Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Khoa Nội Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3, cho biết: Thuật ngữ "trí nhớ cơ bắp" (muscle memory) được các nhà khoa học nghiên cứu từ những năm đầu thế kỷ 20, khi họ tìm lời giải thích cho những hoạt động như lái xe, bơi lội có thể lặp lại dễ dàng sau một thời gian bỏ bê.
"Khi lần đầu học một vận động mới, chuyển động của cơ thể thường chậm, cứng và dễ bị gián đoạn bởi mất tập trung. Khi việc luyện tập thường xuyên trở nên trơn tru hơn, độ khéo léo của tay chân, cũng như sự phối hợp của cơ thể sẽ dễ dàng hơn mà không cần quá nhiều nỗ lực của ý thức. Đó là trí nhớ cơ bắp", bác sĩ Ngân chia sẻ.
Sự phân bố trí nhớ ở khắp các vùng trong não. Khu vực chính liên quan đến học tập vận động là tiểu não. Các hạch nền cũng đóng một vai trò quan trọng trong trí nhớ và học tập, đặc biệt liên quan đến các liên kết phản ứng kích thích và hình thành thói quen. Các kết nối tiểu não tăng lên theo thời gian khi học một nhiệm vụ vận động.
Đã có nhiều nghiên cứu ghi nhận sự suy giảm nhận thức hay sa sút trí tuệ do tổn thương mạch máu sau đột quỵ. Chức năng thực hiện các hoạt động kết hợp ví dụ như thực hiện động tác cầm và gấp đôi tờ giấy lại bị ảnh hưởng. Người bệnh ngay cả khi có cơ lực tốt, có thể khó thực hiện được các động tác cơ bản như mặc quần áo, chải răng, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Theo bác sĩ Ánh Ngân, để củng cố lại trí nhớ cơ bắp, một trong các hình thức tập luyện hiệu quả là tập theo tác vụ. Người bệnh được tập một số động tác cụ thể, lặp lại nhiều lần để củng cố sự linh hoạt và chính xác. Các nghiên cứu cho thấy sự kết nối thần kinh sẽ được tăng dần thông qua việc thực hiện lặp đi lặp lại một động tác. Đồng thời sự liên kết của tiểu não liên quan đến việc sửa lỗi động tác như động tác thô cứng, ngắt quãng giảm xuống, giúp cho hoạt động vận động được tinh nhạy.
Luyện tập "trí nhớ cơ bắp" thông qua tập theo tác vụ không chỉ thúc đẩy quá trình hồi phục ở người bệnh sa sút trí tuệ sau đột quỵ mà còn tốt cho bệnh nhân Alzheimer, bệnh nhân Parkinson hoặc các bệnh lý ảnh hưởng vận động khác.
Áp dụng tập theo tác vụ được thực hiện cho người bệnh sớm khi bác sĩ đánh giá sức cơ phù hợp. Người bệnh được hướng dẫn tập theo tác vụ để phục hồi vận động tay chân. Quá trình này cũng rèn luyện sự tập trung, kiên trì và điều khiển động tác từ thô sang tinh. Ngoài ra, người bệnh được điều trị kết hợp châm cứu, kết hợp sử dụng thuốc đông tây y để hỗ trợ quá trình hồi phục.
Bác sĩ Ngân nhấn mạnh việc đồng hành cùng người bệnh đột quỵ trong quá trình hồi phục là vô cùng quan trọng. Người bệnh nên kết hợp nhiều phương pháp điều trị, để sớm khôi phục vận động, nâng chất lượng cuộc sống.
Lê Cầm