Tôi có đứa cháu, khi còn đang đi học, vẫn ngửa tay xin tiền cha mẹ. Gia đình ở quê nghèo, làm nông, còn đang gánh nợ mấy trăm triệu đồng do làm ăn thua lỗ, vậy mà hàng ngày vẫn uống một ly trà sữa có giá vài chục ngàn đồng.
Tôi là cậu, đã sống ở Sài Gòn 30 năm, tôi biết cái khổ của dân nhập cư mà không được cha mẹ hỗ trợ phải tự thân vận động để mua được nhà sẽ vất vả thế nào. Vậy nhưng nói thế nào nó cũng không chịu tiết kiệm. Bây giờ ra trường đi làm lương cũng không đủ sống, nhưng nó vẫn giữ kiểu hàng ngày uống ly trà sữa vài chục nghìn đồng, lúc thiếu tiền lại gọi hỏi vay cậu.
Người ta chỉ chê những người ăn tiêu hoang phí như vậy, chứ nếu làm ra tiền để phục vụ cuộc sống và chi tiêu có kế hoạch thì không ai chê.
Những bài viết về việc giới trẻ ngày nay sướng hay khổ đều nói đến những bạn ăn chơi thoải mái, tới đâu tính tới đó. Đấy là tư tưởng sống hưởng thụ chứ không phải là đổ thừa cho việc có cố gắng cũng không mua được nhà.
Tuy không mua được nhà, nhưng khoản tiền tích lũy sẽ là khoản dự phòng lúc ốm đau bệnh hoạn, lúc thất nghiệp. Chắc hẳn mọi người còn nhớ đợt giãn cách chống dịch Covid-19 năm 2021, nhiều người khổ sở vì không có tiền tích luỹ. Vậy nhưng sau đợt dịch rất nhiều người trẻ cũng chưa rút ra được bài học mà vẫn xả láng.
Tôi không chê bai, cũng như ép buộc con tôi phải thành ông nọ bà kia, nhưng tôi chỉ yêu cầu con tôi là phải luôn nỗ lực hết khả năng, nếu đã nỗ lực hết khả năng rồi thì kết quả có như nào cũng được, vì khả năng mỗi người mỗi khác.
Tôi vẫn nói là không phải mọi nỗ lực đều thành công, nhưng mình đã nỗ lực hết khả năng để nếu có thất bại mình cũng không phải hối hận. Nhưng phải nhìn nhận là giới trẻ ngày nay có đủ điều kiện tốt để học tập và làm việc, nhưng lại có nhiều người sống ỷ lại vào cha mẹ.
Thoả
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.