"Không ai muốn mình phải làm hai, ba việc cả, điều này nói lên thực trạng đời sống ngày càng khó khăn, thu nhập tiền lương không đủ sống".
Trên đây là bình luận của độc giả nickname hugiha, nói về những nhân viên "chân trong, chân ngoài". Bình luận này nhận được gần 800 lượt like trên VnExpress.
Tuy nhiên, nhiều độc giả có suy nghĩ khác. Độc giả nguyentrv nói: "Việc làm thêm là hoàn toàn chính đáng, nhưng nếu làm thêm trong giờ làm việc và sử dụng tài nguyên của công ty (máy móc, điều hòa, đèn, điện, nước...) lại là một việc sai trái hoàn toàn.
Công ty trả tiền lương và cung cấp các tài nguyên là để nhân viên làm việc cho công ty".
Đồng quan điểm, độc giả Du Tử đặt vấn đề: "Sử dụng văn phòng làm việc, thời gian của một công ty để làm việc cho các khách hàng hoặc công việc khác của mình. Liệu như vậy là văn minh, hợp lý và có 'fair' không?".
"Miễn sao tiến độ cũng như chất lượng công việc luôn đáp ứng được yêu cầu đề ra. Công ty tôi thành lập, nhiều bạn Gen Z làm một lúc ba, bốn công việc, tôi vẫn thoải mái, thậm chí, còn bảo nếu như có vấn đề gì khó trong khía cạnh chuyên môn thì cứ bảo, tôi hỗ trợ cho.
Căn bản ai cũng cần tiền, có khi là cần tiền nhiều nên vô tư thoải mái. Tất nhiên là vẫn phải bảo các bạn nên cân bằng sức khỏe, tránh quá sức để đến khi lại mắc phải các bệnh nặng thì khổ", độc giả steveanh312 cho biết cảm thông và tạo điều kiện với các nhân viên làm thêm bên ngoài.
Độc giả aspirationmore kể câu chuyện tương tự, bày tỏ ủng hộ nhân viên làm thêm ngoài, miễn sao hoàn thành tốt công việc chính:
"Trước đây tôi có một nhân viên cứ hễ đến giờ nghỉ trưa hay sau giờ làm việc chính thì anh ta mở ngay laptop mang theo chăm chú xử lý những hình ảnh trong máy.
Có bận thấy anh ta không ăn trưa mà chỉ làm việc, tôi bèn bước tới khuyên nên ăn uống nghỉ ngơi. Lúc đó anh ấy mới giải bày: 'Em làm thêm để kiếm tiền gửi về quê cho má em'.
Lúc đó tôi vỗ vai và nói: 'Làm gì thì làm, em nên ăn uống nghỉ ngơi để còn cày và kiếm tiền nữa chứ'.
Đành rằng làm thêm là việc rất tốt nhưng nhân viên phải biết sắp xếp thế nào để vừa hoàn thành nhiệm vụ một nhân viên làm công ăn lương (đi đúng giờ, làm đúng việc) và vừa có thể hoàn thành job của mình đó là điều tôi hoàn toàn ủng hộ".
Độc giả phanhoankt chia sẻ tăng thêm lương để nhân viên bớt áp lực chi tiêu, giảm làm thêm bên ngoài:
"Nhân viên của nhà tôi lương 15 triệu nên làm thêm ngoài. Thật sự tôi cũng không thích như vậy vì họ sẽ bị phân tâm, không làm tốt việc cho mình nữa. Tôi hỏi họ là làm thêm kiếm được bao nhiêu một tháng, họ bảo làm thêm thì mỗi tháng được 2 triệu đồng, nhưng chỉ làm được 5 tháng theo mùa.
Vậy thôi tôi cố tạo thêm việc cho họ làm thêm và tăng thêm cho họ mỗi tháng 2 triệu trên 12 tháng".
Độc giả hactrang1982 cho rằng không vì đổ thừa lương thấp mà lạm dụng tài nguyên, thời gian làm việc cho công ty để tư lợi:
"Nếu công ty trả lương thấp thì cứ thẳng thắn nói chuyện với cấp trên cần làm thêm để kiếm thêm thu nhập khi có thời gian rảnh rỗi trong giờ làm việc, hoặc tìm môi trường khác.
Nếu sếp duyệt thì làm, còn không thì đổi việc, nếu lạm dụng tài nguyên và thời gian công ty mà không được sự cho phép thì là sai trái, ảnh hưởng tới đồng nghiệp xung quanh".
Độc giả Black Judo nói: "Làm nhiều việc đã tồn tại từ lâu chứ không phải xu hướng mới ở Việt Nam.
Các công ty phải chấp nhận điều này, bởi vì có nhiều công việc đòi hỏi lương không cao nhưng vẫn cần phải có người làm. Có người làm thì mức lương đó không đủ sống, mà công ty thì không thể trả cao hơn.
Vì vậy công ty buộc phải xác lập tư duy không định kiến với nhân viên có nhiều jobs khác. Công ty phải có cách định lượng chính xác giữa khối lượng công việc và lương, bỏ tư duy tuyển người thì phải tận dụng tối đa công sức thời gian của họ khi lương không xứng đáng".
Hữu Nghị tổng hợp