chắn bồn cầu tạo cảm giác an toàn để trẻ không sợ đi cầu", bác sĩ Trí nói. Với toilet ngồi bệt, nên kê thêm chiếc ghế phía dưới để trẻ có tư thế ngồi xổm, đầu gối cao hơn hông, tạo thuận lợi quá trình tống phân.
Khuyến khích trẻ rặn, có chế độ khen thưởng dài hạn, chẳng hạn đi cầu đều đặn sẽ được thưởng đi siêu thị, đi công viên cuối tuần.
Theo bác sĩ Trí, trẻ táo bón cần có chế độ ăn cân bằng, uống đủ nước, ăn đủ chất xơ. Mỗi ngày, trẻ 0-6 tháng cần 700 ml nước, trẻ 7-12 tháng cần 800 ml, trẻ 1-3 tuổi cần 1.300 ml, trẻ 4-8 tuổi cần 1.700 ml. Bên cạnh nước lọc, có thể bổ sung các loại nước ép tốt cho trẻ táo bón như nước ép táo, lê, mận.
Bổ sung đủ chất xơ qua chế độ ăn với rau, trái cây, bánh mì, các loại đậu... Thực hiện nguyên tắc số 5, tức 5 bữa ăn mỗi ngày gồm 3 bữa chính có rau xào, canh, 2 bữa ăn phụ có trái cây. Không khuyến cáo sử dụng chất xơ tổng hợp trong điều trị.
Gia tăng các hoạt động thể lực không giúp giảm táo bón, chỉ cần hoạt động thể lực hàng ngày phù hợp với giai đoạn phát triển và khả năng cá nhân của trẻ. Các nghiên cứu cho đến nay chưa tìm thấy chủng probiotic đặc hiệu giúp giảm táo bón, không khuyến cáo sử dụng probiotic trong điều trị táo bón. Không cần thay đổi sữa công thức khi trẻ táo bón, không khuyến cáo đổi sữa dê, chỉ đổi sang sữa thuỷ phân hoặc sữa đậu nành khi có ý kiến chuyên gia.
Sử dụng ống bơm hậu môn kết hợp với uống thuốc trong giai đoạn ứ phân. Bơm liên tục mỗi ngày nếu không tự đi cầu. Khi trẻ tự đi cầu được, ngưng hẳn ống bơm, tiếp tục uống thuốc. Cần tránh việc chỉ dùng ống bơm, không uống thuốc hoặc lâu lâu không đi cầu được mới bơm.