Nhiều lần "cắp cặp" đi xin phê duyệt tổng số biên chế đã có nhưng bất thành, TP HCM bị kết luận là "địa phương duy nhất trên toàn quốc" vẫn để dôi dư 5.700 người.
"Đối tượng giảm biên chế là không giới hạn, không có ngoại lệ, kể cả chủ tịch quận, huyện, giám đốc sở ngành hay tiến sĩ, thạc sĩ. Không làm được việc sẽ bị đào thải", Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Lê Văn Làm nêu thông điệp khi thành phố bắt đầu tinh giản biên chế, năm 2015.
Nguyên tắc chung là "ra 2 vào 1", tức cứ hai người nghỉ sẽ tuyển một người. Khi đó, TP HCM lên kế hoạch sắp xếp lại bộ máy, đến năm 2021 sẽ giảm gần 14.000 công chức, viên chức - tương ứng 10%.
Thành phố sau đó giải thể, tổ chức lại ba đơn vị và thành lập thêm cơ quan mới - Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Cấp quận, huyện giảm 23 phòng chuyên môn nhờ sáp nhập ba quận Thủ Đức, 2, 9 thành TP Thủ Đức. Nhưng mô hình đội quản lý trật tự đô thị lại hình thành ở 22 quận huyện.
Sau 7 năm, trong 31 tổ chức hành chính hiện có của thành phố, 3 đơn vị tăng biên chế. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là nơi
tăng biên chế cao nhất với gần 18,7%. Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc cơ quan này lý giải, một số chi cục như Chi cục Thú y, được chuyển đổi từ
đơn vị sự nghiệp thành cơ quan hành chính nên số biên chế công chức tăng.
Trong khi đó, Sở Công Thương - đơn vị giảm biên chế nhiều nhất, đạt gần 80,8% do chi cục Quản lý thị trường không còn trực thuộc sở. Cục Quản lý thị trường được thành lập trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.
Tỷ lệ tăng giảm biên chế ở các cấp 2015-2021
Số bộ máy hành chính được tái cấu trúc nhưng mục tiêu giảm biên chế của thành phố chỉ đạt một phần. So với 2015, số viên chức năm 2021 của TP HCM giảm khoảng 24.000, nhưng số công chức lại tăng gần 1.700.
Thực tế, số công chức tại TP HCM những năm qua chỉ di chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác. Việc tinh giản chủ yếu diễn ra cơ học, tức do cán
bộ về hưu hoặc thôi việc. Lực lượng thuộc diện cắt giảm chiếm tỷ lệ rất ít. Như năm 2021, thành phố giảm được 194 biên chế, chỉ 12 người thuộc
trường hợp tinh giản (chiếm 6,2%), còn lại nghỉ hưu, thôi việc.
Ở khối sự nghiệp, 24.000 viên chức mà TP HCM giảm trong 7 năm là từ sự tự chủ của nhóm đơn vị sự nghiệp y tế. Năm qua, số nhân sự thực tế chỉ đạt 82,8% tổng biên chế mà HĐND thành phố duyệt, và thấp hơn yêu cầu của Bộ Nội vụ do không tuyển được người.
Dù đã giảm được hàng chục nghìn biên chế so với 2015, TP HCM vẫn bị phê bình là địa phương duy nhất đi ngược xu hướng chung trong bối cảnh năm 2021, cả nước lần đầu vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế sau gần hai thập kỷ.
Nguyên nhân khiến TP HCM rơi vào tình trạng này là sự chênh lệch về tổng số biên chế được HĐND thành phố phê duyệt và số Bộ Nội vụ giao.
Theo Bộ Nội vụ, tinh giản biên chế của TP HCM chưa đạt về mọi mặt, cả tại cơ sở hành chính và đơn vị sự nghiệp. Cụ thể, năm 2021, HĐND TP HCM duyệt dôi dư 3.601 công chức và 2.104 viên chức, tức cao hơn chỉ tiêu Thủ tướng phê duyệt là 5.705 người (không tính người ký hợp đồng lao động và số công chức phường khi thực hiện chính quyền đô thị).
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết số viên chức dư không phải vấn đề lớn vì chỉ cần đẩy mạnh tự chủ, xã hội hoá tại các đơn vị sự nghiệp để giảm biên chế nhận lương từ ngân sách nhà nước. Nhưng biên chế công chức dôi dư "không giải quyết được thì rất căng".
"Không tỉnh nào có tình trạng thế này. Đây là phát sinh duy nhất trên toàn quốc. Cơ sở ở đâu để HĐND thành phố giao biên chế công chức thế này, trách nhiệm thuộc về ai, hướng giải quyết thế nào", bà Trà nói tại buổi làm việc với UBND TP HCM, hôm 23/6.
Bộ trưởng Nội vụ đánh giá tinh thần tinh giản biên chế của TP HCM "chưa đồng bộ, quyết liệt, quyết tâm chưa cao" nên chưa đáp ứng yêu cầu biên chế cả trong khối hành chính lẫn sự nghiệp, dù dư địa tự chủ, xã hội hoá của các đơn vị sự nghiệp rất lớn. Việc quản lý biên chế có phần buông lỏng.
"Đây là vấn đề lịch sử nhưng là lịch sử tồn tại duy nhất cả nước", bà nói và gọi số nhân sự dôi dư của thành phố là "biên chế giao không đúng thẩm quyền".
Trong khi đó, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Huỳnh Thanh Nhân giải thích, số biên chế cao hơn Bộ Nội vụ giao không phải dôi dư, mà là số nhân sự cần thiết để bộ máy vận hành.
Sở Nội vụ TP HCM nêu, thực tế, thành phố đã giảm biên chế cả công chức và viên chức nếu căn cứ theo con số được HĐND TP phê duyệt năm 2015. Ngoài ra, năm 2021, khi thành phố thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không còn hội đồng nhân dân các cấp, biên chế cấp phường tăng 3.735. Điều này dẫn đến việc số công chức tăng 1.700 người.
Lý giải thêm, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết TP HCM có nhiều cơ quan mà địa phương khác không có, chẳng hạn như đội quản lý
trật tự đô thị, mỗi quận huyện khoảng 50 người thì 22 quận huyện đã thêm gần 1.000 người; hay Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng là mô hình duy
nhất cả nước...
Sở Nội vụ cũng nêu thực tế hiện nhiều sở ngành còn kiến nghị cơ quan này tham mưu chính quyền thành phố tăng biên chế vì tình hình nhân sự khó
khăn.
"Nếu không công nhận, TP HCM vẫn làm theo biên chế như thế này chứ khó khắc phục được. Nếu cắt con số đang dư của TP HCM sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động", ông Nhân nói.
Theo một nguyên lãnh đạo Sở Nội vụ TP HCM giai đoạn 2015-2020, mâu thuẫn biên chế do không đúng thẩm quyền giữa TP HCM và Bộ Nội vụ không mới, mà thực chất đã kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ.
Ông kể, khi còn đương nhiệm, năm nào Sở Nội vụ thành phố cũng phải "xách cặp ra Hà Nội xin công nhận số biên chế" mà HĐND đã duyệt. Thành phố
dù thu ngân sách chiếm 1/4 của cả nước, nhưng nhân sự khu vực công thì lúc nào cũng trong cảnh "túng thiếu".
Tình trạng biên chế không được Trung ương công nhận xuất hiện từ năm 2003, khi thành phố phát sinh nhân sự từ việc tăng hai quận Bình Tân
(tách từ huyện Bình Chánh), và Tân Phú (tách từ quận Tân Bình). Đồng thời, hàng loạt đơn vị mới được thành lập như Ban Quản lý Khu công nghệ cao,
Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải... Đến năm 2014, số biên chế hành chính của thành phố chưa được Trung
ương công nhận đã lên tới 3.888 người.
Vào năm 2015, khi Bộ Chính trị yêu cầu tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39, thành phố đã thiếu hàng nghìn người. "Thời đó, HĐND thành phố thông qua cỡ 13.000 công chức, nhưng Bộ Nội vụ ấn xuống chỉ hơn 8.000. Bắt giảm tới 5.000 người, và hàng chục nghìn viên chức. Không biết làm thế nào. Chẳng lẽ xây trường mới rồi để không, không có giáo viên", ông nói.
Dù biết khi đó để giảm biên chế trong bối cảnh vẫn đang thiếu cán bộ là rất khó, song nhiệm vụ Trung ương giao, thành phố vẫn phải "nhắm mắt làm". Cùng với đó, thành phố kiên trì đề xuất Bộ Nội vụ chấp nhận số biên chế mà HĐND đã thông qua, dù lần nào cũng chỉ "nhận cái lắc đầu".
Theo ông, về lý thuyết, việc phân bổ biên chế do địa phương đề xuất lên, sau đó Bộ Nội vụ xem xét lại và căn cứ trên quy định để phân bổ nhân sự cho địa phương. Nhưng liên tục gần 10 năm nay, con số Bộ Nội vụ đưa ra luôn chỉ đáp ứng khoảng 1/2 nhu cầu nhân sự mà TP HCM đề xuất (tức số biên chế HĐND duyệt). Điều này chứng tỏ hai bên chưa lắng nghe để hiểu nhau, hướng đến cách giải quyết vấn đề.
"Bộ Nội vụ cần giải thích rõ căn cứ giao biên chế cho TP HCM, có dựa trên khối lượng công việc không hay chỉ căn cứ vào vị trí việc làm. Việc gần 10 năm thành phố không giảm được biên chế liệu là do không làm, hay không làm nổi?", ông nói và cho rằng vướng mắc này chỉ có thể tháo gỡ khi hai bên cùng dùng chung một quy chuẩn về phân bổ cán bộ.
Nếu TP HCM liên tục bị Bộ Nội vụ từ chối tăng biên chế thì các cơ quan, đơn vị tại thành phố cũng luôn phải nhận "cái lắc đầu từ Sở Nội
vụ".
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho biết quy mô dân số của phường là 107.000, khối lượng công việc
lớn, trong khi chỉ tiêu giao biên chế là 37 người (hiện có 34 người), không đáp ứng được công việc. Do áp lực cao, khối lượng công việc lớn nên
liên tục có tình trạng cán bộ nộp đơn xin nghỉ việc. Cá biệt có một phó chủ tịch phường cũng từ nhiệm.
"Một số cán bộ công chức phường bị chồng (hoặc vợ) cự nự, thậm chí ly hôn rất phổ biến vì thời gian dành cho gia đình rất ít. Thực tế có người 2-3 năm chưa nghỉ phép, chưa nghỉ thứ bảy, chủ nhật", ông nói, cho biết thêm cán bộ phường thường xuyên làm việc đến 20-21h, cả thứ bảy, chủ nhật.
Tương tự, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, có 167.000 dân - tương đương một nửa tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, biên chế của xã được giao là 36 gồm cả những người hoạt động không chuyên trách, khiến quá tải công việc.
Một lãnh đạo ở đây cho biết, dù đã xoay xở nhiều cách để giảm tải, song địa phương vừa phải giải quyết cho hai trường hợp nghỉ việc theo nguyện vọng.
"Anh em bị ảnh hưởng sức khỏe, lại không có thời gian cho gia đình nên xin nghỉ. Công việc quá tải, lương không cao, mình níu kéo nhưng chẳng có gì để thuyết phục họ ở lại", bà nói.
Chị Nguyễn Thị Như An, chuyên viên Văn phòng UBND xã Vĩnh Lộc A, cho biết mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 350 hồ sơ hành chính gồm địa
chính - xây dựng, hộ tịch, sao y - chứng thực. Việc nhiều, cán bộ thiếu, hệ quả là người dân phải chờ hàng giờ chỉ để làm thủ tục sao y - chứng
thực. Xã chỉ có hai cán bộ để nhập dữ liệu, kiểm tra pháp lý hồ sơ, đóng dấu vuông, đối chiếu, sao lưu, rồi trình lãnh đạo ký, đóng dấu tròn, sau
đó thu phí, trả hồ sơ cho dân.
"Có hồ sơ hạn ba ngày nhưng nếu không xử lý trong ngày, để tồn sang hôm sau là làm không kịp", chị An nói, mô tả thêm "hôm nào về nhà trước 18h30, mọi người trong gia đình đều thấy lạ".
Nữ chuyên viên văn phòng cho biết chị hầu như không có thời gian cho gia đình hay cuộc sống riêng. Từ ngày vào làm công chức tại UBND xã Vĩnh Lộc A năm 2008, chị chỉ nghỉ phép đúng một lần khi bố mất. Bốn ngày nghỉ chưa hết, cấp trên đã gọi chị vào làm báo cáo vì cơ quan quá thiếu nhân sự, không có người làm thay.
"Nghĩ cũng tủi thân nhưng vì thời gian cấp bách, đồng nghiệp ai cũng nhiều việc không thể chia sẻ khó khăn", chị nói.
Ở cấp sở, ngành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM Đinh Minh Hiệp cũng cho biết, khoảng giữa năm, các đơn vị sẽ báo cáo
nhu cầu nhân sự năm sau để ngành nội vụ xem xét phân bổ, nhưng luôn thấp hơn nhu cầu.
Số liệu Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 do Bộ Nội vụ vừa công bố cho thấy, trung bình cả nước cứ 72 người dân thì có một cán bộ nhà
nước. Tỷ lệ này tại TP HCM là 118 người, thuộc nhóm cao nhất nước. Vì thế, áp lực công việc trên mỗi cán bộ TP HCM cao hơn hầu hết các tỉnh,
thành khác, thể hiện rõ nhất ở cấp xã, phường - nơi gần dân nhất.
Bản đồ tỷ lệ người dân/cán bộ
Click để xem chi tiết
Ông Diệp Văn Sơn, chuyên gia cải cách hành chính, nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ nhận định, việc tinh giản biên chế nhiều nhất ở cấp phường
xã theo Nghị định 34 đã khiến cho bộ máy hành chính càng khó khăn hơn. Bởi khi nơi này quá tải, không giải quyết hết việc thì đầu việc phức tạp
sẽ tự động bị dồn lên cấp cao hơn. Nguyên tắc là cấp xã làm tốt thì cấp trên sẽ "nhẹ gánh" và ngược lại. Điều này tạo ra hiệu ứng domino là khi
công việc ở cấp thành phố, quận huyện nhiều thì lại càng khó giảm biên chế.
Theo ông Sơn, không chỉ khối hành chính, cả khối đơn vị sự nghiệp cũng sẽ vận hành trên nguyên tắc này. Nếu cơ sở y tế tuyến dưới làm tốt, bệnh nhân sẽ không phải chuyển lên tuyến trên điều trị gây ùn tắc.
"Kiểu chỗ này thụt vào, chỗ khác thò ra như hiện nay tại TP HCM sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Quan trọng là phân số lượng cán bộ dựa trên khối lượng công việc", ông nói.
Để so sánh khối lượng công việc công chức của TP HCM, ông Sơn đánh giá chỉ cần nhìn vào số ngân sách nộp hàng năm, và số GRDP đóng góp cho cả nước. Đằng sau sự sôi động đó chính là khối lượng công việc khổng lồ đến từ tần suất giao dịch của các cá nhân, doanh nghiệp mà các cán bộ nơi đây đang đảm nhận.
"Cần tăng quyền tự chủ, tự quyết của mỗi địa phương trong tổ chức bộ máy vì sẽ không ai hiểu thành phố bằng chính thành phố. Quan trọng là phát huy vai trò của các cơ quan giám sát để không khiến bộ máy hành chính trở thành bộ máy gia đình trị, chỉ tuyển dụng người nhà", ông Sơn nói.
Theo Kết luận 28/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, giai đoạn 2022-2026 cả nước cơ bản không tăng biên chế cán bộ, công chức và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Bộ Chính trị cũng yêu cầu chấm dứt việc giao biên chế không đúng thẩm quyền, tự giao biên chế vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định; đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tự giao tăng biên chế và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sắp tới, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục đổi mới bộ máy hành chính bằng cách giao tổng biên chế và phân cấp, phân quyền cho địa phương tự bố trí cán bộ phù hợp. Hiện, Bộ Nội vụ đã trình tổng biên chế của các địa phương cho Bộ Chính trị căn cứ trên số biên chế giao năm 2021. Nếu TP HCM tiếp tục kéo dài tình trạng dôi dư biên chế như hiện tại thì sẽ "rất khó khăn".
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang rà soát để giải trình với Trung ương về số biên chế chênh lệch so với chỉ tiêu được giao và đề xuất phương án giải quyết phù hợp. "Thành phố cũng sẽ có đề xuất theo hướng phát huy tự chủ và cơ chế xã hội hoá để giảm gánh nặng cho ngân sách", ông Mãi nói.
Thái Anh - Hồng Trần