Ung thư đại trực tràng là loại bệnh thường gặp tại Việt Nam. Nếu được phát hiện sớm, chỉ định điều trị đúng sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh. Quá trình chăm sóc sau mổ, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như chiến lược theo dõi một cách chặt chẽ sẽ mang lại chất lượng sống lạc quan hơn cho người bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Viết, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết, ung thư đại trực tràng chia ra làm 4 giai đoạn dựa trên kích thước bướu và tình trạng của bướu xâm lấn các cơ quan tại chỗ; các tế bào ung thư có chạy đến hệ hạch bạch huyết hay chưa (di căn hạch) và cuối cùng là di căn các cơ quan khác như gan, phổi (di căn xa). Bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn 1, gọi là giai đoạn sớm vả khả năng trị khỏi rất cao. Ở giai đoạn 4 là trễ nhưng nếu được điều trị đúng thì cũng chưa phải là tuyệt vọng.
Phẫu thuật ung thư đại trực tràng như thế nào
Phẫu thuật là giải pháp được chọn lựa đầu tiên để cắt bỏ đoạn ruột mang bướu ra khỏi cơ thể với một khoảng an toàn cách xa bướu. Đồng thời phải lấy hết các hạch bạch huyết đi kèm nhằm phòng tránh nguy cơ tái phát tại chỗ. Hai đầu ruột sau khi cắt sẽ được nối lại, tạo sự thông thương như đường ruột bình thường. Với những tiến bộ hiện nay, việc tái lập đường ruột có thể thực hiện một cách nhanh chóng nhờ các phương tiện khâu nối máy.
Những phương thức phẫu thuật ít xâm lấn (mổ nội soi) được áp dụng ngày càng nhiều bên cạnh các phẫu thuật thường quy khác (mổ mở). Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi chỉ có thể thực hiện được tại các bệnh viện chuyên khoa. Do đó, việc chăm sóc sau mổ sẽ được các bác sĩ đặt trọng tâm vào giảm đau sau mổ, tập vận động sớm cho bệnh nhân, tập vật lý trị liệu và chế độ dinh dưỡng. Tích cực trong chăm sóc sau mổ sẽ làm giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân từ một đến 4 ngày.
Chăm sóc sau mổ ung thư đại trực tràng có gì khác
Người bệnh sau mổ ung thư đại trực tràng được chăm sóc và theo dõi một cách chặt chẽ cũng giống như những cuộc mổ lớn khác. Phải theo dõi sát tình trạng mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở (gọi chung là các dấu hiệu sinh tồn). Duy trì dịch truyền trong vài ngày đầu sau mổ nhằm cân bằng nước, điện giải cho người bệnh. Việc giảm đau sau mổ được hỗ trợ bởi máy bơm tiêm tự động, giúp bệnh nhân tự giảm đau theo đúng liều lượng thuốc đã được tính toán.
Tập vận động sớm sau mổ
Hướng dẫn người bệnh tập vận động sớm, tập hít thở và cho bệnh nhân ăn uống trở lại sớm vào ngày thứ nhất sau mổ. Không cần thiết chờ đợi khi có nhu động ruột trở lại như quan điểm trước đây. Hạn chế đặt ống thông như ống thông mũi - dạ dày, ống thông tiểu... hay dẫn lưu chỉ đặt khi thật sự cần thiết. Các bác sĩ sẽ thăm khám bụng người bệnh mỗi ngày, sờ nắn bụng để đánh giá tình trạng của phúc mạc, theo dõi sát sự hoạt động trở lại của ruột.
Những bất lợi sau phẫu thuật ung thư trực tràng mà các bác sĩ luôn lo lắng là tình trạng xì rò miệng nối, bị dính ruột và tắc đường ruột gây chướng bụng, không đại tiện được. Những bệnh nhân béo phì, nhất là ở phụ nữ, rất dễ bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu nếu không tập vận động sớm sau mổ. Ngoài ra, những bệnh nhân lớn tuổi và đặc biệt những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính kèm theo như tim mạch hay tiểu đường sẽ góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng sau mổ.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sau mổ
Nhu cầu tăng dinh dưỡng và năng lượng giúp làm lành vết thương, chống nhiễm trùng và hồi phục sức khỏe sau cuộc mổ. Bệnh nhân suy dinh dưỡng trước mổ sẽ làm thời gian hồi phục kéo dài, vết thương chậm lành và biến chứng nhiễm trùng vết mổ là không thể tránh khỏi, do đó cần chăm sóc dinh dưỡng tích cực trước mổ.
Hơn một nửa bệnh nhân mắc các bệnh ung thư khác nhau được điều trị đầu tiên bằng phẫu thuật. Các bác sĩ có thể cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần cơ quan bị bệnh, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng ăn và tiêu hóa thức ăn. Ở những bệnh nhân phẫu thuật vùng đầu cổ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi động tác nhai, nuốt, nếm, ngửi thức ăn, và nuốt nước bọt. Khi phẫu thuật thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng thì sẽ ảnh hưởng đến sự vận chuyển thức ăn và tiêu hóa thức ăn. Một điều quan trọng không thể bỏ qua là cảm xúc căng thẳng về cuộc mổ cũng ảnh hưởng đến sự ngon miệng của người bệnh.
Liệu pháp dinh dưỡng có thể giúp làm giảm mất cân bằng dinh dưỡng do phẫu thuật gây ra, bổ sung dinh dưỡng đường uống, dinh dưỡng qua đường ruột, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, các loại thuốc làm tăng sự thèm ăn. Tránh các loại nước uống có ga và các loại thức ăn gây ra khí như đậu, đậu Hà Lan, bông cải xanh, bắp cải, củ cải, dưa chuột... Chọn thức ăn giàu protein và nhiều calo như trứng, phó mát, sữa, kem, các loại hạt, bơ đậu phộng, thịt, gia cầm, cá...
Ở những bệnh nhân bị táo bón, nên tăng thêm chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày với ngũ cốc nguyên hạt, đậu, rau củ quả, trái cây…. Việc hồi phục chức năng sinh lý đường ruột của bệnh nhân ung thư đại trực tràng trở về bình thường khoảng một tuần sau mổ. Chế độ ăn không thay đổi so với trước mổ, tuy nhiên ở những bệnh nhân bị bệnh ung thư trực tràng (ruột kết) cần giảm bớt lượng chất xơ trong thời gian vài tháng đầu sau mổ.
Theo dõi chặt chẽ sau mổ
Không ít người bệnh rất lo lắng, thậm chí còn hoang mang, tuyệt vọng khi được chẩn đoán là bệnh bị tái phát hay di căn. Câu hỏi được đặt ra là “Phát hiện sớm tái phát có cải thiện sống còn?”. Đây là câu hỏi rất quan trọng, khi cân nhắc tính hợp lý của việc theo dõi sẽ có cơ hội phát hiện sớm tái phát, cải thiện sống còn.
Mục đích của việc theo dõi sau mổ là tìm ra những biểu hiện sớm của các triệu chứng tái phát nhằm tạo cơ hội điều trị khỏi cho bệnh nhân một lần nữa. Phát hiện tái phát càng sớm thì kết quả điều trị càng cao. Mổ lại được có thể xem là trị khỏi khi tái phát còn giới hạn tại chỗ.
Phẫu thuật cũng có thể trị khỏi cho những vị trí di căn còn giới hạn, như di căn gan. Gần 40% bệnh nhân sống còn 5 năm sau khi được cắt một phần gan do di căn. Thời gian theo dõi được khuyến cáo là từ 3 - 6 tháng trong ba năm đầu, mỗi 6 tháng cho năm thứ tư và năm thứ năm, sau đó là mỗi năm nên tái khám một lần.
Lê Phương