Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, thêm rằng lượt trẻ tiêm vaccine sởi tăng đột biến so với cùng kỳ tháng trước. Mức tăng cao nhất ghi nhận tại TP HCM và các tỉnh miền Nam. Lượng tiêm ngừa sởi cũng tăng ở nhóm trẻ ở độ tuổi đi học (3-17 tuổi) và phụ nữ chuẩn bị mang thai.
Giải thích về lượt tiêm sởi tăng cao, bác sĩ Phong cho biết, nhiều phụ huynh lo con mắc bệnh khi TP HCM công bố dịch sởi và ghi nhận 21 ca sởi ở học sinh trong tháng 8. Ngoài ra, thời tiết mưa nắng thất thường, tạo điều kiện thuận lợi để bệnh sởi phát triển. Vì vậy các gia đình đưa trẻ tiêm vaccine trong thời gian nghỉ lễ 2/9, trước ngày khai giảng.
Như gia đình chị Huyền My, quận Gò Vấp, TP HCM, cùng con đến VNVC Hoàng Văn Thụ từ 7h. Bé 6 tuổi, sẽ vào lớp 1 trong tháng 9. Theo chị, con học bán trú, cả ngày tiếp xúc với bạn bè trong trường nên tiêm vaccine để yên tâm hơn.
Còn anh Hoàng đưa con trai 3 tuổi đến VNVC Quận 12 tiêm nhắc mũi vaccine sởi. Anh cho biết đây là yêu cầu từ trường mầm non bé đang theo học, cần nộp giấy tờ tiêm chủng. Anh ủng hộ cách làm của nhà trường để không bùng dịch.
Bác sĩ Phong khuyến cáo phụ huynh nên cho con tiêm vaccine sớm, cần khoảng 2-3 tuần để tạo kháng thể đầy đủ. Nếu tiêm đủ mũi, hiệu quả phòng bệnh lên tới 98%. Gia đình, phụ nữ chuẩn bị mang thai cũng cần tiêm ngừa.
Bên cạnh đó, bệnh sởi có tốc độ lây lan nhanh. Phụ huynh không để trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc sởi. Nâng cao thể trạng bằng cách tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin. Trường học, trường mẫu giáo, nơi trẻ theo học cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng chất sát khuẩn.
UBND TP HCM chiều 27/8 công bố dịch sởi trên địa bàn nhằm triển khai các biện pháp phòng chống, tổ chức tiêm vaccine. Đây là lần đầu TP HCM công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch này.
Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 430 ca sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính. Trong hai ngày tới, khoảng 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) sẽ về tới thành phố để triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Bác sĩ Phong lưu ý mỗi người cần tiêm tối thiểu hai mũi ngừa sởi, do hiệu quả một mũi vaccine chỉ đạt 80-85%. Trong bối cảnh dịch bệnh, các mũi tiêm có thể cách tối thiểu một tháng để tăng cường miễn dịch, thay vì chờ đến ba tháng hoặc ba năm như lịch tiêm thông thường (tùy theo lịch sử tiêm chủng của trẻ).
Hai vaccine MVVAC và MMR II có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi sống tại vùng dịch. Hiện lịch tiêm này cũng được Bộ Y tế đề xuất áp dụng tại TP HCM, trong buổi làm việc chiều 29/8.
Sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra với tốc độ lây lan nhanh và mạnh. Trung bình một ca sởi có thể lây cho 12-18 người. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nhóm 1-4 tuổi và 5-9 tuổi (độ tuổi mầm non, tiểu học) nguy cơ cao bị ảnh hưởng và gián đoạn học tập khi dịch bệnh xảy ra.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh sởi. Tiêm vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, tỷ lệ tiêm cần đạt trên 95% để tạo miễn dịch cộng đồng, tránh bùng phát dịch bệnh.
Mộc Thảo
Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 200 trung tâm tại 55 tỉnh, thành làm việc xuyên lễ Quốc khánh ngày 2-3/9. VNVC có đủ vaccine cho trẻ em và người lớn, đặc biệt vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng và người lớn, gồm: mũi sởi đơn MVVAC (Polyvac - Việt Nam), mũi sởi phối hợp quai bị - rubella Priorix (GSK - Bỉ) và MMR II (MSD - Mỹ). Vaccine có mức giá bình ổn, không phát sinh chi phí phụ, đồng thời có nhiều chương trình ưu đãi giá, quà tặng.
Tất cả vaccine ở VNVC được bảo quản ở hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh GSP tiêu chuẩn quốc tế; quy trình tiêm chủng an toàn; đội ngũ bác sĩ giỏi, điều dưỡng tiêm nhẹ nhàng; trung tâm có phòng xử trí phản ứng sau tiêm hiện đại, đủ phương tiện y khoa cao cấp. Người dân có nhu cầu tư vấn, tiêm chủng vaccine sởi hoặc các vaccine có thể đến trực tiếp các trung tâm VNVC hoặc gọi hotline 028 7102 6595.