Một phái đoàn ngoại giao Trung Quốc hồi tháng trước tới thăm Mỹ, với trưởng đoàn là ông Lưu Kiến Siêu, 60 tuổi, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thời gian chuyến thăm ngày 8-13/1, ông Lưu đã được phía Mỹ đón tiếp một cách trịnh trọng đến bất ngờ.
Ông Lưu, người có chức vụ được xếp ở cấp bộ trưởng nhưng không nổi bật bằng ngoại trưởng, đã thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và phó cố vấn an ninh quốc gia Jon Finer. Ông cũng gặp gỡ những gương mặt chủ chốt của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong đó có các chính trị gia địa phương cùng thành viên cộng đồng doanh nghiệp ở San Francisco, New York và Washington.
Chuyến thăm "không được chú ý nhiều, nhưng các sứ mệnh quan trọng của ông tại Mỹ có liên quan mật thiết đến thực tế là quan hệ giữa Triều Tiên và Nga, hai đối tác thân cận của Trung Quốc, gần đây ngày càng gắn bó", một nguồn tin am hiểu về mối quan hệ giữa Bắc Kinh, Moskva và Bình Nhưỡng tiết lộ.
Điều này dường như có nghĩa rằng quan hệ hợp tác giữa Nga và Triều Tiên đang trở thành lý do để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden kết nối với nhau, trong đó ông Lưu Kiến Siêu là một kênh quan trọng, giới chuyên gia nhận định.
"Về cơ bản, phía Trung Quốc muốn nói với chúng tôi rằng ông ấy sẽ mang những vai trò lớn hơn", một quan chức Mỹ nói về ông Lưu.
Trong suốt chuyến thăm, ông Lưu tiếp tục thúc đẩy nỗ lực của Chủ tịch Tập nhằm giảm bớt căng thẳng với Mỹ, nhưng vẫn kiên định bảo vệ các chính sách mà Trung Quốc theo đuổi, từ vấn đề Đài Loan đến chương trình nghị sự về an ninh quốc gia hay Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Lưu Kiến Siêu, 60 tuổi, được các quan chức đối ngoại đánh giá cao vì kinh nghiệm công tác trong đảng và thể hiện lòng trung thành chính trị, những phẩm chất được ông Tập đặc biệt coi trọng.
Ông từng học tại Đại học Oxford, Anh, trước khi gia nhập Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trở thành người phát ngôn và sau đó giữ chức đại sứ tại Indonesia, Philippines rồi được đề bạt làm trợ lý ngoại trưởng.
Khi làm Vụ trưởng Vụ Thông tin, nơi chịu trách nhiệm về quan hệ công chúng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu đã có cơ hội tiếp xúc nhiều với truyền thông nước ngoài và được đánh giá là người hòa nhã. Ông cũng được nhận xét là một diễn giả tài năng và có thể nói tiếng Anh trôi chảy.
Ông cũng từng giữ những vị trí nổi bật bên ngoài lĩnh vực ngoại giao. Ông được bổ nhiệm vào Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan giám sát chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập chỉ đạo, và một số chức vụ ở tỉnh Chiết Giang, nơi ông Tập từng là bí thư tỉnh ủy.
Giờ đây, với tư cách người đứng đầu Ban Liên lạc Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lưu trở thành "gương mặt vàng" cho nhiệm vụ theo đuổi các mục tiêu ngoại giao của Chủ tịch Tập, nhất là từ khi ngoại trưởng Tần Cương bị miễn nhiệm hồi năm ngoái.
Jeremy Chan, nhà phân tích cấp cao tại tổ chức tư vấn Eurasia Group, trụ sở ở New York, nhận định Lưu Kiến Siêu nhiều khả năng sẽ được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Trung Quốc trong kỳ họp quốc hội vào tháng 3. Vị trí Ngoại trưởng Trung Quốc hiện do ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, đảm nhiệm sau khi Tần Cương mất chức.
Theo Chan, nếu ông Lưu được bổ nhiệm vào vị trí này, thế giới sẽ chứng kiến một Trung Quốc mềm mại hơn trên trường quốc tế, ngay cả khi ông không phải là người ra quyết sách về đối ngoại của Bắc Kinh.
"Lưu Kiến Siêu là người thể hiện sự thân thiện hơn so với Vương Nghị và nói tiếng Anh tốt hơn, điều sẽ thúc đẩy các kênh liên lạc ngoại giao với Mỹ và các đối tác phương Tây", chuyên gia này nhận định.
Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng việc ông Lưu dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc thăm Mỹ hồi tháng 1 là một trong những động thái dọn đường cho việc đưa ông lên vị trí cao hơn, nổi bật hơn trong làng đối ngoại nước này.
Vai trò của ông Lưu trở nên nổi bật vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung, sau khi ông Tập và ông Biden hồi tháng 11 năm ngoái bắt đầu hướng đến nỗ lực tái kết nối hai cường quốc hàng đầu thế giới sau thời gian dài lạnh nhạt. Giới quan sát cho rằng mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong năm nay là giữ mối quan hệ ổn định với Mỹ, đặc biệt khi nước này đối mặt nhiều thách thức kinh tế.
Chính quyền Mỹ, đang quay cuồng vì xung đột Ukraine và khủng hoảng ở Trung Đông, cũng muốn tránh căng thẳng nghiêm trọng với Trung Quốc, đặc biệt khi Tổng thống Biden bước vào chiến dịch tái tranh cử chông gai.
"Các dấu hiệu đều cho thấy ông Tập Cận Bình muốn ổn định quan hệ trước mùa bầu cử Mỹ và vì các vấn đề kinh tế trong nước", Daniel Russel, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện công tác tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận xét.
Ông cũng chỉ ra các dấu hiệu tích cực trong quan hệ song phương gần đây, như việc quân đội Mỹ và Trung Quốc khôi phục đường dây liên lạc, hai nước hợp tác chống buôn lậu chất gây nghiện fentanyl hay trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Russel cho biết chuyến công tác tới Mỹ của ông Lưu cũng là một phần trong đó.
Khi gặp các quan chức Mỹ, ông Lưu luôn bám sát thông điệp mà Chủ tịch Tập đã trao đổi với Tổng thống Biden trong cuộc gặp hồi tháng 11 năm ngoái ở California, rằng Trung Quốc không có ý định thách thức Mỹ hoặc thay đổi trật tự quốc tế hiện tại. Nhưng thông điệp trên ngày càng bị hoài nghi ở Washington.
Đặc biệt, một số quan chức Mỹ tham gia các cuộc thảo luận còn lưu ý đến việc ông Lưu sẵn sàng lắng nghe và giải quyết những lo ngại liên quan đến chính sách của Trung Quốc, trong đó có việc ngăn chặn các công ty phương Tây đánh giá rủi ro đầu tư tại nước này.
Những hành động như vậy đã góp phần khiến dòng vốn nước ngoài chảy khỏi Trung Quốc và các quan chức Mỹ nói rằng ông Lưu dường như nhận thức sâu sắc về những rủi ro của việc xa lánh cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, vốn luôn là lực lượng ủng hộ Bắc Kinh mạnh mẽ nhất ở Washington.
"Ông ấy có vẻ thực sự quan tâm đến việc tìm hiểu xem các doanh nhân Mỹ cần gì để sẵn sàng hợp tác trở lại với Trung Quốc", một trong những người tham gia các cuộc thảo luận cho hay.
"Ông ấy thừa nhận việc hai nền kinh tế tách rời nhau sẽ tạo ra thảm họa đối với mối quan hệ Mỹ - Trung", người khác nói.
Phần gây chú ý nhất trong sự nghiệp chính trị của Lưu Kiến Siêu là việc ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu văn phòng quốc tế của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc vào năm 2015. Chức vụ trên khiến ông trở thành gương mặt chủ chốt trong chiến dịch "săn cáo" của Chủ tịch Tập nhằm truy lùng các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc tham nhũng trốn ra nước ngoài, trong đó có Mỹ.
Phát biểu tại diễn đàn do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ tổ chức hôm 9/1, ông Lưu đã trả lời câu hỏi về công việc này.
"Trước đây, khi họ trốn khỏi đất nước, chúng tôi không thể làm gì. Nhưng sau đó chúng tôi quyết tâm đưa họ trở về nước với sự hỗ trợ từ đối tác, đồng nghiệp ở các nước khác", ông nói, thêm rằng Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã giúp đỡ tích cực cho chính quyền Trung Quốc.
Cũng tại cuộc tọa đàm, Lưu phủ nhận việc Trung Quốc từng theo đuổi chính sách ngoại giao "chiến lang", dù các nhà ngoại giao nước này thường xuyên đưa ra những bình luận cứng rắn, quyết liệt trước mọi lời chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh.
Khi ông Tập kêu gọi thành lập "đội quân sắt" ngoại giao trong một cuộc họp cấp cao về đối ngoại gần đây, Lưu giải thích Chủ tịch Trung Quốc "thực sự chỉ muốn nói rằng các nhà ngoại giao cả trong nước và nước ngoài cần giữ nghiêm kỷ luật".
Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Trung tâm Stimson ở Washington, người tham dự cuộc tọa đàm, nhận định chuyến thăm Mỹ của ông Lưu là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông sẽ được giao nhiệm vụ quản lý mối quan hệ quan trọng với Mỹ. "Sẽ rất bất thường nếu ông ấy không đảm nhận một vị trí lớn hơn", Sun nói.
Chuyên gia Chan của Eurasia Group cho rằng kinh nghiệm phong phú của ông Lưu Kiến Siêu trong nhiều lĩnh vực công tác giúp ông trở thành ứng viên phù hợp cho cương vị lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
"Các hoạt động trong cơ quan chống tham nhũng của ông ấy là khá bất thường với cương vị ngoại trưởng, nhưng kinh nghiệm công tác tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cũng khiến ông ấy trở thành người đáng tin cậy trong mắt các lãnh đạo Trung Quốc", Chan nói. "Về bản chất, ông Lưu vẫn là một nhà ngoại giao có tầm nhìn toàn cầu và sự tự tin cần thiết khi giao tiếp với các đối tác nước ngoài".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)