Không có gì đảm bảo thời tiết ở các giải ultra trail ổn định. Khi xuất phát, thường là từ chân núi, nhiệt độ luôn ấm áp, khiến nhiều vận động viên chủ quan chỉ mặc trang phục mỏng. Nhưng khi lên độ cao từ 1.000 m, thời tiết sẽ thay đổi bất chợt, nhất là ở những vùng núi. Mây mù, gió mạnh, mưa lớn thậm chí mưa đá có thể kéo đến trong suốt hàng chục tiếng đồng hồ của cuộc đua. Dưới đây là một vài lưu ý nhỏ, giúp vận động viên tự đảm bảo an toàn cho bản thân, trước khi hoàn thành cự ly.
Giảm tốc độ nếu thấy tình hình không ổn
Chạy đường núi, vận động viên nên chạy chậm hơn so đường bằng vì địa hình khúc khuỷu, nhiều dốc và sỏi đá. Những trở ngại này sẽ tăng nguy cơ chấn thương nếu trượt ngã nhẹ. Chạy với tốc độ chậm cũng đảm bảo an toàn đồng thời để kiểm soát được ở những khúc cua gấp, hay chướng ngại vật bất ngờ.
Ngoài ra, hãy rút ngắn bước chạy để có thể kiểm soát lực hút của quán tính và trọng lực ở đoạn đường xấu. Từ đó, vận động viên có thể xử lý được tình huống đột xuất.
Về đích sớm là mục đích của bất kỳ vận động viên nào. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà ép bản thân phải cố gắng chạy nhanh qua những đoạn đồi. Nếu có thể, hãy đi bộ leo đồi, để tiết kiệm năng lượng. Bởi việc chạy qua đồi sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Đến khi vào những đoạn đường bằng phẳng runner sẽ thiếu năng lượng, làm cho việc về đích kéo dài hơn dự tính.
Nếu lần đầu tiên chạy trail, tốt nhất nên tìm một người hoặc một nhóm người đã có kinh nghiệm để song hành. Họ sẽ biết những con đường an toàn hơn và tiện lợi.
Mặc ấm vừa đủ
Theo các chân chạy chuyên nghiệp, giữ thân nhiệt ở vùng core (trung tâm cơ thể) là quan trọng nhất. Khi bị mất nhiệt ở vùng này, cơ thể sẽ phản ứng run để sinh ra nhiệt. Đeo găng tay khá quan trọng, trong một vài trường hợp, các vận động viên có thể mặc áo singlet (ba lỗ) khi chạy mà vẫn phải đeo găng tay, vì tay dễ bị lạnh cóng. Hãy giữ cho cơ thể và quần áo khô, vì nước truyền nhiệt nhanh hơn không khí rất nhiều, nếu quần áo bị ướt ta dễ bị lạnh hơn.
Nên mặc nhiều lớp đồ, trong đó có 3 lớp chính: base layer (tiếp xúc với cơ thể, thấm hút mồ hôi), mid layer (gia tăng khoảng cách với môi trường), outer layer (áo khoác ngoài tránh mưa, gió...). Giải ultra trail sẽ có nhiều thời điểm với thời tiết khác nhau, hãy tuỳ chỉnh trang phục theo điều kiện thi đấu.
Lưu ý, không nên dùng áo down jacket (áo lông vũ nhẹ), vì nó giữ nhiệt tốt nhưng không thoát được hơi ẩm, bí và không giữ nhiệt được khi bị ướt. Chất liệu len có thể giữ nhiệt được khi bị ướt. Cuối cùng là nên giữ quần áo trong túi chống nước.
Vận động viên cũng có thể làm quen chịu lạnh từ từ bằng cách tắm nước lạnh, mặc phong phanh vào mùa đông.
Hạn chế chạy ngả về phía sau
Xuống dốc (downhill) bằng cách hơi ngả người về phía trước, tận dụng lực kéo của trái đất với guồng chân nhanh và sải nhỏ. Hạn chế ngả về sau và dùng cơ đùi "phanh" chống lại trọng lực, việc này sẽ khiến cơ đùi mau bị mỏi. Nếu tập chạy cầu thang, hãy tập cả chạy xuống thay vì chỉ chạy lên và đi thang máy xuống.
Cuộc đua siêu địa hình trail sẽ có rất nhiều hố sâu và những chướng ngại vật phía trước gây nguy hiểm. Vì thế nên quan sát đoạn đường phía trước khoảng 5 đến 10 m để có thể kịp thời xử lý tình huống.
Cẩn trọng ở khu vực hoang dã
Rễ cây và những tảng đá có rất nhiều trên đường chạy trail. Các runner hãy cố gắng bước qua, đừng dẫm lên vì những tảng đá và rễ cây thường trơn trượt. Bên cạnh đó, sẽ có những tình huống không thể lường trước. Runner nên mang theo một số dụng cụ y tế dùng để sơ cứu và một số thức ăn dùng cho những lúc cần thiết.
Hãy uống khoảng 200ml nước mỗi 20 phút chạy hoặc uống ngay khi cảm thấy khát. Giảm tốc độ ở các trạm tiếp nước để uống, tránh làm đổ nước vào găng tay và quần áo, dễ khiến runner bị lạnh buốt, khó chịu trên đường đua.
Thành Dương (tổng hợp)
Để có thể đảm bảo duy trì cường độ tập luyện cũng như tìm cảm hứng chạy bộ, runner có thể đăng ký tham gia giải chạy ảo V-Race "Bản lĩnh Việt Nam" và giải "Chạy để sáng tạo".