BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết thông tin trên, thêm rằng người tiêm đa phần là trẻ trai.
"Số lượt tiêm tăng lên ở thiếu niên vì các em đang trong kỳ nghỉ hè, đủ thời gian để được tư vấn, tiêm chủng phù hợp và theo dõi kỹ sau chủng ngừa", bác sĩ Phương lý giải.
Như bà Liên Hải, 74 tuổi, TP HCM, đưa cháu gái 11 tuổi đến VNVC Hoàng Văn Thụ khi cháu bước vào kỳ nghỉ dài. Bé được chủng ngừa Gardasil 9 và mũi phòng viêm não Nhật Bản, cúm.
Ngoài ra, nhiều gia đình tiêm cho tất cả thành viên. Anh Nhật Hoàng, 40 tuổi, TP HCM, mua ba gói vaccine HPV tại VNVC vào cuối tuần (8/6). Người thân của Hoàng mắc ung thư cổ tử cung nên anh quan tâm đến việc phòng ngừa, tiêm chủng đầy đủ. Khi con nghỉ hè, anh và vợ, cùng đến VNVC tiêm chủng.
"Gardasil 9 dành cho người đến 45 tuổi nên vợ chồng tôi cũng tiêm để phòng bệnh", anh Hoàng nói.

Một gia đình đến VNVC tiêm vaccine Gardasil 9. Ảnh: Mộc Thảo
Hiện có hai loại vaccine phòng HPV là Gardasil và Gardasil 9, đều sản xuất tại Mỹ.
Gardasil 9 phòng 9 chủng do HPV gồm 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, trẻ 9-14 tuổi tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu 6 tháng. Người 15-45 tuổi cần ba mũi, mất thời gian và tốn kém hơn.
Gardasil phòng bốn chủng gồm 6, 11, 16, 18, chỉ tiêm cho nữ giới 9-26 tuổi. Phác đồ ba mũi trong 6 tháng.
Theo bác sĩ Phương, vaccine HPV đạt hiệu quả tốt nhất khi tiêm cho nhóm 9-14 tuổi. Độ tuổi thiếu niên chưa quan hệ tình dục, khả năng phơi nhiễm HPV không cao. Nhóm trẻ này cũng có phản ứng miễn dịch tốt hơn so với tuổi trưởng thành. Hiệu giá kháng thể (sự hiện diện và mức độ của kháng thể) kéo dài hơn, trẻ không cần tiêm nhắc khi trưởng thành. Hiệu quả bảo vệ của vaccine lên tới hơn 90% khi tiêm đủ, đúng phác đồ.
"Khi tiêm HPV trước dậy thì, trẻ chỉ cần tiêm hai mũi, giảm số lần tiêm và chi phí so người lớn", bác sĩ Phương cho biết.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, thống kê tỷ lệ nhiễm HPV và tiền ung thư cổ tử cung đã giảm kể từ khi vaccine HPV được sử dụng vào năm 2006. Trong số các bé gái tuổi dậy thì, tình trạng nhiễm các loại HPV nguy cơ cao giảm 88%.
Nghiên cứu của Mallory K. Ellingson và cộng sự thực hiện năm 2023, dựa trên các bài báo khoa học về vaccine HPV xuất bản giai đoạn 2007-2022, cho thấy hiệu quả ở nhóm 9-14 lên đến 93%.

Trẻ tiêm vaccine Gardasil 9 tại VNVC Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Mộc Thảo
Bác sĩ Phương nhấn mạnh tiêm vaccine đầy đủ không đồng nghĩa loại bỏ 100% nguy cơ nhiễm HPV. Mọi người vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như quan hệ tình dục an toàn, hạn chế chất kích thích, sinh hoạt lành mạnh, không dùng chung vật dụng cá nhân, duy trì khám sức khỏe định kỳ...
HPV là virus gây u nhú ở người, có thể gây nhiều bệnh đường sinh dục, điển hình ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo ở nữ. Ở nam giới, HPV có thể gây ung thư tại dương vật. Ở cả hai giới, virus gây ung thư vòm họng, hậu môn, mụn cóc sinh dục.
Nhóm đang dậy thì có nguy cơ nhiễm HPV. Trẻ vị thành niên và người chưa quan hệ tình dục có nguy cơ nhiễm virus do nhiều nguyên nhân: dùng chung hoặc tiếp xúc vật bị nhiễm HPV (khăn, quần lót), tự nhiễm bệnh do vệ sinh vùng sinh dục kém, lây truyền từ mẹ sang con lúc sinh.
Mộc Thảo